Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Đại dịch COVID-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới

18/12/2020

Với mục đích trao đổi, làm rõ những tác động cơ bản của đại dịch COVID-19 đối với thế giới ở các khía cạnh: chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế thương mại, an sinh xã hội, con người, y tế, giáo dục…, sáng ngày 18/12/2020 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức Diễn đàn Việt Nam và thế giới 2020 về chủ đề: “Đại dịch COVID-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới”.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây chắc chắn là biến cố nổi bật và bao trùm nhất. Tính đến hết ngày 17/12/2020 đã có trên 75 triệu người bị lây nhiễm, trong đó có hơn 1,66 triệu người từ vong, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên toàn cầu.

Với đường kính chỉ vào khoảng 125 nanomet - tức là nhỏ hơn 500 lần đường kính sợi tóc con người, COVID-19 lây truyền bệnh theo đường hô hấp cấp, xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới. “Rõ ràng đây là một biến cố truyền bệnh có tính địa phương nhưng đã lây lan ra khắp thế giới, trở thành một thảm họa dẫn đến suy thoái trầm trọng về kinh tế, đe dọa nền chính trị và an ninh quốc tế toàn cầu. Ngay cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vô tiền khoáng hậu vừa qua cũng được cho là chịu tác động rất lớn nếu không nói là quyết định từ đại dịch này”- TS. Đặng Xuân Thành bày tỏ.

Vậy nguyên nhân cơ bản nào đã đưa thế giới đến thảm họa y tế tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua? Tại sao hầu hết các quốc gia phát triển có nền y học và hệ thống y tế tiên tiến đều thất bại, còn cộng đồng quốc tế thì bất lực trong ngăn chặn đại dịch? Liệu kinh tế thế giới có phục hồi trong năm 2021 hay sẽ suy thoái trầm trọng hơn? Thế giới hậu COVID-19 sẽ đi về đâu? Cán cân quyền lực thế giới và khu vực chuyển dịch như thế nào sau cú sốc COVID-19… là  những câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn và mong chờ tìm kiếm được các lý giải hợp  lý từ các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách và các những đơn vị chức năng, tổ chức, cá nhân thực thi trong xã hội hội.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS Trần Thị Lan Hương đồng chủ trì Diễn đàn

Theo đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi theo nhóm vấn đề như: Covid -19 và tương lai của chính trị quốc tế (GS.TS. Phạm Quang Minh, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Cục diện thế giới hậu Covid-19 (PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, VASS); Tác động của Covid-19 đến kinh tế thế giới (TS. Đoàn Hồng Quang, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam); An Ninh, chính trị Đông Nam Á sau năm 2020 trong bối cảnh Covid-19: Thực trạng và những vấn đề đặt ra (TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, VASS). Qua đó đã góp phần làm rõ các tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình chính trị - kinh tế, an ninh, xã hội, ngoại giao và quan hệ quốc tế trên thế giới; Tác động của đại dịch COVID-19 đối với một số khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á, châu Âu và một số nước điển hình trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, các nước châu Âu, châu Phi; Kinh nghiệm quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19; Phản ứng chính sách của Việt Nam trước những biến đổi của thế giới trong, sau đại dịch COVID-19.

Đề cập đến vấn đề thương mại và đầu tư toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19, GS.TS Đặng Nguyên Anh chỉ rõ, sự gián đoạn đột ngột của kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid -19 đã khiến cho nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh, dẫn đến suy thoái kinh tế tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Triển vọng phục hồi nền kinh tế thế giới phụ thuộc và năng lực phòng chống Covid-19 của từng quốc gia liên quan đến việc tái mở cửa và bùng phát trở lại của đại dịch vào cuối năm 2020 cũng như tình hình kiểm soát hiệu quả đại dịch này thông qua các loại vắc xin đang được đưa vào sử dụng trên diện rộng vào năm 2021.

Toàn cảnh Diễn đàn

GS.TS Đặng Nguyên Anh cho biết thêm, Việt Nam hiện đang là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu do đại dịch. Về mặt xã hội, người dân tin tưởng, trông chờ vào chính phủ trong việc cải thiện sinh kế và bảo vệ cuộc sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên đại dịch cũng mang lại những thách thức mà chúng ta không được chủ quan, nhất là việc tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm cả tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược hình thành chuỗi cung ứng để có thể tiếp cận, hội nhập và kết nối được với các nên kinh tế trên thế giới thông qua việc thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã ký kết…

Nhận diện cục diện thế giới hậu Covid-19, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ để lại những hậu quả rất to lớn với thế giới. Cùng với những tác động về dịch tễ và y tế, các ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu sẽ rất sâu sắc. Rất khó đoán định về một tương lai của thế giới, nhưng một điều chắc chắn là thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng, và xu thế hợp tác phát triển và quản trị toàn cầu sẽ khó khăn hơn. Sự chia rẽ Mỹ - Trung có thể sẽ được đẩy lên cao hơn và thế giới có thể mất nhiều năm để có thể tìm ra bài thuốc giải quyết mối căng thẳng này. Do vậy, một giải pháp có thể chấp nhận được mà nhiều nước sẽ theo đuổi đó là thận trọng, quan sát, linh hoạt trong quan hệ quốc tế.

GS.TS. Phạm Quang Minh trình bày tham luận tại Diễn đàn
PGS.TS. Cù Chí Lợi trình bày tham luận tại Diễn đàn

Bàn về một số xu hướng mới nổi bật của tình hình thế giới qua đại dịch và những tác đọng đối với Việt Nam trong thời gian tới, các nhà khoa học cho rằng đại dịch Covid -19 xuất hiện vào đúng thời điểm đặc biệt khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khiến GDP của thế giới thấp hơn giảm 4.9% so với năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với mức -1,7% của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008; đại dịch Covid-19 đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới. Nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm -7,6%..

Doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp nhiều hơn vào tiến trình phát triển nền kinh tế. Về tầm vĩ mô, mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là một nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng với các biến động bên trong và bên ngoài nền kinh tế; Vận dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi kinh tế số để tạo ra luật chơi mới có tính sáng tạo, thích ứng nhanh  nếu không muốn bị bỏ lại phía sau…

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Tổng kết Diễn đàn, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã vui mừng trước những đóng góp, trao đổi tại Diễn đàn và cho rằng mức độ ảnh hưởng và các tác động nghiệm trọng của đại dịch Covid-19 là quá rõ ràng, khả năng suy thoái sâu do đại dịch kéo dài là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngoài những góc nhìn, phân tích sâu của các chuyên gia về những ảnh hưởng làm suy giảm sự tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới, các phân tích chuyên sâu về tác động và những lợi thế trong sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng linh hoạt với thời kỳ “bình thường mới” sau Covid cũng là những điểm sáng ở “cuối đường hầm” mà các nhà khoa học và chuyên gia đã cùng nhau làm rõ. Môi trường quốc tế thuận lợi, sự chung tay đoàn kết của các quốc gia trong việc thích ứng với ảnh hưởng của đại dịch và sự chuyển mình tiếp cận với nền kinh tế số… sẽ là những nhân tố cần thiết để thúc dẩy quá trình phục hồi nền kinh tế, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Phó chủ tịch Đặng Nguyên Anh cũng cho biết thêm, Diễn đàn sẽ được Viện Hàn lâm tổ chức thường niên, sẽ là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ nhiều hơn nữa các góc nhìn, tiếp cận khoa học về những nguyên nhân, hậu quả và những tác động của Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội, qua đó góp phần cung cấp và xây dựng được hệ thống các cơ sở lý luận mang hàm ý chính sách cần thiết cho Đảng và Nhà nước trong ngắn, trung và dài hạn.

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày: