Tham dự Hội thảo, về phía các học giả quốc tế có GS.TS. Shimane Katsumi, Đại học Senshu, Nhật Bản; TS. Aaron Hames, Đại học Rikkyo, Nhật Bản; PGS.TS. Rafal Smocznsky, Viện Triết học và Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan; PGS. Ajay Verma, Trường đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ; ThS. Ngô Thị Châm, Viện Xã hội học đang học tập tại Liên bang Nga.. Về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng, Viện Tâm lý học; TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý học; TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện Trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý khoa học. Về phía Viện Xã hội học, có PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng cùng một số đại biểu đại diện một số trường Đại học và Viện nghiên cứu trong và ngoài VASS tham dự trực tiếp và trực tuyến.
|
GS.TS Đặng Nguyên Anh, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh và PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc chủ trì buổi Hội thảo
|
Đại dịch Covid-19, vấn đề thời sự của toàn thế giới đang ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của loài người, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và tài sản, tác động tiêu cực đến tất cả các nhóm xã hội, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… làm biến đổi các giá trị, chuẩn mực, hành vi xã hội, quan hệ xã hội…theo nhiều chiều hướng khác nhau. Đây là lúc khoa học xã hội cần tổng kết và đánh giá quá trình biến đổi xã hội đầy thách thức này. Để tìm kiếm tính quy luật của phát triển xã hội và dự báo các xu hướng xã hội trong tình hình mới. Trong bối cảnh đó, Viện Xã hội học tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Dịch bệnh Covid-19 và Biến đổi xã hội” trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021 được phê duyệt nhằm tạo diễn đàn để các học giả trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ những đổi thay trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như gợi mở những hướng tư duy khác trong việc nghiên cứu những vấn đề xã hội mới nảy sinh trong và sau thời kỳ dịch bệnh.
Thay mặt Lãnh đạo VASS, phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của các đại biểu, các học giả trong và ngoài nước, đặc biệt cảm kích sự ủng hộ, hợp tác và cùng đồng hành của các đối tác truyền thống tin cậy là các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Ba Lan trong nhiều hoạt động và sự kiện khoa học của Viện Hàn lâm.
Giáo sư Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, việc xóa sổ virus Sars – Cov-2 gây dịch Covid-19 là điều khó có thể làm được. Kịch bản phải sống chung với đại dịch này đang được các nước dần chấp nhận. Việc bao phủ vaccine và thuốc điều trị sẽ có thể giúp giảm số ca nặng, tử vong do giảm tỉ lệ mắc mới. Những làn sóng lây nhiễm Covid-19 và các biện pháp áp đặt lên đời sống xã hội đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại, vận hành và phát triển của nhiều quốc gia, cộng đồng, gia đình và từng cá nhân. Nhiều thay đổi đã và đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tài chính, sinh kế, lao động – việc làm, phong tục, tập quán…Quá trình biến đổi xã hội được đẩy nhanh dưới tác động của đại dịch và rất khó đoán định theo không gian và thời gian
GS. Phó Chủ tịch mong muốn, Hội thảo tập trung trình bày và thảo luận những vấn đề đặt ra từ đại dịch từ góc nhìn biến đổi xã hội đề từ đó phân tích, lý giải những thay đổi trong hành vi xã hội, quan hệ xã hội, các chuẩn mực xã hội nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch đồng thời đề xuất những giải pháp để xã hội phục hồi và thích ứng với Covid -19 trong điều kiện bình thường mới.
Hội thảo nhận được 13 báo cáo tham luận có chất lượng đến từ các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế. Ban tổ chức đã lựa chọn 7 báo cáo trình bày tại Hội thảo và chia làm 02 phiên.
Phiên thứ nhất, bao gồm các tham luận: (1) “Thị trường lao động Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19: Thực trạng và xu hướng” do TS. Phạm Thị Thu Phương (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, VASS), trình bày; (2) “Tác động của đại dịch Covid-19 đến việc làm của lao động di cư tại các khu công nghiệp ở Việt Nam” do PGS.TS. Đặng Thị Hoa (Viện Tâm lý học, VASS) trình bày; (3) “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến một số nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội Nga” do ThS. Ngô Thị Châm (Viện Xã hội học, VASS) trình bày.
|
|
|
|
Các đại biểu trình bày báo cáo và phát biểu tại Hội thảo |
Phiên thứ hai bao gồm các tham luận: (1) “Quy tắc đạo đức trong thời kỳ Covid-19 ở Ba Lan” do PGS.TS. Rafal Smoczynski (Viện Triết học và Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) trình bày; (2) “Các tổ chức xã hội dưới tác động của Covid-19: Thay đổi để thích ứng” do TS. Đặng Thị Việt Phương (Viện Xã hội học, VASS) trình bày; (3) “Covid-19 và người cao tuổi ở Nhật Bản” do TS. Aaron Hames (Đại học Rikkyo, Nhật Bản) trình bày; (4) “Các nghi thức tạ thế trong bối cảnh Covid-19 ở Nhật Bản” do GS.TS. Shiamane Katsumi (Đại học Senshu, Nhật Bản) trình bày.
|
|
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học, tập trung thảo luận làm sáng tỏ một số vấn đề: (i) Nguy cơ khủng hoảng lao động trong thời gian tới và những ngành nào sẽ phải đối mặt; (ii) Vấn đề đạo đức và chuẩn mực xã hội trong và sau thời kỳ Covid-19; (iii) Vai trò của truyền thông xã hội ảnh hưởng đến nhận thức của người dân; (iv) Tiếp nhận thông tin của nhóm người già, người yếu thế về tiêm phòng vaccine. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng thảo luận một số vấn đề liên quan như: nhảy việc của lao động tự do, nghĩa vụ và vai trò của người dân trong thời gian diễn ra dịch bệnh,...
|
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo |
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh một lần nữa khẳng định đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới khiến 250 triệu người mắc bệnh và hơn 5 triệu người tử vong, chưa kể đại dịch ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống xã hội, kinh tế trên toàn thế giới. Những tác động này có thể là tạm thời nhưng có những tác động kéo dài làm thay đổi cuộc sống và quan niệm của con người. Và vì thế đã có nhiều nghiên cứu, các buổi hội thảo diễn ra nhằm chia sẻ về những tác động của Covid-19 trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp tục. Bên cạnh đó, cũng có những nhận định đại dịch covid-19 làm thay đổi cơ bản quan niệm trong cuộc sống nhưng liệu những thay đổi như cơ cấu việc làm, hoạt động các tổ chức xã hội, chuẩn mực đạo đức, lễ nghi… có phải là vĩnh viễn không hay chỉ là vấn đề trước mắt… Do đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề này. Cuối cùng, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cảm ơn sự có mặt của các học giả, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã trình bày những bài tham luận rất hay và ý nghĩa, bám sát tình hình thực tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, đặc biệt cảm ơn sự có mặt của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến góp phần tạo nên không khí thảo luận sôi nổi tại buổi Hội thảo./.
|
Các đại biểu tham dự trực tiếp chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo |
MInh Hồng