Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Tọa đàm quốc tế “Tư liệu Nho giáo Đông Á và văn bia Việt Nam: Tiếp cận liên ngành” tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

15/03/2023

Ngày 14/03/2023, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra tọa đàm quốc tế “Tư liệu Nho giáo Đông Á và văn bia Việt Nam: Tiếp cận liên ngành”. Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Dự án của chính phủ Nhật Bản về gia đình Đông Á và Dự án Vietnamica do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu tài trợ, với sự phối hợp của Trường đại học Việt Nhật và VNCHN.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường phát biểu khai mạc

Chương trình tọa đàm có nội dung chuyên sâu, tập trung vào những vấn đề về sử liệu Hán văn cổ điển liên quan đến văn hóa gia tộc ở khu vực Đông Á và nhóm tư liệu Hán Nôm liên quan đến Nho giáo, gia tộc và phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. Tọa đàm đã thu hút được nhiều học giả đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam.

Chủ trì toạ đàm gồm GS.TS Philippe Papin (Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp – EPHE, Chủ nhiệm Dự án Vietnamica), GS.TS Kohama Masako ⼩浜正⼦ (Trường đại học Nihon – Chủ nhiệm Dự án Nhật Bản), GS.TS Momoki Shiro 桃⽊⾄朗 (Trường đại học Việt Nhật), và PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng VNCHN) với bài phát biểu khai mạc và các nội dung giới thiệu về VNCHN và Dự án Vietnamica……

Toạ đàm gồm 9 bài tham luận, bao gồm 5 tham luận của các học giả nước ngoài và 4 tham luận của các học giả Việt Nam. Về phía nước ngoài là các tham luận: “Gia đình và trật tự giới tính Đông Á: nhìn từ góc độ so sánh lịch sử Nho giáo” của GS.TS. Kohama Masako; phần giới thiệu khái niệm “Hậu” và hoạt động cung tiến trong tư liệu văn bia của GS.TS Philippe Papin qua cuốn sách La Chair des stèles (Sinh thể văn bia) vừa được xuất bản tại Paris; “Gia đình và giới tính Trung Quốc trong giai đoạn sơ kỳ cận đại” của GS.TS Sasaki Magumi 佐々⽊愛 (Trường đại học Shimane); “Quan hệ vợ chồng Nhật Bản trong giai đoạn sơ kỳ cận đại” của GS.TS Yoshida Yuriko 吉田ゆり子 (Trường đại học Ngoại ngữ Tokyo); và tham luận “Tư liệu làng xã với gia đình và Nho giáo ở Việt Nam trong giai đoạn sơ kỳ cận đại” của nhóm tác giả NCS Jo Hoyeon 趙浩衍 (Trường đại học Osaka), TS Ueda Shinya 上⽥新也 (Trường đại học Thăng Long) và GS.TS Momoki Shiro.

Về phía Việt Nam, có 4 tham luận của 4 học giả công tác tại VNCHN: “Sự tham gia của người phụ nữ trong việc cúng Hậu qua nghiên cứu văn bia tỉnh Hỉ Dương ở thế kỉ 17-18” của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (nguyên Viện trưởng VNCHN); “Quyền lực của Nho giáo: Người phụ nữ qua tư liệu lịch sử” của PGS.TS Trần Trọng Dương; “Biểu hiện của đạo hiếu trong tục thờ cúng Hậu” của NCS Bùi Quốc Linh; và tham luận “Tổng quan về gia tộc người Việt qua tư liệu dòng họ” của NCS Mai Thu Quỳnh.

Quang cảnh Tọa đàm

Toạ đàm đã diễn ra cả ngày với 4 phiên họp tập trung. Các chuyên gia đã cũng nhau thảo luận những vấn đề lý thuyết liên quan đến tư tưởng Nho giáo, sự ảnh hưởng của Chu Tử học (Tống Nho) đến văn hóa gia tộc Đông Á, các quan niệm về đạo đức chính trị (liên quan đến đến hôn nhân, tính dục, tội phạm tình dục), sự ảnh hưởng của đạo hiếu đối với tín ngưỡng thờ Hậu và sự tham gia của phụ nữ đối với việc cung tiến tài sản và thờ cúng tổ tiên trong gia tộc Đông Á. Đây là một tọa đàm tiếp cận từ góc độ liên ngành, trong đó các học giả đều chia sẻ về nguồn tư liệu nguyên cấp được viết bằng Hán văn ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời đóng góp những kết quả nghiên cứu từ các ngành khác nhau, từ sử học, sử liệu học, sử chí học, đến Nho học, văn hóa tín ngưỡng, nhân học. Tư liệu Hán văn làm nền tảng để các học giả có thể chia sẻ những vấn đề lịch sử văn hóa liên quan đến gia tộc và người phụ nữ trong quá khứ. Trong khi, ở Nhật Bản và Trung Quốc, người phụ nữ được hình dung là “người trông nhà khi đàn ông ra ngoài”, “phụ nữ là cơ thể sinh đẻ con cái” cho đàn ông, thì ở Việt Nam thời trung đại, người phụ nữ ngoài việc được hình dung là “nội tướng” như các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo khác, thì họ còn được tự do hơn với các hoạt động xã hội khác nhau, như giao dịch buôn bán, sản xuất lương thực, cung tiến tài sản để góp phần xây dựng các cơ sở vật chất và tôn giáo, góp phần tạo nên đời sống vật chất và tinh thần cho xã hội.

GS. Philippe Papin và GS. Kohama Masako - Chủ nhiệm của hai dự án từ Pháp và Nhật - đều thống nhất cho rằng: tín ngưỡng thờ Hậu là một loại hình văn hóa thú vị của Việt Nam, và cần đặt nó trong tổng thể của cấu trúc văn hóa Nho giáo ở Đông Á, bằng các thao tác nghiên cứu so sánh và liên ngành. Trong đó, hoạt động cung tiến là một vấn đề chung có thể triển khai thành các chương trình nghiên cứu dài hơi giữa các cơ quan nghiên cứu và các học giả quan tâm đến Nho giáo, gia tộc và lịch sử phụ nữ.

Tọa đàm kết thúc trong không khí cùng sẻ chia một mạch nguồn văn hóa Đông Á. Một số đại biểu tham dự toạ đàm đánh giá rằng, dù đây là một cuộc toạ đàm nhưng về mức độ học thuật và sự bài bản trong khâu tổ chức thì không khác gì một hội thảo khoa học quốc tế với quy mô nhỏ nhưng chuyên sâu.

Các học giả Nhật, Pháp và Việt Nam thảo luận về kế hoạch hợp tác sau buổi Tọa đàm

Sau toạ đàm, các học giả của ba nước Nhật, Pháp, Việt đã thống nhất, trong kế hoạch ngắn hạn, các bên sẽ hợp tác xuất bản những bài nghiên cứu được trình bày trong tọa đàm thành một ấn phẩm khoa học ở nước ngoài trong năm 2024. Về kế hoạch dài hạn, các bên sẽ tiếp tục có những hợp tác nghiên cứu để làm rõ hơn một số chủ đề như văn hoá gia đình và giới, vai trò của người phụ nữ ở các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Trần Trọng Dương

(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

 

Các tin đã đưa ngày: