Tham dự Hội thảo, có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Cao Đức Phát, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học; PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; đại diện lãnh đạo; PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Hội Xã hội học Việt Nam; Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; đại diện các ban, ngành nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm và toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Xã hội học.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ viên chức và người lao động Viện Xã hội học cùng toàn thể đại biểu tham dự nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học, hướng tới 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Phó Chủ tịch ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Viện, khẳng định vị thế đi đầu trong ngành Xã hội học Việt Nam. Đội ngũ các thế hệ nhà khoa học của Viện đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học nước nhà.
Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh đánh giá cao chủ đề Hội thảo và khẳng định, đây là hoạt động khoa học thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học và đồng thời là bước tiếp theo góp phần triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch cho biết, sau gần 40 năm công cuộc Đổi mới cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn đưa Việt Nam thoát nghèo trở thành nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Trong quá trình đó, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đã có những biến đổi sâu sắc. Phát triển và hiện đại hóa nông thôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, thể hiện rõ nhất qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nông thôn Việt Nam còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng giảm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; chất lượng lao động nông thôn còn hạn chế; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị… Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là xây dựng nông thôn “phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…”.
|
Trong bối cảnh như vậy, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định, việc triển khai các nghiên cứu, trao đổi, thảo luận khoa học về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm cập nhật những luận điểm và bằng chứng khoa học, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là rất cần thiết. Phó Chủ tịch mong muốn, các nhà khoa học sẽ thảo luận những kết quả mới về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam qua nhiều chiều cạnh như dân số, lao động việc làm, đất đai, đời sống kinh tế, thu nhập, văn hóa, hôn nhân, gia đình, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự…, từ đó có thể đánh giá về quá trình phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, chỉ ra những khía cạnh tích cực, những điểm còn hạn chế bất cập cũng như các yếu tố tác động.
Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Xã hội học, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Viện Hàn lâm và các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm trong suốt thời gian qua. Viện trưởng khẳng định, chủ đề hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp các chuyên gia, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách tập trung thảo luận, bổ sung cơ sở lý luận và những phát hiện mới để từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội Việt Nam nói chung và khu vực nông thôn nói riêng trải qua những biến đổi từ truyền thống sang hiện đại. Dân số nông thôn không chỉ giảm về tỷ lệ trong tổng dân số mà còn có xu hướng già hóa, tỷ số dân số phụ thuộc gia tăng. Cơ cấu nghề nghiệp thay đổi cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cũng như nhiều xã hội khác trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, mức độ phân tầng xã hội theo mức sống ở khu vực nông thôn gia tăng và cao hơn ở khu vực thành thị. Đặc biệt, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh đã chỉ ra những biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn theo nhiều chiều cạnh khác như: Cơ cấu và khuôn mẫu hôn nhân; quan hệ ruộng đất, đất đai; biến đổi trong cấu trúc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; quan hệ xã hội, tính liên kết cộng đồng, thái độ, niềm tin xã hội; mô hình an sinh xã hội nông thôn.
|
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh khẳng định, biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn là quá trình phức tạp và đa dạng, liên quan đến các yếu tố truyền thống cũng như các yếu tố hiện đại, vừa mang tính quy luật tất yếu vừa thể hiện những đặc thù riêng. Do vậy, việc nghiên cứu nắm bắt thực trạng, xu hướng biến đổi và những yếu tố liên quan đến các vấn đề nêu trên không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm, mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Hội thảo nhận được 18 tham luận chính thức, trong đó có 9 bài trình bày trực tiếp nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận và công bố các kết quả nghiên cứu cập nhật về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa, già hóa dân số và hội nhập quốc tế. Hội thảo gồm 03 phiên:
Phiên thứ nhất: Những vấn đề chung về cơ cấu xã hội nông thôn. Các diễn giả (TS. Cao Đức Phát, GS.TS. Đặng Nguyên Anh) đã tập trung trình bày tổng quát về cơ cấu xã hội nông thôn, đặc biệt xem xét sự thay đổi của cấu trúc xã hội nông thôn gắn với quan hệ đất đai và tác động của những thay đổi đó đến nông nghiệp; phân tích và đánh giá mức độ hài lòng của cư dân nông thôn về các vấn đề đời sống kinh tế, lao động- việc làm, văn hóa, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự…
Phiên thứ hai: Biến đổi cơ cấu xã hội- nghề nghiệp nông thôn. Các diễn giả của Viện Xã hội học (PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng; PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, TS. Đoàn Kim Thắng) đã thảo luận về cơ cấu lao động và việc làm, xoay quanh mối quan hệ giữa ruộng đất và nghề nghiệp, các động thái biến đổi và chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp-việc làm ở nông thôn trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, di cư và hội nhập quốc tế hiện nay.
Phiên thứ ba: Biến đổi cơ cấu văn hóa- xã hội nông thôn. Các diễn giả của Viện Xã hội học và Hội Xã hội học Việt Nam đã nhận diện các tổ chức cộng đồng và tính liên kết cộng đồng ở nông thôn, xem xét những biến đổi trong đời sống hôn nhân của cư dân nông thôn Việt Nam, đánh giá điều kiện sống và an sinh xã hội của hộ gia đình nông thôn hiện nay.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi thảo luận. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính khoa học về nhận diện và phân tích những chiều cạnh chủ yếu về thực trạng và xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam; cập nhật và cung cấp cứ liệu khoa học về cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chính sách. Qua đó gợi mở những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quan trọng. Các kết quả nghiên cứu cùng với những quan điểm nghiên cứu nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách là cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho triển khai chiến lược và chính sách phát triển bền vững nông thôn Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nguyễn Thu Trang