Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP của Việt Nam”

07/11/2023

Trong khuôn khổ của đề tài “Giải pháp tiếp cận thị trường Cộng hòa Liên bang Đức đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk”, chiều ngày 06/11/2023, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Viện FNF, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP của Việt Nam”.

Tham dự tọa đàm về phía các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có: Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; PGS.TS. Chu Tiến Quang, chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; PGS.TS. Bùi Thị Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới.

Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có: Ông Trần Quốc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Quốc Tín, tỉnh Sóc Trăng; Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long, tỉnh Bình Dương; Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Thăng Tiến, tỉnh Đắk Lắk; Ông Ngô An Hạ, Công ty Cổ phần Ytế thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía đối tác, nhà tài trợ có: GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức; TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam. Tham dự tọa đàm còn có đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các thành viên tham gia đề tài tại Viện Nghiên cứu châu Âu.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu phát biểu khai mạc

OCOP (One Commune One Product) là một chương trình khởi nguồn từ Nhật Bản được áp dụng từ những năm 1970 với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bằng cách tập trung vào sản phẩm đặc trưng của từng khu vực. Hiện nay, mô hình OCOP đã được mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Mặc dù mỗi quốc gia sẽ có cách gọi khác nhau nhưng về mặt bản chất chúng có những điểm tương đồng.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu nhấn mạnh, các sản phẩm OCOP không đơn thuần là sản phẩm ngành nông nghiệp, mà còn thuộc lĩnh vực của các ngành khác, như Công thương (thủ công mỹ nghệ), Y tế (thảo dược), Văn hóa - Thể thao - Du lịch (dịch vụ du lịch)... Việc quyết định chọn sản phẩm nào do người dân/cộng đồng quyết định, nhưng cần đạt các tiêu chuẩn quốc gia áp dụng cho loại sản phẩm đã chọn, kể cả tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn điều kiện sản xuất. Khuyến khích các ý tưởng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, như Organic, Global GAP, Fairtrade, GMP,... và được quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP,...

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng hy vọng tại Tọa đàm sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia cũng như những trao đổi thực tiễn đến từ các doanh nghiệp đang triển khai về các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP của Việt Nam. Qua đó, có thể tìm ra các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Đức hướng tới việc phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF Cộng hòa Liên bang  Đức phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF Cộng hòa Liên bang  Đức rất vui mừng được tham gia buổi Tọa đàm. Giáo sư Andreas Stoffers cho biết, FNF đã hợp tác với Việt Nam hơn chục năm thông qua các dự án/hội thảo, tọa đàm với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Việt Nam đã từng là một nước nghèo phải nhập khẩu gạo, đến nay đã trở thành nước xuất khẩu rất nhiều mặt hàng có chất lượng. Chính sách kinh tế mở đã tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia nhiều hoạt động thương mại tự do trên các thị trường quốc tế. EVFTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước EU.

Giáo sư Andreas Stoffers đánh giá cao chủ đề Tọa đàm ngày hôm nay là rất quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm của Việt nam hướng xuất khẩu vào thị trường Đức và Liên minh châu Âu.

TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF phát biểu tại Tọa đàm Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Thăng Tiến, tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Tạo đàm

Đề cập đến kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Bích Thuận, Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, Thái Lan là nước xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 13 thế giới, với thị phần 2,2% xuất khẩu lương thực thế giới là từ nước này. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Thái Lan là gạo, cao su, sắn, tôm và cá ngừ đóng hộp. Đây cũng là một trong những nước xuất khẩu lượng lớn các sản phẩm như đường, dứa đóng hộp, thịt gà, rau quả và thức ăn gia súc.

TS. Nguyễn Bích Thuận nhấn mạnh, ở Thái Lan, OVOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của từng địa phương. Dù được xây dựng dựa trên mô hình của Nhật Bản nhưng OTOP của Thái Lan lại tập trung vào việc phát triển sản phẩm độc đáo từ các đơn vị hành chính cấp phường/xã, thay vì từng làng riêng lẻ. Mục tiêu của mô hình này là thúc đẩy kinh tế tại các cấp độ cơ sở và duy trì bản sắc văn hóa thông qua việc phát triển và tiếp thị các sản phẩm độc đáo của mỗi phường/xã. Quốc gia này đã thành công trong việc phát triển kinh tế nông thôn, giúp cho các địa phương này phát triển các sản phẩm mang đậm bản chất văn hoá, dân tộc, mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương và quảng bá được sản phẩm ở cả trong và ngoài nước. Thái Lan đã rất thành công trong việc thực hiện chính sách OTOP như một công cụ để khởi động nền kinh tế địa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư vùng nông thôn.

