Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Hệ thống các tạp chí khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm, gắn bó chặt chẽ với việc hình thành và phát triển của các Viện nghiên cứu chuyên ngành. Từ một tờ tạp chí đầu tiên có tên là Văn - Sử - Địa ra đời ở Chiến khu Việt Bắc đến nay Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có một hệ thống gồm 32 tạp chí khoa học được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp giấy phép hoạt động. Nhiều tạp chí trong số đó được xuất bản cả bằng tiếng Anh. Xu hướng phát triển hệ thống tạp chí của Viện Khoa học xã hội Việt Nam là mỗi Viện nghiên cứu chuyên ngành đều có một tạp chí khoa học thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn cả nước tham gia như diễn đàn khoa học của cả giới.

Về mặt tổ chức, ngoài Toà soạn Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 30 Toà soạn khác nằm trong cơ cấu tổ chức của các Viện nghiên cứu chuyên ngành và Toà soạn tạp chí “Nhân lực Khoa học xã hội” thuộc Học viện Khoa học xã hội.

Phần lớn các tạp chí ra từ 6-12 số 1 năm, số còn lại từ 2-4 số năm. Số lượng bản in của các tạp chí của Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng ngày một tăng. Hiện nay tạp chí có số lượng bản in cao nhất là Tạp chí Ngôn ngữ học, tiếp đến là các tạp chí: Nhà nước và Pháp luật, Nghiên cứu Kinh tế, Dân tộc học, Văn học có số lượng bản in từ 1500-2000 bản in mỗi kỳ. Các tạp chí như Triết học, Khoa học xã hội, Hán Nôm, Nghiên cứu Tôn giáo, Nghiên cứu Lịch sử, Thông tin Khoa học xã hội có số lượng  bản in 1000-1300 bản in/kỳ. Các tạp chí còn lại có số lượng bản in mỗi kỳ từ 500-700 bản. Nội dung các bài đăng trên tạp chí rất phong phú, đa dạng nhưng hướng trọng tâm phục vụ cho sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta và sự phát triển của chính bản thân các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Với số lượng 32 tạp chí nói trên cùng các bản tiếng Anh của mình hàng năm công bố một khối lượng ấn phẩm về khoa học xã hội và nhân văn vô cùng to lớn, mà ở nước ta, không thể có cơ quan chủ quản nào có được. Lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc công bố kịp thời các kết quả nghiên cứu không chỉ của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, mà của cả giới khoa học xã hội và nhân văn trong nước và một bộ phận các nhà Việt Nam học ở các nước trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà phát triển. Các tạp chí khoa học này cũng là phương tiện không thể thiếu trong việc tranh luận khoa học, quảng bá kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần nâng cao dân trí, giới thiệu kết quả nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của nước ta với bạn bè thế giới.