Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc tế “Liên minh Thái Bình Dương: Hợp tác và Phát triển”

04/11/2021

Sáng ngày 3/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS) phối hợp cùng 04 đại sứ quán của các quốc gia Liên Minh Thái Bình Dương (Colombia, Chile, Mexico và Peru) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Liên minh Thái Bình Dương: Hợp tác và Phát triển” nhằm tìm hiểu và đánh giá sự hợp tác và phát triển của Liên Minh Thái Bình Dương (AP) trong thời gian quá; tìm kiếm tiềm năng phát triển trong thời gian tới cũng như tạo ra một diễn đàn cho doanh nghiệp của Việt Nam và các quốc gia AP. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng VIAS phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía AP có sự hiện diện của Ngài Miguel Angel Rodriguez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam; Bà Sara Valdés Bolano, Đại sứ Mexico tại Việt Nam; Ngài Augusto Morelli, Đại sứ Peru tại Việt Nam; Ngài Patricio Becker Marshall, Đại sứ Chile tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng VIAS; Ông Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Brazil; Ông Lê Công Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; đại diện Bộ công thương, VCCI, đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu khối quốc tế VASS, viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ ngoại giao, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, các cán bộ của 04 đại sứ quán, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, đại diện các nhà khoa học và các đại biểu tham gia trực tuyến.

Liên minh Thái Bình Dương (AP) là một sáng kiến gồm 4 nền kinh tế năng động hàng đầu của khu vực Mỹ Latinh, gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru, tạo thành một nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, với dân số 230 triệu người và thu nhập trung bình đầu người khoảng 19.000 USD, chiếm 41% GDP, gần 60% tổng kinh ngạch thương mại và khoảng 40% FDI của khu vực Mỹ Latinh. Năm 2021 là thời điểm đánh dấu 10 năm chính thức hình thành và phát triển của Liên minh Thái Bình Dương. Nhìn lại 10 năm qua, hội nhập và phát triển ở Liên minh Thái Bình Dương đã có sự thay đổi rõ rệt, thu hút được sự quan tâm của công đồng quốc tế, thực hiện tốt được chương trình đề ra với mục tiêu thúc đẩy thương mại, hội nhập nội khối và mở rộng hợp tác ra khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương đều là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Ngài Miguel Angel Rodríguez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt lãnh đạo VIAS, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của các đại biểu; khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề hội thảo. Thông qua việc nhìn lại giai đoạn 10 năm hợp tác và phát triển của AP và sự tăng trưởng trong quan hệ của các nước thành viên AP với Việt Nam, Viện trưởng Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh, cần chỉ rõ những cơ hội và thách thức, đặc biệt là những rào cản trong hợp tác AP với ASEAN nói chung và giữa AP với Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, trên cơ sở cách nhìn nhận đánh giá từ nhiều góc độ, Viện trưởng VIAS mong muốn, các bên sẽ đóng góp những kiến nghị có giá trị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ và thúc đẩy phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam với AP trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Ngài Miguel Angel Rodríguez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam đã trình bày khái quát chặng đường 10 năm phát triển và hội nhập của AP; nêu bật những thành tựu lớn, đặc biệt là tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, góp phần đạt được sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người vào năm 2030: hội nhập hơn, toàn cầu hơn, kết nối hơn và hướng tới người dân hơn.

Toàn cảnh hội thảo

Trong phát biểu của Đại sứ Peru tại Việt Nam, ngài Augusto Morelli nhấn mạnh đến quan hệ đối ngoại của AP đối với ASEAN, APEC, MERCOSUR và liên minh kinh tế Á- Âu. Đặc biệt là sự hợp tác đối với ASEAN theo 5 chủ đề trọng tâm (hợp tác kinh tế, giáo dục và trao đổi/ tương tác giữa nhân dân hai khối; khoa học, công nghệ và đổi mới, thành phố thông minh và khả năng kết nối; môi trường và phát triển bền vững; hợp tác phục hồi sau đại dịch Covid-19).

Đại sứ Chile tại Việt Nam, ngài Patricio Becker Marshall cho biết, trong bối cảnh hiện tại gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy AP hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số, một động cơ thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và kích hoạt lại nền kinh tế. Do đó, cần phải tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để “họ có thể tận dụng tiềm năng về hội nhập thương mại mà AP có thể mang lại cho họ”.

Bốn Đại sứ các nước (Mexico, Colombia, Peru, Chile) tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Viện VIAS

Đại sứ Mexico tại Việt Nam, bà Sara Valdés Bolano đã nhấn mạnh đến những vấn đề ưu tiên của chủ tịch AP- Mexico trong nhiệm kỳ 2022 khi Mexico sẽ đảm nhận vị Chủ tịch lần thứ ba của AP từ Colombia. Những vấn đề ưu tiên với mục tiêu vì lợi ích xã hội giữa các quốc gia sẽ được tập trung như trao quyền cho phụ nữ, quản lý bền vững chất thải nhựa, kích hoạt du lịch và việc làm; chống lại các tác động kinh tế xã hội tiêu cực do Covid-19 gây ra, góp phần khởi động lại nền kinh tế của khu vực. Ở nhiệm kỳ tới, Mexico sẽ được giao nhiệm vụ hành động vì AP nhân đạo hơn, công bằng hơn. Bên cạnh những lĩnh vực tập trung nêu trên, Chủ tịch AP nhiệm kỳ 2022 sẽ chú trọng hướng tới hơn nữa những hợp tác về giáo dục, văn hóa và xã hội.

Bài phát biểu khai mạc cùng với bài báo cáo của 4 đại sứ tại Hội thảo về tổng kết chặng đường 10 năm hội nhập và phát triển của AP, các vấn đề quan hệ đối ngoại, thị trường kỹ thuật số; hợp tác thương mại của AP với Việt Nam đã mở đầu cho các báo cáo khoa học của các diễn giả. Theo đó, các  diễn giả (PGS.TS. Cù Chí Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, VIAS; TS. Lê Công Tiến, Vụ phó Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; ThS. Phạm Hồng Trang, Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ, Bộ Công thương; TS. Nguyễn Văn Đáp, khoa Quốc tế học, Đại học KHXH&NV) đã tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề nổi bật về tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam – AP; phát huy vai trò của AP trong hội nhập quốc tế; hợp tác thương mại AP- Việt Nam; AP và Việt Nam trong sự kết nối Mỹ- Latinh với Châu Á- Thái Bình Dương.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có những ý kiến sát thực về những thuận lợi và khó khăn trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Qua đó nâng tầm hiểu biết hơn nữa về AP để từ đó tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển bao trùm, kinh tế số, hướng trọng tâm về con người để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – AP trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: