I. Vị trí và chức năng
1. Viện Dân tộc học là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm), có chức năng nghiên cứu cơ bản, toàn diện, ứng dụng và dự báo theo hướng tiếp cận chuyên ngành Dân tộc học/Nhân học và liên đa ngành khoa học xã hội về những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, cấp bách về dân tộc, tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững các tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh đổi mới đất nước, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tham gia tư vấn chính sách về các vấn đề dân tộc và tộc người; tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực về Dân tộc học/Nhân học và một số ngành khoa học kề cận.
2. Viện Dân tộc học có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
3. Viện Dân tộc học có trụ sở đặt tại số 176 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; tên giao dịch bằng tiếng Anh là: Institue ò Anthoropology, viết tắt là: IOA
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm kế hoạch dài hạn, 3 năm, hàng năm của Viện Dân tộc học và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, cấp bách về dân tộc, tộc người ở Việt Nam và trên thế giới dưới góc độ phát triển bền vững, từ cách tiếp cận chuyên ngành Dân tộc học/Nhân học và liên đa ngành khoa học xã hội. Trong đó tập trung vào một số nội dung nghiên cứu chính sau:
a) Các vấn đề khái niệm, lý luận về dân tộc, tộc người; quá trình tộc người (quá trình phát triển và biến đổi của các tộc người); vai trò của các tộc người, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam đối với các tộc người, các vùng miền và cộng đồng dân tộc Việt Nam; ý thức tộc người, bản sắc tộc người với ý thức và bản sắc dân tộc - quốc gia; chủ nghĩa tộc người và chủ nghĩa dân tộc; vị thế và quyền của các tộc người trong quốc gia đa dân tộc; các cộng đồng tôn giáo quốc gia; chủ quyền tộc người trong quốc gia đa dân tộc; vị thế và quyền của các tộc người trong quốc gia đa dân tộc; quan hệ dân tộc và các cộng đồng dân tộc – tôn giáo.
b) Các vấn đề chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới ven biển và hải đảo của nước ta; các vấn đề về chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, ven biển và hải đảo của các nước trong khu vực, trên thế giới và sự tác động đến nước ta, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ và công tác dân tộc ở nước ta và trên thế giới.
c) Nghiên cứu các vấn đề cơ bản, cấp bách về kinh tế/sinh kế của các tộc người trong bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
d) Nghiên cứu các vấn đề cơ bản, cấp bách về xã hội tộc người (cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội, giá trị xã hội, định chế xã hội, quan hệ xã hội, đói nghèo, an sinh xã hội, an ninh con người); về giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực; về cơ cấu và phân bố tộc người, dân tộc, dân số, dân cư lao động, việc làm và thu nhập; về hôn nhân, gia đình; về tệ nạn xã hội.
đ) Nghiên cứu các vấn đề cơ bản, cấp bách về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người với văn hóa quốc gia để đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam; xác định và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người; nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo với phát triển kinh tế- xã hội của các tộc người ở các địa phương và đất nước
e) Nghiên cứu các vấn đề cơ bản, cấp bách về môi trường, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sự tác động của những vấn đề này đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các tộc người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai đến các tộc người.
3. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo đội ngũ khoa học về Dân tộc học/Nhân học và một số ngành kề cận, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm.
4. Tư vấn khoa học và phản biện các dự án luật, chính sách, chương trình, đề án, dự dán phát triển kinh tế - xã hội dưới góc độ góc độ Dân tộc học/Nhân học theo yêu cầu của Viện Hàn lâm và đề nghị các bộ ngành, địa phương.Tham gia đào tạo đại học, sau đại học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện theo đề nghị của các tổ chức ở trong và ngoài nước.
5. Hợp tác quốc tế và với các tổ chức, địa phương, các nhà khoa học về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành Dân tộc học/Nhân học và liên đa ngành khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.
6. Xuất bản các ấn phẩm khoa học góp phần phổ biến kết quả nghiên cứu và quảng bá kiến thức khoa học về các tộc người, vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc theo quy định của pháp luật.
7. Trao đổi thông tin - tư liệu khoa học với các cơ quan trong và ngoài nước; quản lý tư liệu, thư viện của Viện theo quy định hiện hành.
8. Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp; quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của Viện Hàn lâm
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm.
Nguồn: Quyết định số 1698/QĐ-KHXH ngày 08/12/2023
1698/QĐ-KHXH