TS. Nguyễn Bích Thuận cũng chỉ ra, mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng hoạt động của mạng lưới OTOP Thái Lan còn thiếu sự hỗ trợ về mặt pháp lý để trở thành một quy phạm pháp luật rõ ràng. Nhiều nhà sản xuất OTOP sản xuất các sản phẩm tương tự do sự tương đồng về nguồn lực địa phương và giá trị văn hóa ẩn chứa trong sản phẩm. Mặt khác, nhiều nhà sản xuất OTOP vẫn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ, khiến họ ít tự chủ hơn. Trên thực tế, hầu hết các nhà sản xuất OTOP còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ để tiếp cận thị trường quốc tế. Trong khi đó, một số nhà sản xuất OTOP có tiềm năng phát triển nhưng họ thiếu khả năng tiếp cận tài chính…

Đánh giá các yếu tốt ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của các sản phẩm OCOP, ThS. Lê Thị Kim Oanh thì cho rằng, ở Việt Nam, từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NĐ-CP năm 2018, với mục tiêu tập trung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nhằm phát huy các thế mạnh về sản phẩm ở các vùng nông thôn. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương như Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên Huế, An Giang và đạt được một số kết quả quan trọng. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động áp dụng để phát triển ngành nghề nông thôn.

ThS. Lê Thị Kim Oanh cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của sản phẩm OCOP. Ngoài những yếu tố đã được biết đến, có hai nội dung quan trọng có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP đó là: Thứ nhất, cần có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho từng cấp sản phẩm chủ lực: sản phẩm quốc gia, sản phẩm địa phương và đặc biệt là sản phẩm OCOP; chính sách xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu OCOP. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP xuất khẩu. Thứ hai, xem phát triển thị trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cơ chế điều hành của nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Tọa đàm PGS.TS. Bùi Thị Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Nghiên cứu đặc điểm thị trường CHLB Đức và những yêu cầu đặt ra đối với khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm OCOP tại tỉnh Đắk Lắk,  TS. Hoa Hữu Cường cho biết, CHLB Đức là thị trường nhập khẩu chính tại khu vực Châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, rau quả…Trong đó, các sản phẩm như: Cà phê, rau quả, hồ tiêu, macca… là những sản phẩm thế mạnh của Đắk Lắk, mặc dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã có được vị thế nhất định tại thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực.

TS. Hoa Hữu Cường cho rằng, CHLB Đức là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm OCOP của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên để có thể gia tăng khả tiếp năng tiếp cận và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCOP nói riêng của tỉnh Đắk Lắk tại thị trường CHLB Đức thì đòi hỏi các nhà sản xuất các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về ATTP, bởi CHLB Đức là thị trường mà người tiêu dùng yêu cầu rất cao về chất lượng, tính bền vững trong sản xuất sản phẩm.

Với kinh nghiệm của tỉnh Sóc Trăng trong việc hỗ trợ,  thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP và tiếp cận thị trường xuất khẩu, Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến tháng 8/2023 tỉnh Sóc Trăng có 184 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 172 sản phẩm đạt 3 sao của 100 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh).

Nhìn chung, việc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm từ được Sở KH&CN Sóc Trăng triển khai khá thuận lợi. Các hoạt động triển khai thời gian qua đã góp phần đưa hoạt động KH&CN gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo; có những tác động tích cực trong phát triển sản xuất ở một số doanh nghiệp, tạo thêm những sản phẩm mới. Trong đó, có một số sản phẩm có tiềm năng đạt chứng nhận OCOP của tỉnh; giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay tỉnh Sóc Trăng có 04 mặt hàng OCOP xuất khẩu chính, đó là bánh Pía, nước yến, một số sản phẩm nấm rơm, vú sữa… Riêng đối với mặt hàng gạo, sản phẩm gạo ST24 được chứng nhận 5 sao. Gạo ST25 không tham gia OCOP nhưng lại đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới năm 2019, hiện nay ở Sóc Trăng chủ yếu sản xuất gạo ST25.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng; thiếu thông tin thị trường; trình độ nhân lực hạn chế; thiếu sự hỗ trợ sản xuất; thiếu thông tin pháp lý; thiếu thông tin khoa học công nghệ...

Để hỗ trợ có hiệu quả các sản phẩm chủ lực, mặt hàng OCOP của địa phương tham gia thị trường quốc tế, ngành KH&CN Sóc Trăng xác định các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ các DN, HTX nông nghiệp nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất và chế biến. Trong đó có việc phát triển các phương pháp bảo quản và vận chuyển tiên tiến để đảm bảo sản phẩm duy trì chất lượng tốt trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu.

Thứ hai, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ các DN bảo vệ, phát triển những sản phẩm sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá cũng như xây dựng các tiêu chí doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, văn hoá doanh nghiệp, phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường kết nối cung – cầu, đáp ứng các yêu cầu về công nghệ; kết nối giữa các Viện, trường, nhà khoa học với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để tạo ra sự liên kết về nhu cầu và sản phẩm khoa học công nghệ, hình thành nên thị trường khoa học, công nghệ.

Quang cảnh Tạo đàm

Có thể thấy, các trao đổi tại Tọa đàm đã nêu ra nhiều ý kiến tham luận có tính thực tiễn tại Việt Nam, cũng như các vấn đề sẽ tích cực được xúc tiến trong thời gian tới. Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đánh giá cao nội dung các bài thuyết trình và các ý kiến phát biểu đóng góp của các quí vị đại biểu tham dự, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp nhiều hơn nữa từ các quí vị đại biểu, các tổ chức, doanh nghiệp với các nhiệm vụ Viện Nghiên cứu châu Âu triển khai.

PV.

Các tin đã đưa ngày: