Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Tọa đàm khoa học quốc tế Nhận diện kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ

13/11/2021

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (2011-2021), sáng ngày 12/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Nhận diện kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”. Tọa đàm được tổ chức kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chủ trì Tọa đàm là PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cùng với sự tham dự của PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ngoài ra còn có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia, nhà khảo cổ học đến từ Trung Quốc như PGS.TS. Từ Hỏa Phong và NCS Ngô Vĩ (Bảo tàng Cố Cung – Trung Quốc); PGS.TS. Gia Cát Tịnh, Đại học Đông Nam, Trung Quốc cùng các cán bộ của Viện Nghiên cứu Kinh thành.

PGS.TS. Bùi Minh Trí báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm

Nằm trong chiếc nôi của nền văn minh Châu Á hay nền văn minh phương Đông, kiến trúc cổ Việt Nam cũng giống như kiến trúc cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chủ yếu và phổ biến là kiến trúc gỗ. Do được làm bằng gỗ nên phần lớn các công trình đều rất khó bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian.

Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong những năm 2002 cho đến nay, đã tìm thấy phần còn lại của những công trình kiến trúc kiên cố thể hiện rõ qua dấu tích nền móng cùng nhiều loại ngói lợp mái rất đặc sắc. Đó là dấu tích của những công trình kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng thành và Cấm thành của Kinh đô Thăng Long xưa. Đây là kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, có lịch sử tồn tại lâu dài từ thời Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) đến tận thời Lê (1428-1789).

Năm 2021, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã công bố kết quả phục dụng 3D hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, đã mang lại nhận thức mới và toàn diện về hình thái kiến trúc tổng thể của Hoàng cung Thăng Long. Tuy đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, nhưng thành quả đó được xem là một minh chứng về bước tiến rất dài trong nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng cung Thăng Long sau gần 19 năm khai quật.

Toàn cảnh tọa đàm

Để tiếp tục chương trình nghiên cứu tổng thể về kiến trúc cung điện Việt Nam, năm 2021, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết, Viện Nghiên cứu Kinh thành tập trung vào vấn đề kiến trúc cung điện thời Lê sơ để có sự so sánh giữa ba thời kỳ trên ba phương diện chính: Các loại ngói lợp mái và hình thái bộ mái; nền móng kiến trúc cung điện thời Lê sơ; bộ khung giá đỡ của bộ mái.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, PGS.TS. Bùi Minh Trí nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của các đại biểu và cho biết, kiến trúc cung điện là khái niệm chung để nói đến các loại hình kiến trúc do triều đình xây dựng. Nó được thiết kế xây dựng chủ yếu ở bên trong các kinh thành hay bên ngoài kinh thành, ở những nơi thuộc về hoặc do triều đình trực tiếp quản lý, xây dựng. Theo đó, đây là những công trình kiến trúc rất đặc biệt, vừa thể hiện quyền lực tối cao của hoàng đế, vừa phô diễn đẳng cấp, sự uy nghiêm và đáp ứng sự hưởng thụ của cuộc sống tinh thần, vật chất của nhà vua và triều đình.

PGS.TS. Bùi Minh Trí cũng nhấn mạnh, giống như thời Lý – Trần, thời Lê sơ cũng không còn cung điện nào tồn tại trên mặt đất, sử cũ cũng không có ghi chép nhiều về các cung điện trong hoàng cung. Vì vậy, việc nhận diện hình thành kiến trúc cung điện thời Lê sơ là rất quan trọng. Tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng, dấu tích nền móng kiến trúc thời Lê sơ rất hiếm hoi nhưng vật liệu kiến trúc lại phong phú và đa dạng. Ngược lại, khu vực khai quật khảo cổ học tại Điện Kính thiên lại tìm thấy nhiều nền móng kiến trúc và vật liệu kiến trúc trang trí trên mái cung điện, tương đồng với vật liệu kiến trúc khai quật được tại khu di tích này.

Nghiên cứu hình thái kiến trúc Lê sơ giúp nhận diện hình thái cung điện, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc phục dựng Điện Kính thiên tại Hoàng cung Thăng Long. Tọa đàm tập trung khai thác các tư liệu khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) nhằm bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

Nội dung Tọa đàm tập trung vào 03 vấn đề chính:

Thứ nhất, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, sử học về kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa);

Thứ hai, nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng cung Thăng Long dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học;

Thứ ba, nghiên cứu so sánh kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ với kiến trúc cung điện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thế kỷ 15-16.

 

Tọa đàm nhận được 11 tham luận, trong đó có 4 tham luận từ các nhà khoa học Trung Quốc và 7 tham luận của các nhà khoa học Việt Nam. Nội dung của các báo cáo tham luận chủ yếu đề cập tới những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu.

Trình bày về một số cấu kiện kiến trúc gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện kính thiên, PGS.TS. Tống Trung tín cho biết: “Trong các cuộc khai quật khảo cổ học năm 2017-2021, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phát hiện được 70 cấu kiện kiến trúc gỗ, loại hình khá đa dạng như cột, kèo, xà, ván sàn, cấu kiện rui, xà đấu. Tuyệt đại đa số các di vật được sơn son, một số cấu kiện có chạm khắc trang trí hoa văn mây lửa, hoa sen được sơn son thếp vàng. Những hiện vật gỗ cung cấp những bằng chứng xác thực về một bộ khung gỗ thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long.

Đôi nét về kiến trúc thời Lê qua nghiên cứu, khai quật di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), TS. Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh, di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) hội tụ khá đầy đủ những đặc trưng nổi bật của kiến trúc thời Lê qua các giai đoạn, biến đổi từ Lê sơ (thế kỷ 15-16) đến Lê trung hưng (thế kỷ 17-18). Từ kết quả các đợt nghiên cứu, khai quật qui mô nhất tại Lam Kinh, các nhà khảo cổ đã góp phần phác dựng tương đối toàn diện mặt bằng tổng thể, phạm vi phân bố, không gian kiến trúc Lam Kinh, cung cấp những thông tin khoa học sát thực, theo đó bổ sung tư liệu quan trọng cho việc trùng tu, tôn tạo, từng bước nhận diện khái quát hình thái kiến trúc thời Lê trong lịch sử.

Khu trung tâm Lam Kinh nói riêng, Lam Sơn nói chung là một quần thể di tích quan trọng, là trang sử sống động của dân tộc, suốt gần 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến 18), có ý nghĩa và giá trị nghiên cứu cao, cần được bảo tồn và tôn vinh. Kết quả nghiên cứu, khai quật các công trình điện, miếu, các kiến trúc phụ cận cùng hệ thống lăng mộ Lam Kinh, với những nét đặc trưng cơ bản về loại hình, bố cục mặt bằng, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí, đã trở thành cứ liệu khoa học, làm cơ sở so sánh, đối chiếu và xác lập niên đại cùng quá trình tồn tại những di tích kiến trúc cùng thời.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

Những kết quả bước đầu nghiên cứu về nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ đã góp phần gợi mở nhiều hướng nghiên cứu sâu sắc hơn góp phần từng bước giải mã, nhận diện về tính chất, chức năng, tên gọi và hình thái của các công trình kiến trúc cung điện qua các triều đại trong lịch sử Việt Nam ở những giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: