Tham dự hội thảo có: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Giám đốc Bảo tàng (báo cáo trực tuyến); PGS.TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng; TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; PGS.TS. Võ Quang Trọng, nguyên Giám đốc Bảo tàng; PGS.TS. Laurel Kendall, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ; PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên; PGS.TS. Lim Tit Meng, Hội đồng quản trị Trung tâm Khoa học Singapore; PGS.TS. Amareswar Galla, Đại học Quốc gia Anant, Ấn Độ, Chủ tịch UNESCO về Bảo tàng Hòa nhập và Phát triển Di sản bền vững cùng các cán bộ của Bảo tàng.
|
Các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) là chương trình toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường nhằm đưa thế giới đi tới một tương lai bền vững vào năm 2030. Các mục tiêu phát triển bền vững đã được 193 thành viên Liên hợp quốc nhất trí vào tháng 9 năm 2015. Các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ dành cho các chính phủ mà còn là kêu gọi mọi thành phần của xã hội, ở mọi nơi, hợp tác và tham gia vào việc đạt được Chương trình nghị sự 2030. Các mục tiêu phát triển bền vững là một cơ hội quí giá cho bất kỳ đối tượng, tổ chức và lĩnh vực nào để hợp tác theo đuổi các mục tiêu chung, phát huy kỹ năng, năng lực và các nguồn lực.
Phát biểu đề dẫn trực tuyến, TS. Đặng Xuân Thanh trân trọng cảm ơn các đơn vị phối hợp đã chia sẻ và hợp tác với Bảo tàng trong việc đưa ra những ý tưởng ban đầu cho chủ đề của hội thảo. Đồng thời Giám đốc Đặng Xuân Thanh đã nhấn mạnh vào tiềm năng, vai trò quan trọng của Bảo tàng trong việc đóng góp vào mục tiêu chung Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV. Theo đó, các bảo tàng là không gian để truyền tải văn hóa, đối thoại liên văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và đào tạo, gắn kết xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như trách nhiệm của mọi công dân trong việc đóng góp vào việc truyền tải và bảo tồn di sản văn hóa.
Giám đốc Bảo tàng khẳng định, các bảo tàng có mối liên hệ chặt chẽ với mục tiêu PTBV, đặc biệt là xung quanh việc bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa và thiên nhiên, hỗ trợ giáo dục phát triển bền vững, hỗ trợ nghiên cứu và tham gia văn hóa. Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu PTBV đang thúc đẩy vai trò tích cực của bảo tàng. Điều này giúp các bảo tàng kết nối với các lĩnh vực khác, sử dụng hiệu quả nguồn lực; hướng các nỗ lực vào giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống... Các mục tiêu PTBV là cơ hội quí báu để các bảo tàng và các tổ chức văn hóa hành động để nâng tầm giá trị của văn hóa đối với thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.
|
Hội thảo nhận được 20 bài báo cáo, trong đó có 05 tham luận được trình bày, đã cung cấp thông tin đa dạng về cách tiếp cận PTBV, những thành tựu, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức của các bảo tàng dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19. Thông qua việc tìm hiểu diễn ngôn quốc tế đương đại về bảo tàng học (bảo tàng dân tộc học, nhân học), các diễn giả sẽ xem xét tác động của Covid-19 và sự tham gia của các bảo tàng kết hợp trực tuyến và trực tiếp; xem xét các nghiên cứu trường hợp từ những khu vực khác nhau trên thế giới trong việc hướng tới các mục tiêu PTBV để từ đó xác định những ưu tiên của các bảo tàng trong giải quyết vấn đề di sản vật thể và phi vật thể của các nhóm dân tộc dễ bị tổn thương gắn với biến đổi khí hậu…
Các diễn giả (TS. Trần Xuân Thảo, PGS.TS. Laurel Kendall; PGS.TS. Nguyễn văn Huy; PGS.TS. Lim Tit Meng; PGS.TS. Amareswar Galla) đã trình bày những nội dung liên quan đến những ý tưởng sáng tạo trong việc tham quan bảo tàng trực tuyến trong “thời Covid”; các thế giới được kéo ra từ những không gian nhỏ bé; đời sống đương đại là một nhân tố giúp bảo tàng PTBV; giới thiệu trưng bày “Câu chuyện năng lượng Singapore”- một trưng bày liên quan đến mục tiêu PTBV…
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, nhằm chia sẻ và phát huy những tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực Bảo tàng học/ Nhân học bảo tàng theo những cách thức sáng tạo để duy trì và phát triển bảo tàng theo những mục tiêu PTBV. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm sáng tạo đối với lĩnh vực Bảo tàng/ Nhân học để duy trì và phát triển bảo tàng theo hướng bền vững trong bối cảnh ứng phó với những tác động của các nhân tố thuộc mô hình tam giác (Covid-19, khủng hoảng khí hậu và tính dễ bị tổn thương của các nhóm dân tộc ở vùng sâu vùng xa), mở ra những triển vọng hợp tác khoa học trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang