Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “An sinh xã hội và xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”

17/11/2021

Sáng ngày 17/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “An sinh xã hội và xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm các nhà khoa học, các chuyên gia, viện nghiên cứu, và một số cơ quan báo chí…

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình phát biểu khai mạc Hội thảo

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia như được đề cập trong Chương trinh hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là phát triển kinh tế bền vững; khả năng tự phục hồi, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng cuộc sống; việc làm; chăm sóc y tế; giáo dục, đào tạo và phát triển con người; văn hoá tinh thần; đạo đức xã hội; không gian sinh sống; khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; dịch vụ công; an sinh nhà ở; bình đẳng giới, chăm sóc người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp Bộ: Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia, nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu tham dự Hội thảo.

GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thông qua các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) năm 2000 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2015 với các hoạt động cụ thể để thực hiện các chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc theo dõi, đánh giá, giám sát mục tiêu phát triển đòi hỏi phải có những chỉ số tổng hợp trực tiếp liên quan đến an sinh và phúc lợi của mọi tầng lớp dân cư, không phân biệt vị thế hay đặc điểm kinh tế - xã hội. Bộ chỉ số được xây dựng không dừng lại ở những chỉ tiêu đơn lẻ mà được thiết kế tổng hợp trên cơ sở đa lĩnh vực (kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, bình đẳng giới) và đa ngành (dân số, lao động, y tế-sức khỏe, giáo dục-đào tạo). Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng các chỉ số tổng hợp và thành phần, các nhóm nghiên cứu còn thực hiện hình thành cơ sở dữ liệu của chương trình theo nguyên tắc tận dụng tối đa các dữ liệu hiện có trong nước, ở cả cấp Trung ương và địa phương.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh “Bộ chỉ số an sinh quốc gia sẽ góp phần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2025, theo hướng công bằng, bền vững và bao trùm xã hội trong phân bổ và tiếp cận nguồn lực, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền an sinh trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội ở nước ta từ nay đến năm 2030”…

  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 06 tham luận chính liên quan đến một số nhiệm vụ trong chương trình được trình bày thảo luận như: (1) Xác định và thử nghiệm tính toán các chỉ số phát triển bền vững của TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng; (2) Chỉ số bình đẳng giới: số liệu và cách tính của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; (3) Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia của TS. Phí Vĩnh Tường, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; (4) Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe của PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học; (5) Xây dựng bộ chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của TS. Lê Kim Sa, Viện Nghiên cứu châu Phí và Trung Đông; (6) Bộ chỉ số bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương- cơ sở lý luận và thực tiễn của TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng.

Báo cáo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia, TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, từ kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã  đưa ra nguyên tắc chung áp dụng cho Bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia Việt Nam như : Dễ thực hiện, dễ thu thập thông tin, dễ tính toán, và tính đại điện cao.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn, đề xuất chỉ tiêu từ nguồn có sẵn; đề xuất chỉ tiêu mới và tính chỉ số tổng hợp. Cụ thể, trước hết cần thu thập số liệu từ các nguồn chính thức của cơ quan thống kê (Trung ương, địa phương và bộ, ngành) bảo đảm chuỗi số liệu có độ tin cậy cao và có tính so sánh theo thời gian: Niên giám thống kê, kết quả điều tra thống kê, báo cáo kinh tế - xã hội… ; kết quả điều tra, nghiên cứu khác của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Với trường hợp không có số liệu do không thực hiện, giá trị của chỉ tiêu sẽ tính bằng 0, còn trường hợp khuyết số trong dãy thời gian, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp ngoại suy hoặc sử dụng dãy số liệu thay thế.

TS. Lê Văn Hùng trình bày báo cáo tại Hội thảo TS. Nguyễn Thị Thanh Hương trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trình bày Báo cáo nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số Phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, đáp ứng mục tiêu an sinh quốc gia giai đoạn 2021-2030, TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho hay, hiện Việt Nam đã có một số chỉ tiêu giáo dục hay các đánh giá về các chỉ tiêu giáo dục, tuy nhiên, chưa có Bộ chỉ số nào tích hợp được các định hướng mới và có tính bao trùm. Do đó, mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ này là nghiên cứu cơ sở lý luận và phương pháp xây dựng Bộ chỉ số Phát triển giáo dục và đào tạo. Theo đó, nhóm nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm các chỉ số thành phần, chỉ số tổng hợp về phát triển giáo dục và đào tạo, thử nghiệm và áp dụng trên thực tế. đòng thời, tính toán và phân tích Bộ chỉ số trong thực tế với số liệu có thể thu thập được; phù hợp và có thể sử dụng được cho Chương trình. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đề xuất kiến nghị, hướng dẫn sử dụng Bộ chỉ số Phát triển giáo dục và đào tạo; cần phải nghiên cứu chuẩn bị cơ sở khoa học cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục cho giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, các chỉ số cần được dựa trên cơ sở pháp lý, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước; phản ánh đúng thực tiễn, đáp ứng những vấn đề của Việt Nam.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia xã hội học và khoa học thống kê đã trao đổi và thảo luận tập trung vào các nguyên tắc, phương pháp và kinh nghiệm quốc tế trong việc lựa chọn, thiết kế bộ chỉ số trên cơ sở xác định những vấn đề và tiêu chí cần đo lường nhằm xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia….

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh một lần nữa cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. GS.TS. Đặng Nguyên Anh cho biết chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm có mục tiêu: Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia, đầy đủ và toàn diện, phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm của xã hội Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã giao nhiệm vụ cho các chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm hoàn thiện nội dung kết quả nghiên cứu theo kế hoạch.

Ban Biên tập

 

Các tin đã đưa ngày: