Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc tế "Đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo"

03/11/2021

Sáng ngày 03/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Tiểu ban UNESCO về Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế "Đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí ...

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo, từ trái qua phải: PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội; Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN4.0) và đã mang lại những thay đổi lớn trong xã hội, đặc biệt là trong kinh tế và khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả các thành tựu phát triển của AI và tự động hóa, các quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức do AI mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn.

Sự phát triển bùng nổ của Internet và CMCN4.0 đã đem lại những phát minh làm thay đổi hoàn toàn cách thức xã hội và con người vận hành dựa trên nền tảng của AI, siêu tự động hóa và siêu kết nối. Hiện nay, thế giới đã sản xuất ra các robot có thể suy nghĩ như con người với hệ thần kinh như là một phần của bộ não, có thể nghe nhìn, chuyển động và sử dụng ngôn ngữ của chúng ta. AI còn giúp nhận dạng giọng nói, khuôn mặt, với khả năng lập luận và khả năng tự sửa lỗi.

Có thể nhận thất rằng, AI đang xóa mờ ranh giới giữa các yếu tố vật chất, kỹ thuật số và sinh học. Sự phát triển mạnh mẽ của nó diễn ra rất nhanh, từng ngày từng giờ, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, sức khỏe, tài chính ngân hàng cho đến khoa học, giáo dục và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Công nghệ AI đang đứng sau những chiếc xe ô tô tự lái mà cách đây 10 năm không ai có thể hình dung. Nhiều quốc gia đang đặt ra kế hoạch đầy tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về AI với những đột phá lớn trong lĩnh vực này.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu khai mạc Hội thảo  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội, nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, trong nhiều năm qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ban, ngành hữu quan, trong đó có Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Tiểu ban UNESCO về KHXH, với mục địch tăng cường vai trò tư vấn việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Thông qua các cuộc Hội nghị, Hội thảo, kết quả nghiên cứu được chuyển tải đến các nhà quản lý, giới hoạch định chính sách, chia sẻ với công chúng và tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những chức năng quan trọng gắn kết mật thiết với các nhiệm vụ mà Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Tiểu ban UNESCO về KHXH đã và đang thực hiện.

GS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, vẫn còn nhiều vấn đề về AI mà chúng ta chưa hiểu rõ, chưa thống nhất: Khó có thể khẳng định hay lường trước được tác động xã hội, cũng như những tác động đến phạm trù đạo đức trong ứng dụng AI? Trên thực tế, AI có thể dẫn đến gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo nên một thị trường lao động chia tách, phân mảnh với mức lương quá chênh lệch, làm trầm trọng thêm phân hóa và phân tầng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra một khi máy móc trở nên thông minh hơn và chúng ta không thể điều khiển được chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt con người khi việc tạo ra siêu trí tuệ là hoàn toàn có thể? AI không biết làm thế nào để chấp nhận cái tốt, loại bỏ cái xấu khi đưa ra quyết định giúp cho con người? Đó là lý do nó phải được thiết kế và ứng dụng với những nguyên tắc đạo đức. Ở đây, câu trả lời chính là con người với khả năng vượt trội và trách nhiệm giải trình. Bởi lẽ, con người tạo ra máy móc và cũng là chủ thể quy định các nguyên tắc mà máy móc phải tuân thủ…

GS, TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh: Với tiêu đề “Đạo đức trong thời đại Trí tuệ nhân tạo”, cuộc Hội thảo hôm nay nhằm mục đích hình thành cơ sở lý luận, chia sẻ tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển AI và xem xét chiều cạnh đạo đức, nhân văn. Đây là một vấn đề rất mới nên cần tiếp tục được nghiên cứu thấu đáo, đánh giá một cách khoa học trước khi rút ra kết luận.

GS, TS Đặng Nguyên Anh gợi ý, qua các bài trình bày của chuyên gia, cùng với những ý kiến thảo luận, tranh luận, Hội thảo của chúng ta sẽ nhận diện được nội hàm và bản chất của các khái niệm, xem xét AI từ góc nhìn đạo đức, đồng thời gợi mở và đề xuất định hướng chính sách, pháp luật phù hợp nhằm đảm bảo các quy chuẩn đạo đức trong ứng dụng AI ở Việt Nam.

  Ông Mai Phan Dũng phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự đi lên của công nghệ là những xu thế tất yếu. AI sẽ chính là một xu thế công nghệ đánh dấu bước ngoặt chuyển mình của cả thế giới. AI được thừa nhận là đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. AI là công cụ sản xuất rất quan trọng, làm thay đổi phương thức sản xuất, có thể dẫn đến thay đổi quan hệ sản xuất, trình độ phát triển của xã hội. AI trong tương lai có thể trực tiếp trở thành lực lượng sản xuất, thay thế và giải phóng sức lao động của con người. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra rất nhiều vấn đề và thách thức lớn, như là: khoét sâu hơn sự chênh lệch về công nghệ giữa các quốc gia; làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng trên thế giới, giữa các quốc gia và trong từng quốc gia; đe dọa đa dạng văn hóa; đe dọa an ninh quốc gia, tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái, các tác động tiêu cực của AI đến quyền và phẩm giá con người, mối quan hệ giữa con người và máy móc; xâm phạm quyền tự do cá nhân và các quyền cơ bản khác...

Ông Mai Phan Dũng cho rằng, với sứ mệnh “phòng thí nghiệm của các ý tưởng”, UNESCO đã sớm nhận thấy trên cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại AI, hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế của AI nhưng phải hạn chế các mặt tiêu cực. Vì vậy, UNESCO đang xây dựng Dự thảo Khuyến nghị về Đạo đức trong AI, xác định và nhấn mạnh các giá trị tích cực, các mặt tiêu cực, các nguyên tắc cơ bản của AI, hướng dẫn cho việc phát triển và sử dụng có trách nhiệm các công nghệ AI, nguyên tắc về quản trị, cộng tác, thích ứng, nghĩa vụ của khu vực công và tư…

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, VIASM, Giám đốc khoa học, Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, trình bày báo cáo đề dẫn với chủ đề: Các vấn đề đạo đức của AI

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hội thảo được tổ chức thành 02 phiên với 06 báo cáo trình bày về các chủ đề:

Phiên thứ nhất Trí tuệ Nhân tạo và các khía cạnh đạo đức, có các tham luận: (1) Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khoẻ và các vấn đề về đạo đức, của TS. Nguyễn Phi Lê, Giảng viên Công nghệ Thông tin, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; (2) Vấn đề đạo đức của các phương tiện tự lái, của PGS. TS. Salvatore Babones, Khoa Nghệ thuật và Khoa học xã hội, Đại học Sydney, Úc; (3) Vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo và những tác động xã hội, của TS. Hoàng Vũ Linh Chi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phiên thứ hai Xây dựng quy chuẩn về đạo đức cho Trí tuệ Nhân tạo, có các tham luận:  (4) Theo đuổi tính hợp pháp: Làm thế nào để các công ty khởi nghiệp AI điều hướng giữa môi trường thể chế vĩ mô và ngành?, của PGS. TS. Thái Thị Thanh Mai, Khoa Doanh nghiệp và Sáng tạo, HEC Montreal, Canada; (5) Đạo đức AI và gợi ý chính sách cho Việt Nam, của PGS. TS. Cao Thu Hằng, Tạp chí Cộng sản; (6) Xây dựng khung pháp lý cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, của TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các đại biểu phát biểu, trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học, tập trung thảo luận làm sáng tỏ những thách thức về phương diện đạo đức của AI đối với đời sống xã hội; đồng thời đưa ra những kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa đối với những thay đổi trong thể chế, chính sách, pháp luật về đạo đức liên quan đến AI. Hội thảo cũng là dịp để nhìn lại thực trạng những thay đổi lớn trong xã hội mà cuộc CMCN4.0 và sự phát triển của AI mang lại, nhận diện rõ hơn những thách thức, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đề ra giải pháp để vừa nâng cao năng trình độ kỹ thuật, đồng thời có sự chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển cao hơn của AI tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh một lần nữa cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học, đặc biệt cảm ơn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tài trợ kinh phí cho Hội thảo, góp phần tạo nên thành công của Hội thảo. GS.TS. Đặng Nguyên Anh cho biết nội dung các tham luận tập trung vào các chủ đề như: Ứng dụng của AI trong việc chăm sóc sức khỏe; giải quyết các bài toán liên quan đến môi trường, xã hội tại Việt Nam; vấn đề đạo đức AI và những tác động xã hội; xây dựng khung pháp lý, gợi ý chính sách cho phát triển AI ở Việt Nam… Các trao đổi tại Hội thảo là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều rất bổ ích, đặt ra những vấn đề mới, vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thảo luận thêm. GS.TS. Đặng Nguyên Anh mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa hợp tác với UNESCO trong lĩnh vực này, thúc đẩy nhận thức, giáo dục về AI, xây dựng chính sách phù hợp, xử lý những thách thức do AI mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Ban Biên tập

 

Các tin đã đưa ngày: