Nội dung nêu trên là một trong những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức vào ngày14/11/2023 tại Hà Nội.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/Vinh%20Ha/gdtuan.jpg) |
TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Trong hơn 2 thập kỷ qua, gia đình Việt Nam đã có những thay đổi về quy mô, cấu trúc và các mối quan hệ gia đình, cùng với đó, xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp, khoảng cách về thu nhập, di cư, giáo dục trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, hôn nhân đồng giới, gia đình đơn thân, chung sống không kết hôn, không sinh con, bạo lực gia đình… là những nhân tố tác động đến gia đình ngày càng lớn và có ảnh hưởng đến việc đảm bảo bình đẳng giới. Tiến sĩ đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo và bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về những vấn đề: biến đổi về cấu trúc, chức năng, giá trị và các mối quan hệ trong gia đình; sự khác biệt giới, hòa nhập xã hội trên cơ sở giới; những vấn đề đặt ra đối với gia đình và giới trong bối cảnh CMCN lần thứ IV, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; xu hướng biến đổi gia đình, vấn đề giới; những giải pháp thúc đẩy phát triển gia đình và giới trong những thập kỷ tới…
Tại Phiên 1: Biến đổi gia đình trong những thập niên đầu thế kỷ 21, Hội thảo đã được lắng nghe 4 tham luận: Xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới: Một số vấn đề cần quan tâm (GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Hội Xã hội học Việt Nam); Nghiên cứu chuẩn mực con người gắn với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới (PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Hội Xã hội học Việt Nam); Sự biến đổi của gia đình và những thách thức đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay (TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thanh niên); Biến đổi cấu trúc gia đình trong bối cảnh CNH, HĐH ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay (TS. Nguyễn Trung Hiếu, Đại học Trần Quốc Tuấn).
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/Vinh%20Ha/gdminh.jpg) |
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày tham luận tại Hội thảo |
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/Vinh%20Ha/gđhoa.jpg) |
TS. Nguyễn Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thanh niên phát biểu tại Hội thảo |
Tại Phiên 2: Chiều cạnh giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21, Hội thảo được lắng nghe 5 tham luận bàn về các vấn đề: Hòa nhập xã hội trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay (TS. Nguyễn Thị Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV); Bàn về quan hệ giới trong gia đình nông thông Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI: Thực trạng và triển vọng (PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện XHH); Đặc điểm của doanh nghiệp hộ gia đình do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam hiện nay (PGS. TS. Nguyễn Đức Hữu, Đại học Công đoàn); Khác biệt giới trong giá trị, chuẩn mực gia đình truyền thống và hiện đại thanh niên mong muốn hướng tới (Nghiên cứu trường hợp sinh viên Hà Nội) (TS.Dương Thị Thu Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Sự khác biệt giới trong quan niệm và thực hành vai trò người con cả trong gia đình nông thôn Việt Nam (ThS. Lê Thị Hồng Hải, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới).
Bàn về vấn đề những thách thức còn tồn tại trong việc xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn mới, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho rằng sự bất cập về chính sách, cách thức triển khai và thực hiện chính sách; sự biến đổi về đặc điểm nhân khẩu – xã hội học, biến đổi về chức năng kinh tế và an sinh xã hội; vị thế của người phụ nữ trong gia đình, sự bất cập trong vấn đề chăm sóc trẻ em, người cao tuổi; chưa phát huy được vai trò của gia đình thuộc tầng lớp trung lưu; gia đình các dân tộc thiểu số và hệ thống dịch vụ gia đình còn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó phó giáo sư đã nêu lên một số định hướng giải pháp và chính sách tập trung vào các vấn đề như: quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở giá trị nhân văn mới kết hợp với giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống; Chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các dịch vụ tư nhân; có biện pháp nhằm thay đổi triệt để nhận thức của xã hội về bạo lực gia đình, thực hiện nghiêm chế tài phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân…
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/Vinh%20Ha/gdtoancanh.jpg) |
Toàn cảnh Hội thảo |
Để hướng con người tới những chuẩn mực trong quá trình xây dựng gia đình, PGS.TS. Lê Ngọc Văn cho rằng ở mỗi xã hội, trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau, chuẩn mực con người cần hướng tới việc tiếp nối, phát huy và tôn vinh các chuẩn mực truyền thống và không ngừng tiếp thu những chuẩn mực mới của thời đại. Hệ thống chuẩn mực mới là nền tảng tinh thần và là động lực phát triển của mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng và của cả đất nước.
Nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, PGS.TS. Nguyễn Đức Hữu, Đại học Công Đoàn cho rằng cần phải hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của mình; tăng cường các tiếp cận bồi dưỡng kiến thức giúp phụ nữ khởi nghiệp; có chính sách tạo điều kiện để phụ nữ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn; có chế tài vinh danh và ghi nhận những đóng góp của phụ nữ một cách kịp thời; cần xem xét loại bỏ các định kiến giới giúp họ tự tin và được chia sẻ gánh nặng gia đình….
Có thể thấy rằng trong hơn 2 thập kỷ qua, những bước tiến trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tại báo cáo “Khoảng cách Giới, tính toàn cầu năm 2023” của Diễn đàn Kinh thế Thế giới (World Economic Forum – WEF), Việt Nam là quốc gia được xếp hạng 72/146 quốc gia với 0,711 điểm. Trong đó, lĩnh vực kinh tế xếp hạng 31 với 0,749 điểm, lĩnh vực giáo dục xếp hạng 89 với 0,985 điểm, lĩnh vực y tế xếp hạng 144 với 0,946 điểm và lĩnh vực chính trị xếp hạng 89 với 0, 166 điểm. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, cùng với đó là xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp, khoảng cách về thu nhập, di cư, các vấn nạn về bạo lực... khiến cho thiết chế gia đình có xu hướng lỏng lẻo hơn và ngày càng xuất hiện nhiều loại hình gia đình mới như: hôn nhân đồng giới, gia đình đơn thân, chung sống không kết hôn, độc thân, không sinh con, xu hướng đề cao tiền bạc, vật chất trong quan hệ gia đình ngày càng cao, mâu thuẫn giữa các thành viên về đất đai, tài sản,... là những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của gia đình nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/gdluuniem.jpg) |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Việc nhận diện một cách đầy đủ các vấn đề nói trên về những biến đổi của gia đình Việt Nam được Hội thảo thống nhất cho rằng là cực kỳ cấp thiết cả về phương diện thực tiễn và lý luận. Vui mừng trước những kết quả đạt được của Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng Hội thảo đã thành công ngoài mong đợi, những ý kiến quý báu được trao đổi tại Hội thảo là cơ sở để Ban tổ chức củng cố và bổ sung thêm vào hệ thống lý luận, góp phần nhận diện những biến đổi của gia đình và giới ở Việt Nam những thập niền đầu thế kỷ XXI cũng như nhận diện rõ những vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam./.
Phạm Vĩnh Hà