Đến tham dự tọa đàm có Ngài Jesús Lavina, Phó Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam; Bà Nguyễn Hồng Anh, Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ; Ông Nguyễn Tất Năm, chuyên gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, Phó Trưởng phòng, Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI, Ông Châu Hoàng Thanh, Phó trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện phụ nữ Phường Bình Thuận; các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động; các trường đại học, nhà nghiên cứu.
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn An Hà, Điều phối viên Dự án, nhấn mạnh: “Theo các kết quả nghiên cứu của dự án ECOW, công nhân trong ngành may và điện tử hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm và đời sống. Công nhân vẫn phụ thuộc nhiều vào làm thêm giờ để cải thiện thu nhập trong khi mức tiết kiệm rất thấp dù mức lương tối thiểu đã được nâng lên nhiều trong những năm vừa qua. Đa phần công nhân là người di cư và khó có thể mua nhà tại nơi làm việc do thu nhập thấp. Công nhân có gia đình đối mặt với rất nhiều trở ngại, nhất là trong việc chăm sóc con nhỏ do phần lớn phải gửi con ở quê. Đặc biệt, do tác động của Covid-19, điều kiện làm việc của công nhân công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Do vậy, cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra các đề xuất góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho công nhân là việc làm rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay”.
Ông Jesús Lavina, Phó Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thảo luận bàn tròn chính sách ngày hôm nay về điều kiện lao động của công nhân trong các khu công nghiệp là việc làm rất kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghiên cứu dựa trên thực chứng và trao đổi tích cực tại tọa đàm một lần nữa khẳng định rằng công nhân đang đối mặt với thách thức kép khi vừa phải giữ việc làm trong thời điểm bất ổn vừa tiếp tục yêu cầu bảo vệ các quyền của họ. Tọa đàm bàn tròn hôm nay cũng đề cập đến vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ công nhân trong các khu công nghiệp. Các chủ đề này đặc biệt quan trọng và phù hợp trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đã có hiệu lực vài tháng trước đây”.
|
|
Tọa đàm chia thành 2 phiên: Phiên thứ nhất: Chia sẻ kết quả nghiên cứu thực địa về công nhân làm việc trong một số khu công nghiệp ở Việt Nam với báo cáo tham luận: “Một số phát hiện nghiên cứu thực địa về công nhân làm việc trong một số khu công nghiệp ở Việt Nam” do Ths. Nguyễn Văn Thục, Cán bộ Dự án ECOW trình bày và Phiên thứ hai: Thảo luận bàn tròn.
Tọa đàm thu hút hơn 50 đại biểu đến từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố phía Nam, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động, các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan báo chí.
Buổi tọa đàm là diễn đàn dành cho các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội và nhà quản lý trong lĩnh vực lao động trao đổi quan điểm và từ đó góp phần xây dựng những kiến nghị chính sách phù hợp.
PV.
Nguồn: Viện Nghiên cứu châu Âu