Cùng chủ trì hội thảo còn có các đồng chí: PGS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia của tổ chức Oxfam tại Việt Nam.
Dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia đến từ các Ban, Bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học đến từ các Vụ, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, các trường đại học, các tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các cơ quan, tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế. Gần đây, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế trung ương và tổ chức Oxfam tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động liên quan đến một chủ đề lớn là Thúc đẩy nền kinh tế vì con người ở Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác này, các bên tham gia đã cùng thực hiện nhiều chủ đề nghiên cứu quan trọng như kiềm chế sự gia tăng bất bình đẳng, kinh nghiệm về thuế tài sản để giảm phân cực thu nhập ở trên thế giới, chuyển đổi số bao trùm, mô hình kinh doanh bao trùm… Nghiên cứu về chuyển dịch năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và phát triển vì con người ở Việt Nam – nội dung được chia sẻ trong buổi Hội thảo cũng là một hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học này. Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển lấy con người làm trung tâm là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là một nội dung lớn trong các chương trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, nổi bật là việc tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và gần đây, tại COP 26, Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ là đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
|
Ông khẳng định việc thực hiện các cam kết này là khả thi, song cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có việc đảm bảo nhóm người nghèo và thu nhập thấp và các nhóm yếu thế khác không bị ảnh hưởng bởi quá trình này. Điều này đòi hỏi phải có một lộ trình phù hợp, quá trình thực hiện cần được giám sát chặt chẽ để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời, thích ứng với tình hình thay đổi diễn ra thường xuyên. Điều quan trọng hơn là đảm bảo các nhóm nghèo và thu nhập thấp, các nhóm yếu thế được tham vấn trong quá trình dịch chuyển năng lượng, được bảo vệ nếu chịu tác động, được đào tạo, chuyển đổi việc làm và kế sinh nhai với mức thu nhập không được thấp hơn so với hiện trạng, cũng như được chia sẻ đầy đủ các lợi ích từ quá trình này. Đây là những vấn đề khó, đỏi hỏi có sự đóng góp sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế.
|
Hội thảo được tổ chức trong 02 phiên: phiên thứ nhất với bài tham luận của đại diện nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Chuyển dịch năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và phát triển vì con người ở Việt Nam” và phiên thứ hai với phần thảo luận của 5 chuyên gia đến từ các Bộ ngành khác nhau và phần thảo luận mở cùng với các đại biểu tham dự hội thảo.
|
Phiên thảo luận chuyên gia với sự tham dự của TS. Nguyễn Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Hoàng Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và dự báo chiến lược – Viện Khoa học lao động và xã hội – Bộ Lao động thương binh xã hội; TS. Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Cao Lệ Quyên – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và TS Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu.
Trung tâm Phân tích và Dự báo