Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế “Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững”

15/11/2023

Thiết thực chào mừng 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS), chiều ngày 14/11/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT; PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Võ Thanh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường; TS, Nguyễn Thế Mạnh, Tổ chức Nông Lâm Quốc tế; cùng các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế; các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về Hội thảo.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng có TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách và TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cùng toàn thể viên chức của Viện.

Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu trong nước và quốc tế; nhấn mạnh việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững cần chú trọng đến sự quyết tâm, sự đồng lòng và ý chí mạnh mẽ của từng địa phương, nơi mà các Mục tiêu phát triển bền vững thực sự được triển khai và thực hiện bởi từng cộng đồng, từng người dân trong thực tế.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều thách thức như vậy, các quốc gia, các cộng đồng địa phương lại phải đối mặt với những khó khăn chung cũng như những vướng mắc riêng của mình trong tiến trình thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững. Sự thành công và cán đích của mỗi cộng đồng trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững phần lớn phụ thuộc vào quá trình địa phương hóa các mục tiêu phát triển này, vào việc hài hòa hóa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu với mong muốn và định hướng phát triển của các quốc gia, các cộng đồng địa phương.

Với mục đích nhìn lại tiến trình đã qua trong việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và tại Việt Nam, đặt ra nguồn lực, sử dụng các chỉ số để đo lường và giám sát tiến độ thực hiện các mục tiêu đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Nguyễn Đức Minh mong muốn tại Hội thảo này, các đại biểu không chỉ thảo luận những vấn đề về lý luận, phương pháp, kỹ thuật trong việc áp dụng từng mục tiêu, từng chỉ số vào bối cảnh của mỗi quốc gia mà còn trao đổi những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của các cộng đồng.

TS. Lê Văn Hùng Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, các quốc thành viên đã và đang tiếp tục “địa phương hoá” các mục tiêu phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh và thậm chí ở cấp thấp hơn. Hoạt động này giúp hài hòa giữa mục tiêu quốc gia và nguyện vọng cộng đồng trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau ở các mức độ khác nhau. Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững cũng giúp phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả và cải thiện năng lực ở các quốc gia, địa phương phù hợp hơn. Đồng thời, hoạt động này giúp nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác giữa các cấp chính quyền, nhà đầu tư, người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Do đo, địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững giúp việc theo dõi, đánh giá và thực hiện các chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ hay địa phương một cách hệ thống và phù hợp với bối cảnh phát triển.

Tại Hội thảo này, TS. Lê Văn Hùng mong muốn, các đại biểu thảo luận chi tiết hơn về các kết quả nghiên cứu liên quan tới vấn đề lý luận, những phát hiện từ thực tiễn ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm hướng tới triển khai Chương trình Nghị sự 2030 ở cấp toàn cầu.  

Từ trái sang: TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, </br>Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì phiên 2 của Hội thảo

Hội thảo nhận được hơn 40 bài viết, trên cơ sở đó Ban tổ chức lựa chọn 24 bài viết đăng kỷ yếu ở các khía cạnh: (i) Cách tiếp cận và lý luận liên quan tới địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững; (ii) Kinh nghiệm của quốc tế về địa phương hóa phát triển bền vững; (iii) Kết quả thực hiện địa phương hóa mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; 

TS. Mary Smyth, Cục Thống kê Trung ương, Ailen trình bày báo cáo trực tuyến tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên với 05 tham luận của các diễn giả (TS. Mary Smyth, Cục Thống kê Trung ương, Ailen; TS. Vũ Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội quốc gia, Vương quốc Anh; TS. Graham Long, Đại học Newcastle, Vương quốc Anh; TS. Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ, Tổng cục Thống kê; TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh) tập trung trình bày các vấn đề: Lộ trình thống kê về SDG ở Ailen: cơ chế hợp tác, khía cạnh không gian địa lý của SDG và sự hài hòa các chỉ số SDG toàn cầu và địa phương; Địa phương hóa SDG- hướng tới khung khổ SDG khu vực đồng bằng; Địa phương hóa các mục tiêu SDG – tư duy toàn cầu, hành động địa phương; Quản trị xanh hướng tới phát triển bền vững tỉnh Bắc Ninh; Thực hiện các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Đề cập đến quản trị số liệu thống kê về SDG ở Ailen, TS. Mary Smyth, Cục Thống kê Trung ương Ailen cho biết, việc quản trị các số liệu thống kê luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, việc cung cấp và xử lý dữ liệu tùy từng địa phương có tính định kỳ. Bên cạnh đó, TS. Mary Smyth cũng chỉ rõ những chỉ tiêu nào đó chưa đạt được thì cần phải hướng tới chương trình nghị sự tiếp theo. Một số chỉ tiêu chưa có số liệu, những chỉ tiêu mà Ailen chưa đạt được trong số 169 chỉ tiêu cũng được diễn giả phân tích cụ thể trong báo cáo.

TS. Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Theo TS. Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, việc xác định và tiếp cận SDGs từ góc nhìn địa phương không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng cụ thể đó mà còn giúp phần nào vào một sự thay đổi tích cực ở quy mô toàn cầu. Sự tham gia của người dân địa phương trong việc đạt được các mục tiêu SDGs tạo ra một lợi thế cạnh tranh độc đáo, tận dụng tối đa sức mạnh của sự đa dạng và sự sáng tạo của mỗi địa phương.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Bên cạnh các báo cáo được trình bày, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, trong đó tập trung vào một số nội dung: (i)  Những khó khăn, thách thức trong vấn đề địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững; (ii) Cách tiếp cận phân nhóm trong việc thực hiện các mục tiêu SDG; (iii) Tính thống nhất của các chỉ số ở cấp quốc gia, cấp địa phương; (iv) Sự phù hợp về số lượng các chỉ tiêu, chỉ số đáp ứng được mục tiêu so sánh giữa các địa phương, khu vực; (v) Lồng ghép các mục tiêu cụ thể của từng địa phương với tiềm năng sẵn có, nhu cầu thực tế và các động lực nội tại,…

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật có ý nghĩa quan trọng, qua đó, các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế có cơ hội chia sẻ, thảo luận về những thành công và những khó khăn mà các quốc gia, các cộng đồng đang gặp phải trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Những tri thức và bài học thực tiễn được chia sẻ tại Hội thảo là nguồn tham khảo có giá trị, mở ra hướng nghiên cứu mới, tiếp cận mới trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp địa phương nhằm hướng tới triển khai Chương trình Nghị sự 2030 ở cấp toàn cầu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: