Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”; nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí, xuất bản trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua; chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo công tác báo chí, xuất bản những tháng đầu năm 2022; các ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xuất bản. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi để tăng cường công tác phối hợp trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản...; kiến nghị, đề xuất một số vấn đề cần quan tâm về cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động báo chí, xuất bản trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội về thúc đẩy nghiên cứu, biên soạn các xuất bản phẩm đề tài lịch sử.
Thúc đẩy nghiên cứu, biên soạn các công trình về đề tài lịch sử và đương đại để xuất bản là việc lớn, hệ trọng. Cổng Thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng lược đăng bài phát biểu của PGS.TS. Phạm Minh Phúc tại Hội nghị:
I. Thực trạng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách đề tài về lịch sử và đề tài đương đại
1. Việc nghiên cứu, biên soạn các công trình về đề tài lịch sử
Các công trình nghiên cứu về đề tài lịch sử ở Việt Nam hiện nay do nhiều cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện, do vậy nội dung rất phong phú, đa dạng. Đây cũng là nguồn đầu vào cho công tác xuất bản, phát hành của các nhà xuất bản.
Hai tổ chức quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực Sử học, đó là Viện Sử học, đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm. Các công trình được nghiên cứu, biên soạn bởi các nhà khoa học của Viện Sử học cũng chính là nguồn bản thảo đầu vào chủ yếu và quan trọng nhất cho hoạt động xuất bản về đề tài lịch sử của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Bên cạnh đó, là Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử và những chuyên ngành có liên quan mật thiết.
Nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng có chức năng nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, đó là Khoa Lịch sử ở một số trường đại học; các viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lịch sử Công an... Ngoài ra, còn có các cơ quan, đơn vị liên quan mật thiết đến lĩnh vực Sử học như các viện Văn học, Hán Nôm, Khảo cổ học, Dân tộc học…
Điều này khác với truyền thống biên soạn các công trình lịch sử thời phong kiến, thường giao cho cơ quan chuyên trách là Quốc sử viện (có từ thời Trần), Quốc sử quán (thời Lê Trung hưng, triều Nguyễn)…
Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có nhiều cá nhân tham gia biên soạn lịch sử nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Chú, Đặng Xuân Bảng… Hiện nay, nhiều cá nhân yêu thích lịch sử cũng tham gia nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách về đề tài lịch sử (có thể là lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương và lịch sử của dòng họ…), song chất lượng các công trình đa phần còn nhiều hạn chế, nhất là về phương pháp nghiên cứu cũng như quan điểm, nhận định, đánh giá, nguồn tài liệu có tính chính xác không cao. Thực trạng này cũng cần đặt ra sự quan tâm đúng mức, để đảm bảo tính khách quan, khoa học của lịch sử.
2. Thực trạng xuất bản các công trình về đề tài lịch sử và đương đại của Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Một trong những thành tựu quan trọng của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội trong suốt hơn 50 năm qua là đã xuất bản những bộ sách lớn của các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm, có giá trị cao về tư tưởng, khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung, chuyên ngành lịch sử nói riêng.
Có thể kể đến các xuất bản phẩm: Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Đại Nam thực lục (38 tập), Chính sách ngụ binh ư nông các thời Lý - Trần - Lê sơ (thế kỷ XI - XV), Thơ văn Lý - Trần, Văn học Sử thời Lê, Thơ văn Nguyễn Trãi, Thơ văn Ngô Thì Nhậm (5 tập)...
Đặc biệt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã kiên trì trong suốt gần 20 năm để hoàn thành việc biên tập và xuất bản bộ Tổng tập văn học Việt Nam với 52 cuốn - tập hợp hầu hết tư liệu văn học nước ta trong suốt mười thế kỷ, đến năm 2000 đã chỉnh lý, bổ sung, tái bản thành 42 tập. Bộ sách được đánh giá có vị trí đặc biệt trong kho tàng thư phẩm Việt Nam.
Hay trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã dành thời gian xuất bản các bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập) và Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập) gồm khá đầy đủ các tác phẩm và loại hình văn học dân gian của các dân tộc nước ta từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Thực hiện chủ trương giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Đảng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã tham gia tổ chức, biên tập và xuất bản bộ Sử thi Tây Nguyên (91 tập) bao gồm hàng trăm sử thi nổi tiếng của các dân tộc Tây Nguyên, góp phần gìn giữ lâu bền các di sản văn hoá phi vật thể truyền miệng dưới hình thức văn bản.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, bên cạnh việc liên kết xuất bản sách dịch về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cũng đã xuất bản nhiều công trình về đề tài lịch sử và đương đại của Việt Nam.
Có thể kể đến các xuất bản phẩm: Bối cảnh quốc tế và kinh tế Việt Nam thời kỳ 2001-2010 (2013), Một số vấn đề lý luận mới về Chủ nghĩa xã hội & con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay (2014), Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại (2014), Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam từ năm 939 đến năm 1884 (2016), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh (2016), Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ từ khởi thủy đến năm 1945 (2016), Một số vấn đề phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới - luận cứ và giải pháp (2016), Thiết chế chính trị - pháp lý Việt Nam thời Lê sơ (1428-1527) (2017), Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 (2017), Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế (2017), Tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập (938-1884) (2021), Cải cách thể chế chính trị của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông (2022), Nông thôn Trung Kỳ (1858-1945), Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1965-1975) (2022), Hôn nhân và gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1960-1975) và (1975-1986) (2022)…
Đây là các xuất bản phẩm được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản trên cơ sở các đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm được nghiệm thu đạt loại khá trở lên, được Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận đồng ý xuất bản; đồng thời xuất bản trên cơ sở các bản thảo có chất lượng tốt, đã được thẩm định về mặt chuyên môn, do các tổ chức, cá nhân gửi tới Nhà xuất bản Khoa học Xã hội để liên kết xuất bản.
Tất cả xuất bản phẩm nói trên đều rất có giá trị về mặt khoa học cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, về cơ bản đó vẫn chỉ là kết quả của những công trình nghiên cứu độc lập, kinh phí hạn hẹp, không nằm trong hệ đề tài hay chương trình nghiên cứu có quy mô lớn do Nhà nước đặt hàng nghiên cứu, xuất bản.
Trong khoảng 10 năm gần đây, đáng chú ý nhất vẫn là bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) được xuất bản trong hai năm 2013-2014. Vì là công trình được nghiên cứu bài bản, đầy đủ, toàn diện, hệ thống, sâu sắc về đất nước, con người, lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng và nền văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam từ khởi thủy đến nay, nên bộ sách đã được Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia trao Giải Vàng Sách hay năm 2015. Và sau khi xuất bản lần đầu, do nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo bạn đọc nên bộ sách đã được tái bản vào năm 2017.
Sở dĩ Nhà xuất bản Khoa học Xã hội có thể xuất bản được bộ thông sử có giá trị lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn này, là bởi, đây chính là kết quả của Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ từ năm 2002 của Viện Hàn lâm, nghiệm thu vào các năm 2012 - 2013, được thực hiện công phu bởi tập thể các tác giả Viện Sử học, có nhiều tư liệu mới, có giá trị tham khảo tốt đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá kiến thức lịch sử Việt Nam.
Thúc đẩy nghiên cứu, biên soạn các công trình về đề tài lịch sử và đương đại để xuất bản là việc lớn, hệ trọng. Ảnh: Celadon Books.
II. Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách về đề tài lịch sử, đề tài đương đại
1. Về quan điểm
Lịch sử có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia dân tộc trên thế giới. Tại sao lịch sử quan trọng, như chúng ta biết, lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng việc ghi chép và phổ biến lịch sử chính là để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai. Không biết đến lịch sử, hiểu cội nguồn văn hoá sẽ không còn quốc gia, dân tộc. Nắm được lịch sử dân tộc thì mới có tinh thần yêu nước, mới biết vận dụng, phát huy cho sự phát triển của hiện tại và tương lai.
Hầu hết quốc gia trên thế giới rất coi trọng môn lịch sử; thậm chí, khi phỏng vấn để cấp visa cho người nước ngoài nhập cảnh, cơ quan quản lý nhập cảnh của một số nước còn hỏi người nhập cảnh biết gì về lịch sử đất nước họ.
Do vậy, theo chúng tôi, cần thống nhất quan điểm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đề tài lịch sử, nhất là những công trình xứng tầm với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong thời gian tới đây.
2. Về giải pháp
2.1. Cần có sự đánh giá, phân loại một cách đúng đắn về công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản về lịch sử ở Việt Nam hiện nay, từ đó có những đầu tư trọng điểm, phù hợp
Lịch sử là một chuyên ngành khoa học, do vậy cần phải tuân thủ chặt chẽ quy trình thực hiện, từ đề xuất tên đề tài, xây dựng thuyết minh đề cương, điều tra, khảo sát thu thập, phân tích sử liệu, cho đến viết báo cáo, nghiệm thu, đánh giá... Những công trình được thực hiện bài bản, đã trải qua các khâu thẩm định và phản biện của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học có uy tín sẽ đảm bảo chất lượng, yên tâm khi xuất bản.
Do vậy, để thúc đẩy công tác nghiên cứu về đề tài lịch sử làm đầu vào cho công tác xuất bản, điều đầu tiên, quan trọng nhất, là phải chú trọng hơn nữa đến các cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu lịch sử và cá nhân các nhà khoa học có khả năng thực hiện tốt công tác này.
Đảng và Nhà nước nên có sự đánh giá, phân loại một cách đúng đắn về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở Việt Nam hiện nay, từ đó có những đầu tư trọng điểm, phù hợp, đặc biệt là các đơn vị công lập được giao nhiệm vụ này, trong đó có Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Đây là hai đơn vị lớn và quan trọng của Việt Nam, luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu, biên soạn và phối hợp với các nhà xuất bản để cho ra mắt các ấn phẩm về lịch sử. Bên cạnh đó cũng nên phân loại và xác định đúng các nhà xuất bản có năng lực biên tập, có kinh nghiệm và khả năng thực hiện tốt việc xuất bản các công trình về đề tài lịch sử, đề tài đương đại để giao nhiệm vụ xuất bản.
Để xác định đúng đề tài lịch sử và đương đại xứng tầm với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, bên cạnh việc định hướng nên tổ chức các hội nghị tham vấn với sự tham gia của các cơ quan có chuyên môn về Sử học và các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học có uy tín có liên quan.
2.2. Cần có chính sách đặc thù và tăng cường đặt hàng nghiên cứu, xuất bản thông qua các hệ đề tài, chương trình trọng điểm cấp Bộ, cấp Nhà nước.
Sau khi đã xác định được đề tài, Đảng và Nhà nước nên có chính sách đặt hàng thực hiện nghiên cứu, xuất bản đề tài với những cơ chế, chính sách phù hợp. Cụ thể, Nhà nước nên tăng cường các xuất bản phẩm đặt hàng đối với loại đề tài này theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để tạo quyền chủ động cho các nhà khoa học, đồng thời, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn và điều kiện thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để phù hợp với tính chất của khoa học xã hội và nhân văn, bởi cơ chế quản lý khoa học hiện nay, theo phản ánh của nhiều nhà khoa học, có nhiều bất cập.
Quan điểm lịch sử cần có tính khách quan, khoa học
Theo dõi dư luận xã hội thông qua việc tái bản bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, hay việc nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc Sử 30 tập và việc xác định môn Lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc trong giáo dục phổ thông cho thấy việc nghiên cứu, biên soạn các xuất bản phẩm về đề tài lịch sử là rất phức tạp. Vì vậy, để các nhà khoa học, cơ quan xuất bản yên tâm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lớn, dư luận nên có cái nhìn khách quan, khoa học hơn là cái nhìn cực đoan đối với các công trình nghiên cứu về lịch sử. Bên cạnh đó, khi các quan điểm lịch sử trong các xuất bản phẩm đưa ra gây tranh luận, các cơ quan chức năng cần kịp thời vào cuộc (thông qua các hội đồng khoa học), có quan điểm chính thống, tránh để hiện tượng chửi bới, miệt thị... kéo dài trên không gian mạng.
2.3. Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng; cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên tập xuất bản phẩm
Về lâu dài, để có thể tạo nên những công trình nghiên cứu, các xuất bản phẩm có chất lượng tốt thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực Sử học có sự hẫng hụt thế hệ, thiếu chuyên gia; đội ngũ biên tập viên có tri thức, kinh nghiệm biên tập các công trình về lịch sử cũng không nhiều, do vậy Đảng và Nhà nước cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ phù hợp hơn để tạo động lực cho các nhà sử học và người làm công tác biên tập xuất bản.
Bên cạnh đó, bản thân các nhà sử học cũng cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, uy tín học thuật, liêm chính khoa học đối với công trình nghiên cứu của chính mình. Các biên tập viên và người có trách nhiệm trong công tác xuất bản một mặt luôn phải chú ý tính chất khách quan, khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử - đây là chân lý tối cao.
PV.