HỘI THẢO KHOA HỌC
“Nghiên cứu cùng cộng đồng: Ứng dụng nhân học trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam”
Thời gian:
|
1/10/2014
|
Địa điểm:
|
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội
|
Đơn vị tổ chức:
|
Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
Bộ môn Nhân học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)
Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường
|
THÔNG BÁO HỘI THẢO
Nghiên cứu cùng cộng đồng vừa là một phương pháp tiến hành, vừa là một cách tiếp cận dân chủ trong nghiên cứu, trong đó thành viên của cộng đồng và các nhà nghiên cứu bên ngoài tham gia một cách bình đẳng trong mọi khía cạnh của quá trình nghiên cứu, cùng nhau đóng góp năng lực chuyên môn, ra quyết định và sở hữu bản quyền. Việc áp dụng phương pháp nghiên cứu cùng với cộng đồng không chỉ đem lại cho nghiên cứu những phát hiện sát với thực tế của người trong cuộc, mà còn là cơ hội để người dân phát triển năng lực tìm hiểu, phản biện và tìm giải pháp cho những vấn đề của cộng đồng, đồng thời nâng cao tiếng nói và vị thế của họ trong các hoạt động truyền thông và vận động chính sách.
Nghiên cứu cùng cộng đồng thể hiện quan điểm tiếp cận cơ bản của nhân học. Với việc tôn trọng sự đa dạng, quan tâm đến tiếng nói của người trong cuộc, và niềm tin rằng họ là những chủ thể có năng lực tự quyết, quan điểm nhân học đóng góp vào các dự án phát triển ở nhiều nước trên thế giới, với trọng tâm là thúc đẩy sự tham gia và nâng quyền cho những cộng đồng thiểu số, yếu thế trong xã hội. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, cách tiếp cận nhân học đang dành được nhiều sự quan tâm hơn từ chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức phát triển, đặc biệt trong những chương trình về nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mỗi tổ chức lại áp dụng nhân học theo các cách khác nhau, đem lại kết quả khác nhau trên cả hai khía cạnh khoa học và thực tiễn.
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu cùng cộng đồng: Ứng dụng nhân học trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam” nhằm mục tiêu tạo ra một diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và người làm công tác phát triển chia sẻ những ý tưởng, phát hiện và phương pháp liên quan đến cách tiếp cận nhân học và nghiên cứu cùng cộng đồng trong phát triển vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đồng thời thảo luận về các hướng ứng dụng nhân học trong thời gian tới.
Chúng tôi trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu và cán bộ làm công tác phát triển trong các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế tại Việt Nam gửi bài đóng góp cho hội thảo theo một trong những chủ đề lớn sau:
(1) Lý thuyết về nhân học trong phát triển và việc áp dụng tại vùng dân tộc thiểu số Việt Nam
(2) Phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng
(3) Phương pháp, mô hình ứng dụng nhân học trong nghiên cứu và phát triển dân tộc thiểu số
(4) Chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của các dự án phát triển có sự tham gia của cộng đồng và khả năng áp dụng phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng.
Các bài viết sẽ được Ban Tổ chức xét duyệt và lựa chọn để trình bày tại hội thảo và/hoặc xuất bản trong kỷ yếu hội thảo. Ngôn ngữ của hội thảo là tiếng Việt và tiếng Anh, có phiên dịch song song. Đối với các diễn giả, chi phí ăn ở liên quan đến hội thảo sẽ do Ban Tổ chức chi trả. Hội thảo cũng sẽ cung cấp không gian triển lãm để người tham gia giới thiệu dự án của mình dưới dạng sách, tờ rơi, tranh ảnh, video, v.v.
Thời hạn đăng ký:
- Quý vị vui lòng gửi thư đăng ký tham gia hội thảo tới địa chỉ email pttra@isee.org.vn trước 12:00 ngày 5/8/2014, đính kèm những tài liệu sau:
-
Tóm tắt nghiên cứu không quá 400 từ, font chữ Times New Roman cỡ 12 (bao gồm tên nghiên cứu và tác giả)
-
CV và thông tin liên hệ
- Với những tác giả có tóm tắt nghiên cứu được lựa chọn, báo cáo nghiên cứu toàn văn (font chữ Times New Roman cỡ 12) cần được gửi tới Ban Tổ chức trước 12:00 ngày 5/9/2014.
- Những cá nhân, tổ chức muốn tham gia trưng bày tại không gian triển lãm vui lòng gửi danh mục và nội dung tóm tắt những tài liệu trưng bày trước 12:00 ngày 5/9/2014.
Để có thêm thông tin về hội thảo, xin vui lòng liên hệ: chị Phạm Thanh Trà, email: pttra@isee.org.vn, tel: (844) 62 73 79 35 (máy lẻ 104).