Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có: PGS. TS Amandine Laré, Trưởng khoa Kinh tế, Lãnh thổ và Phát triển bền vững, Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS. Fabien Martinez Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS. Roland Condor, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS.TS Nguyễn Hữu Thành Tâm, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); GS. TS. Pankai Jha, Tổng biên tập Tạp chí Jindal về các vấn quốc tế, Đại học Toàn cầu O P Jindal (Ấn Độ), GS. Jan Stejskal, Đại học Pardubice; PGS. Viktor Prokop, Đại học Pardubice (Cộng hòa Séc) và các Giáo sư của Trường Kinh doanh EM Normandie dự online.
Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ - Tổng biên tập Tạp chí KHXH miền Trung; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; PGS. TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; PGS.TS Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí nguồn nhân lực.
Hội thảo vinh dự được đón tiếp sự hiện diện của đại diện lãnh đạo VCCI chi nhánh Đà Nẵng, Viện nghiên cứu, các sở, ban, ngành của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng; TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; ông Trần Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam; TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng; TS. Trần Hải Ninh – Phó Trưởng Ban nghiên cứu và phát triển (Công ty BSR); TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện NCPT Thừa Thiên Huế; đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước: Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); Đại học Công đoàn; Đại học Lao động – xã hội; Đại học Nội vụ; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch; Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn; Lãnh đạo các doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng;… cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) gồm 05 tỉnh/thành phố (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định), được xác định theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, định hướng và chính sách phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ cho biết, trong thời gian qua các địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính quyền Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng được duy trì ở mức cao (8,99%/năm). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng gia tăng đóng góp của ngành công nghiệp, dịch vụ. Vùng có dấu hiệu tích cực về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 với cán cân thương mại đạt mức xuất siêu.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển thời gian qua cho thấy tính liên kết và vai trò động lực của vùng còn rất hạn chế, chưa thực sự nổi bật trong vai trò là trung tâm động lực cho các tỉnh miền Trung, kết nối với hành lang kinh tế Đông – Tây. Tỉ trọng đóng góp trong GDP cả nước của Vùng hết sức khiêm tốn, năm 2019 chỉ vào khoảng 7,09%, trong khi Vùng lại chiếm đến 8,4% về tổng diện tích cả nước. Cơ cấu kinh tế chung của Vùng đã dần dịch chuyển theo hướng hiện đại, song cơ cấu kinh tế của từng địa phương nội vùng có sự khác biệt đáng kể (ngoại trừ Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), tỉ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP của Quảng Ngãi, Bình Định còn khá cao. GDP bình quân đầu người của Vùng cao hơn một ít mức bình quân chung của cả nước nhưng các địa phương nội vùng lại có sự chênh lệch lớn về GDP bình quân đầu người. Tính hiệu lực, hiệu quả thực thi của thể chế phát triển vùng thấp; sự hạn chế trong liên kết phát triển cơ sở hạ tầng vùng;….
Quang cảnh Hội thảo
TS. Hoàng Hồng Hiệp cho biết thêm khi đo lường tác động của các nguồn lực (vốn đầu tư khu vực nhà nước, vốn đầu tư ngoài nhà nước, FDI, vốn con người, lao động, thể chế) giai đoạn 2017-2018, trong đó chú trọng kiểm định vai trò của KER trong tăng trưởng kinh tế thì các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung không tạo được sự khác biệt so với các tỉnh còn lại của còn nước. Điều đó có nghĩa rằng chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của Chính phủ về hình thành cực tăng trưởng quan trọng chưa thành công cho khu vực miền Trung. TS. Hoàng Hồng Hiệp đề xuất: Để đẩy mạnh liên kết, đột phá trong phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới thì cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đăc biệt cần có sự tham gia ngay từ đầu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương vào quá trình xây dựng quy hoạch, nhằm giảm dần hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng quy hoạch định hướng phát triển các vùng kinh tế. Ngoài ra, cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp Vùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng; chú trọng và lồng ghép giải quyết bất bình đẳng thu nhập, giảm sự phân cực quá mức về thu nhập giữa các nhóm cư dân, giữa các khu vực lãnh thổ.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận tham gia hội thảo, trong đó có các bài tham luận chất lượng được Ban tổ chức lựa chọn đăng kỷ yếu khoa học. Các nghiên cứu đã phản ánh toàn diện trên các lĩnh vực về thực trạng liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với các tiếp cận đa chiều. Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, bình luận, chia sẻ chân thành, cởi mở, thiết thực từ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp trẻ TP Đà Nẵng, trên nhiều chiều cạnh của vấn đề liên kết vùng. Đặc biệt là những vấn đề tồn tại, thách thức trong liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đó là: sự thiếu ổn định trong tăng trưởng kinh tế; quy mô kinh tế Vùng còn khá nhỏ; sự bất cập trong quy hoạch phát triển Vùng; sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật làm cản trở tổ chức không gian phát triển; thiếu tính liên kết giữa các đô thị trong Vùng để hình thành một hệ thống thống nhất; tài nguyên biển là một trong những lợi thế của Vùng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; đào tạo và sử dụng lao động chưa trọng tâm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động; chưa có sự kết nối đồng bộ trong phát triển du lịch và chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho rằng, cần lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng. Đồng thời cần có một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất để điều tiết, khơi thông, phân bổ nguồn lực cho các địa phương và chia sẻ lợi ích trong liên kết, tận dụng lợi thế riêng có, đặc thù của từng địa phương trong Vùng. Việc liên kết các địa phương trong vùng cần thực chất, cụ thể hơn, đảm bảo sự hài hòa giữa quá trình thực thi chiến lược liên kết và điều chỉnh thể chế, chính sách giữa các địa phương trong vùng và ngoại vùng; giữa các ngành, lĩnh vực cơ bản, mũi nhọn và các lĩnh vực phụ trợ; giữa phát triển kinh tế và khai thác các nguồn lực văn hóa, xã hội và môi trường.
Thông qua Hội thảo, các vấn đề về học thuật, thực tiễn và kinh nghiệm về liên kết Vùng trong bối cảnh hiện nay được trao đổi, bàn luận. Đây là các vấn đề học thuật hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động thực tiễn cho cách nhìn nhận đa chiều về vấn đề liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các kết quả nghiên cứu này góp phần định hướng và đề xuất các giải pháp khả thi để định vị lại thương hiệu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới. Đồng thời thông qua Hội thảo, những ý tưởng, định hướng nghiên cứu mới được gợi mở, hứa hẹn phát sinh nhiều dự án, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn.
PV.