Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra dối với Việt Nam”

05/08/2022

Sáng ngày 04/8/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học "Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam". Tham dự Hội thảo có đông đủ đại biểu, các vị khách quý, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, đại diện của doanh nghiệp, và các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng như từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức quốc tế; một số cơ quan thông tấn, báo chí tham dự đưa tin.

Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Cùng với AFTA, WTO, CPTPP, việc ký kết Hiệp định EVFTA là dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định đã mở ra một thị trường khu vực nhiều tiềm năng nhưng cũng kèm theo nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe liên quan đến VSATTP, SHTT; cũng như các khía cạnh môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, cũng với những quy định khắt khe này, nếu chinh phục được thị trường EU, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận các thị trường khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đây là một trong số ít Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Sau hai năm thực hiện vừa qua, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).

Bên cạnh đó, EVFTA được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraine…, những động thái tích cực trên càng cho thấy rõ hơn những đóng góp của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.

TS. Đặng Xuân Thanh chỉ rõ, theo đánh giá của một số cơ quan hữu quan, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng, như tỷ lệ C/O EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan bộ ngành, cơ quan ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững của các cơ quan, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA.

Do đó, Hội thảo này sẽ nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện EVFTA đối với Việt Nam, nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA của Việt Nam,; đồng thời đề xuất những khuyến nghị để thực thi có hiệu quả EVFTA trong những năm tiếp theo.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và TS. Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua lại trùng với giai đoạn bất ổn khi thế giới phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và chịu tác động của xung đột Nga - Ucraine. Vì thế kết quả không được như các dự báo đánh giá tác động trước ký kết kỳ vọng. Nhưng kết quả vẫn đáng khích lệ với các con số thể hiện tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng chỉ ra, điểm quan trọng trong kết quả của thực thi EVFTA không phải chỉ là số lượng mà còn là chất lượng với sự chuyển dịch ban đầu về cơ cấu sản phẩm và thể chế chính sách đi kèm theo hướng xanh, sạch, và phát triển bền vững là những ưu tiên chính sách của EU. Mặc dù vậy, nhìn lại 2 năm thực thi, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó những thách thức về khả năng tận dụng các ưu đãi trong cam kết mở cửa thị trường của EU, về gia tăng lừa đảo thương mại trong môi trường kinh tế số, về các biện pháp phòng vệ thương mại EU áp đặt đối với Việt Nam cũng như môi trường an ninh thế giới đang có những biến động khó lường.

Viện trưởng Nguyễn Chiến Thắng mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tích cực thảo luận để cùng nhau nhận diện những vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi và có những đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại Hội thảo TS. Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1- "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU), quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau 2 năm thực thi EVFTA", gồm các tham luận: (1) Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU sau 2 năm thực thi EVFTA của TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu; (2) Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA nhìn từ công tác quản lý nhà nước của bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương; (3) Những thuận lợi và khó khắn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi Hiệp định EVFTA sau 2 năm nhìn lại của TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, CCCI. Phiên 2- "Thực thi EVFTA ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội", gồm các tham luận: (4) Kinh nghiệm của huyện Thanh Hà, Hải Dương trong thúc đẩy xuất khẩu hàng trái cây sang thị trường EU nhằm tận dụng những  cơ hội đặt ra từ Hiệp định EVFTA của TS. Hoàng thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương; (5) Tác động của Hiệp định EVFTA đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, của TS. Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu; (6) Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và CHLB Đức của TS. Nguyễn Phúc Hiền, Đại học Ngoại thương; (7) Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp/HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La trong bối cảnh thực thi EVFTA của TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu châu Âu.

Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại Hội thảo

Đánh giá tác động của hiệp định EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, sau hai năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2021 đạt 57 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). Nhìn lại 2 năm thực thi, bên cạnh những kết quả tích cực,

Nhìn lại 2 năm thực thi, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó những thách thức về khả năng tận dụng các ưu đãi trong cam kết mở cửa thị trường của EU, về gia tăng lừa đảo thương mại trong môi trường kinh tế số, về các biện pháp phòng vệ thương mại EU áp đặt đối với Việt Nam cũng như môi trường an ninh thế giới đang có những biến động khó lường.

TS. Hoàng Xuân Trung nhấn mạnh, nhìn chung Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.

Thảo luận, phân tích tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Tiến sĩ, Luật gia, Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu cho rằng, hơn hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp những thách thức do: Trình độ phát triển về khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp hơn Cộng hòa Séc; những tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn có những khác biệt so với tiêu chuẩn của Cộng hòa Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm mới để tiếp tục sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề về các hiệp định FTA thế hệ mới cũng như phân tích các cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của Việt nam trong bối cảnh FTA có hiệu lực nhằm đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong thời gian tới. Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung như: quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên; kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương hay những vấn đề xã hội phát sinh; đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, Hội thảo là dịp để nhìn lại, soi chiếu vào những khía cạnh khác nhau của 2 năm thực thi như bức tranh toàn cảnh về quan hệ thương mại - đầu tư  giữa Việt Nam và EU, các vấn đề về quản lý nhà nước, những thuận lợi, thách thức đối với doanh nghiệp; các vấn đề mang tính “vi mô” hơn như quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên, kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương, hay những vấn đề xã hội phát sinh. Các kinh nghiệm được chia sẻ từ các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định EVFTA, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên nhiều lĩnh vực.

 

PV.

Các tin đã đưa ngày: