Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cảm ơn các quý vị khách quý, các đại biểu, nhà khoa học tới tham dự hội thảo. TS. Phạm Anh Tuấn cho biết, toàn cầu hóa (TCH) là quá trình tăng cường và mở rộng sự tương tác, liên kết, và phụ thuộc kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị giữa các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Cục diện thế giới (CDTG) là để chỉ kết cấu các lực lượng chính và trạng thái tương tác tương quyền lực tương đối ổn định, được hình thành bởi quan hệ so sánh lực lượng giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế có vai trò chủ đạo và chi phối trong quan hệ quốc tế.
TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, thế giới càng ổn định hòa bình thì TCH càng có cơ hội phát triển. Trong khi đó CDTG thể hiện cho tương quan, sức mạnh tổng hợp giữa các quốc gia. Và sự biến đổi từ cục diện này sang cục diện khác trong quá khứ thường đem đến cho thế giới sự bất ổn. Vì vậy, hai quá trình này luôn có sự mâu thuẫn nhau. Hội thảo được tổ chức với mong muốn xem xét mối tương quan giữa 2 mối quan hệ này về mặt lý luận và thực tiễn, tác động của vấn đề này đến Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới.
Bàn về mối quan hệ giữa TCH và CDTG, TS. Vũ Hoàng Linh, Viện Kinh tế Việt Nam nêu lên bốn dòng quan điểm chính đang chi phối hiện nay đó là: (1) Toàn cầu hóa thúc đẩy một cục diện thế giới trong đó cán cân quyền lực/quan hệ quốc tế giữa các quốc gia thay đổi theo hướng cân bằng và hợp tác hơn; (2) Sản xuất, thương mại và đầu tư vẫn mang tính chất quốc gia nhiều hơn, vì thế Toàn cầu hóa ít tác động đến cục diện thế giới; (3) Toàn cầu hóa tạo ra một cục diện thế giới mất cân bằng; (4) Toàn cầu hóa tác động đến cục diện thế giới thông qua quá trình khu vực hoá và không đồng nhất ở các khu vực khác nhau.
Còn theo PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, mối quan hệ giữa TCH và CDTG là mối quan hệ hai chiều - có sự tác động qua lại lẫn nhau. Khi TCH tiến triển, các nguồn lực được khơi thông, các rào cản thương mại, đầu tư dần dần được tháo bỏ, tính tương tác, bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế, các châu lục, các khu vực gia tăng, sản xuất và lưu thông thuận lợi. Điều này tạo điều kiện cho nhiều quốc gia bứt phá, vươn lên, phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình tiến triển của TCH, không phải tất cả các nước đều phát triển nhanh hơn, mà chỉ có quốc gia biết tận dụng, nắm bắt các cơ hội do TCH đem lại mới phát triển nhanh. Một số nước trước đây yếu hơn, thì nay đã lớn mạnh, dám cạnh tranh, đối đầu với các lực lượng, các thế lực đứng đầu thế giới. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa các nước lớn, làm thay đổi CDTG. Ở chiều ngược lại, CDTG cũng tác động đến TCH. Nếu có sự cân bằng tương đối về sức mạnh giữa các nước lớn, thì thế giới tương đối bình yên, hợp tác sẽ là chủ đạo. Điều này có nghĩa, TCH được thúc đẩy tiến triển nhanh hơn, mạnh hơn. Nếu quan hệ giữa các nước lớn có nhiều bất ổn, do mâu thuẫn lợi ích, cạnh tranh để giành giật khu vực ảnh hưởng, thì sẽ cản trở TCH, làm cho TCH chậm lại.
Trong tham luận TCH kinh tế và ảnh hưởng tới CDTG trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, TS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, yếu tố ảnh hưởng lớn tới TCH là cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này đã giúp cải thiện năng suất, tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, cho phép tạo ra một mạng lưới kết nối toàn cầu. Ngoài ra, những biến đổi về cơ cấu chính trị sẽ làm cho quan hệ kinh tế thế giới trở nên đa dạng hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của các quốc gia và khu vực trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo TS. Phạm Bích Ngọc, CDTG từ sau Chiến tranh Lạnh có vai trò đóng góp ngày càng lớn của các Công ty xuyên quốc gia (TNCs). Các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia là động lực thúc đẩy những chuyển đổi mạnh mẽ mà nền kinh tế toàn cầu đã trải qua trong ba thập kỷ qua. Chúng đã góp phần mở rộng các dòng chảy thương mại và đầu tư, đồng thời cũng thúc đẩy việc tạo ra các mối liên kết kinh tế mới giữa các nước phát triển và đang phát triển, đang chuyển đổi. Các TNCs hoạt động tích cực trong một số lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế các nước, mang lại việc làm, vốn và công nghệ mới. Một số công ty thực sự nỗ lực để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và điều kiện sống của công nhân địa phương.
Trong thời kì sau chiến tranh lạnh, cục diện thế giới đã chuyển từ trạng thái đơn cực do Mỹ chi phối sang tình thế đa cực với năm thế lực chính là Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nền kinh tế ở các nước đang phát triển đang là xu thế làm cho cục diện thế giới cân bằng và dân chủ hơn. TS. Phạm Bích Ngọc nhấn mạnh, với CDTG từ sau chiến tranh lạnh đến nay, tuy nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, song hòa bình ở nhiều khu vực vẫn bị đe dọa, thậm chí có nơi xung đột diễn ra nghiêm trọng.
Các đại biểu trình bày, phát biểu, trao đổi, thảo luận tại hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia PGS.TSKH Võ Đại Lược, TS. Võ Trí Thành, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS. Lê Xuân Bá, PGS.TS. Cù Chí Lợi, TS. Nguyễn Bình Giang, TS. Nguyễn Cao Đức, TS. Hoàng Thế Anh, TS. Ngô Chí Nguyện tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa TCH và CDTG đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tác động của vấn đề này đến Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam một lần nữa cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu tham dự. TS. Phạm Anh Tuấn khẳng định, những tham luận và ý kiến được trình bày tại hội thảo này sẽ là cơ sở để Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và xác định những vấn đề cần bổ sung hoàn thiện, phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới.
PV.