Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam

17/11/2023

Chiều ngày 16/11/2023, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới đất liền” do TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng IRSD làm chủ nhiệm thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay.

TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách IRSD phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn An Hà, Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT; TS. Hà Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phân tích dự báo; PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao; TS. Võ Hải Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Lý Hoàng Mai, Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện IRSD; TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm đề tài cùng các đại biểu là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến các cơ quan nghiên cứu, các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo IRSD, TS. Lê Văn Hùng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Viện trưởng phụ trách Viện IRSD nhấn mạnh về tầm quan trọng của vùng biên giới trong sự tồn tại và phát triển của các quốc gia trên thế giới, từ cả quá khứ và trong hiện tại. Theo đó, sự ổn định của vùng biên giới đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đặc biệt là an ninh và hòa bình của các quốc gia, khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, TS. Lê Văn Hùng cũng phân tích những thách thức đặt ra đối với vùng biên giới Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế. Mặc dù hiện nay, vùng biên giới đã có những thay đổi nhiều mặt so với trước, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và các cửa khẩu phục vụ cho giao thương, thương mại xuyên biên giới đang ngày càng trở nên sôi động. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, các vùng biên giới vẫn là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cả nước, đặc biệt cư dân ở những vùng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sinh kế dựa vào nông nghiệp. Do đó, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với các vùng khác trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng, vẫn đang là trọng tâm của các địa phương vùng biên giới.

TS. Đỗ Tá Khánh, Chủ nhiệm đề tài, Phó Viện trưởng IRSD phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài, TS. Đỗ Tá Khánh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ các đại biểu và các thành viên Đề tài. Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của hội thảo góp phần vào việc hoàn thiện đề tài. Đồng thời, TS. Đỗ Tá Khánh giới thiệu những nội dung nghiên cứu chính của Chương trình: (1) Cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về phát triển biên giới đất liền; (2) Phát triển kinh tế, đặc điểm vùng biên giới, khả năng liên kết vùng, thương mại- đầu tư; (3) Phát triển văn hóa- xã hội- giáo dục, phát triển giáo dục vùng biên giới, xóa đói giảm nghèo, phân tích đặc trưng văn hóa vùng dân tộc thiểu số tiếp giáp với 03 nước Việt Nam- Lào- Campuchia, theo đó các vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm; (4) Dân tộc- tôn giáo; (5) An ninh phi truyền thống như an ninh con người, an ninh xã hội, an ninh kinh tế và an ninh môi trường; (6) Quản lý Nhà nước về biên giới; (7) Đánh giá chung các chính sách. Qua đó chủ  nhiệm đề tài mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong phát triển kinh tế, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo có 04 báo cáo trình bày, được chia làm 02 phiên thảo luận. Các diễn giả (TS. Trương Quang Hoàn, TS. Nguyễn Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Lê Lan Anh, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, TS. Lê Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng) trình bày các nội dung về hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam- Campuchia trong bối cảnh mới; Kinh nghiệm phát triển kinh tế khu vực biên giới của Thái Lan: trường hợp tỉnh Sa Kaeo; Kinh nghiệm phát triển ngành du lịch y tế vùng biên giới Mexico – Hoa Kỳ; Kinh nghiệm phát triển hàng lang kinh tế và một số gợi ý cho Việt Nam.

Các báo cáo trình bày tại Hội thảo đều đề xuất những kiến nghị, gợi ý chính sách và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đặc biệt trong phát triển hành lang kinh tế như cần phối hợp chính sách giữa các quốc gia; bổ sung và tránh cạnh tranh giữa các địa phương trên hành lang; giúp chính quyền các quốc gia dọc hành lang tập trung nguồn vốn, đầu tư đúng trọng điểm để phát huy tối đa tác dụng của các khoản đầu tư; mỗi địa phương trong hành lang cần xác định thế mạnh của mình để từ đó tập trung xây dựng các dự án nhằm phát huy hiệu quả của hàng lang. Bên cạnh đó các nước tham gia hàng lang cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhất là trong điều kiện các nước có trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau; thực hiện xây dựng hành lang giao thông và hành lang kinh tế đồng bộ, tạo điều kiện lưu chuyển hàng hóa và con người giữa các địa phương trên hàng lang…

Chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên đề tài, các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong phát triển kinh tế và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là những thông tin khoa học quí giá để Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tiếp tục hoàn thiện đề tài và chương trình trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

 

Các tin đã đưa ngày: