Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_gioithieu (1)

Giới thiệu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - tên giao dịch quốc tế là Vietnam Academy of Social Sciences - có tiền thân từ Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý và Văn học (gọi tắt là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn) được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.

 

I. Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ

 
 
 

II. Các thời kỳ phát triển

 



Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kể từ cơ quan tiền thân được thành lập năm 1953 đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển liên tục 60 năm. Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ ấy, Viện đã có bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà nói chung, sự nghiệp phát triển khoa học xã hội và nhân văn nói riêng.Quá trình hình thành, phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có thể chia thành 4 thời kỳ, tương ứng với các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam.

  

1. Thời  kỳ hình thành, bước đầu xây dựng và phát triển (1953-1959)
Ngày 2/12/1953, Ban nghiên cứu Lịch sử - Địa lý – Văn học được thành lập theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, từ giữa năm 1954 được đổi tên thành Ban nghiên cứu Văn học - Lịch sử - Địa lý, gọi tắt là Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa.
Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa ra đời nhằm đáp ứng một số yêu cầu như sau:
- Góp phần vào việc bồi dưỡng lý luận về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
- Góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân ta.
- Phê phán những quan điểm, tư tưởng phản động sai lầm.
- Phát triển giao lưu văn hóa, khoa học với các nước.
Nhiệm vụ của Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa được ghi rõ trong Quyết định thành lập do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định như sau:
- Sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam và biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý, văn học Việt Nam.
- Nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý, văn học các nước bạn.

 

 2. Thời kỳ trưởng thành, phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam (1959-1975)

Sau ngày miền Bắc nước ta được giải phóng và chuyển sang nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh, thống nhất nước nhà. Đây là thời kỳ đòi hỏi đất nước ta phải phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng.
Ngày 4 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 01/SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Ban Khoa học xã hội (KHXH) nằm trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban khoa học Nhà nước.
Nhiệm vụ chủ yếu của Ban KHXH lúc này là tập trung thực hiện các vấn đề sau đây:
 - Xây dựng tổ chức, đặt nền móng cho Viện khoa học xã hội Việt Nam sau này.
- Tích cực tham gia nghiên cứu một số vấn đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
- Gấp rút đào tạo cán bộ cho KHXH.
- Mở rộng quan hệ quốc tế về KHXH.
- Giúp Ủy ban Khoa học Nhà nước trong việc quản lý KHXH.
Ngày 11/10/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tách Ủy ban khoa học Nhà nước thành 2 cơ quan độc lập: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội (Quyết định số 165/TVQH ngày 11/10/1965 của Quốc hội ).
Ngày 19/6/1967, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra Quyết định số 47/TVQH về việc chuyển Viện Khoa học xã hội thành Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Ủy ban KHXH Việt Nam)
Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban KHXH Việt Nam "là Trung tâm nghiên cứu và quản lý việc nghiên cứu khoa học xã hội nước ta, nhiệm vụ chung của nó là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu những vấn đề khoa học xã hội nhằm góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”, “là Trung tâm tập hợp cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội của cả nước, là một chỗ dựa của Trung ương Đảng và Chính phủ về mặt nghiên cứu lý luận, là một chỗ dựa của các cơ quan giảng dạy và truyền bá khoa học xã hội ”. (Nghị quyết số 117/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/1967).   

 

 3. Thời kỳ thống nhất nước nhà, cả nước tiến lên CNXH (1975-1985)

Cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân ta, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rà soát lại các chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban KHXH Việt Nam đã cụ thể hóa thành 5 nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn phát triển mới như sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận của ngành KHXH, giảng dạy, truyền bá, góp phần làm cho hệ tư tưởng Mác-Lênin chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội nước ta.
- Phát huy những truyền thống và giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc góp phần tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH ở nước ta, làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác-Lênin.
- Góp phần giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng nước ta đặt ra.
- Đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trên đại học.
- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trước hết là với Liên Xô và các nước XHCN khác.

 

 4. Thời kỳ đổi mới và phát triển (1986- 2023)

Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ phát triển phong phú và toàn diện nhất của hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trên thực tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những nghiên cứu khá sâu và tương đối toàn diện những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách về lý luận và thực tiễn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần hình thành cơ sở lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong điều kiện thế giới phức tạp ngày nay. Việc cung cấp luận cứ khoa học cho soạn thảo Cương lĩnh 1991 và 2011, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, hoạch định các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ và trong công cuộc đổi mới về các mặt, các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế - xã hội… đều có sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của Viện Hàn lâm. Trình độ và tính chất của nghiên cứu khoa học xã hội ở điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng cũng thúc đẩy Viện Hàn lâm có những đổi mới và tiến bộ đáng kể.

 

Cũng bắt đầu từ giai đoạn từ năm 1986 đến nay, Viện Hàn lâm mới có điều kiện để thực hiện đầy đủ các chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn - phản biện chính sách. Về mặt cơ cấu tổ chức, cũng chỉ từ giai đoạn này, Viện Hàn lâm mới có đủ các các khối nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu vùng, Học viện - Thư viện - Bảo tàng…, với đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy ngày càng hội nhập sâu hơn với các Trung tâm Khoa học xã hội trong khu vực và trên thế giới. Hợp tác quốc tế Việt Nam - Lào - Campuchia và với các đối tác Đông Tây đạt tới mức độ sâu rộng hơn. Các công trình nghiên cứu giai đoạn này ngày càng phong phú, đa dạng, và một số đã đạt đến trình độ khá sâu, có thể trở thành di sản tinh thần cho các thế hệ sau. Trong hoạt động tư vấn, nhiều đóng góp trí tuệ của Viện Hàn lâm về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh và quốc phòng... được đánh giá tích cực.

Giai đoạn từ năm 1986 đến nay cũng là thời kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của đất nước ở vào tình trạng gay gắt nhất (suốt những năm 80) và sau đó là những năm Đổi mới sôi động với những quan điểm hết sức mới mẻ về văn hóa và con người, về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ… Bắt đầu từ khoa học xã hội, những lý luận mới và hợp lý về nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản xuất hiện. Kinh tế thị trường với các đòn bẩy kinh tế hiện đại dần được coi là nhân tố nội tại để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan niệm về bóc lột, về kinh tế tư nhân, về kinh tế nhà nước, về sở hữu khác trước căn bản. Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được xác định lại. Thời kỳ quá độ được quan niệm hoàn toàn mới. Đổi mới chính trị trong quan hệ với đổi mới kinh tế được nhận thức sâu sắc hơn. Vai trò của văn hóa, của nhân tố con người và các nguồn lực khác được cập nhật với quan niệm tiến bộ nhất. Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa được mang những nội dung mới. Về kinh tế tri thức, về sức mạnh mềm và về vai trò của khoa học, giáo dục trong sự phát triển kinh tế xã hội... được tiếp thu, điều chỉnh rất kịp thời.

 Khoa học xã hội trong giai đoạn này đã góp phần làm thay đổi phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, sách vở, chủ quan, giáo điều… sang phương thức mới, mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn - giải phóng được các nguồn lực nội sinh, sử dụng được ngoại lực, tiếp thu được sức mạnh và tinh hoa văn hóa, văn minh bên ngoài, gần gũi hơn với xu hướng và chuẩn mực của cộng đồng thế giới.  

                           Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam​ 70 năm xây dựng và phát triển.


​​​​​​​​​​