Hội thảo có trên 100 đại biểu đến từ nhiều cơ quan của Trung ương và địa phương vùng Đông Nam Bộ. Đến dự hội thảo có ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư kí Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhiều lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM, Bình Phước; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VCCI và nhiều chuyên gia, nhà khoa học từ Viện, Trường.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ.
Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày báo cáo “Hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế xanh ở vùng Đông Nam Bộ”. Báo cáo đã chỉ ra các vấn đề cơ bản, khung khổ và cách tiếp cận chung về kinh tế xanh, phát triển bền vững, phân tích bối cảnh mới và đặt ra các thách thức trong phát triển ở giai đoạn mới cho vùng Đông Nam Bộ.
TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng trung Bộ trinh bày báo cáo với chủ đề “Vai trò của nhân tố vùng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI tại các tỉnh Việt Nam: Một số hàm ý cho vùng Đông Nam Bộ và Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới”. Báo cáo đã chỉ ra các nhân tố vùng tác động trong quá trình liên kết và phát triển. Vai trò của nguồn lực và các nhân tố vùng trong thúc đẩy phát triển vững của nội vùng và liên kết vùng trong phát triển.
Trong tham luận của mình, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo với chủ đề quan trọng đến định hướng phát triển của vùng Đông Nam Bộ cũng như Việt Nam trong giai đoạn mới sắp tới, trong đó ông chỉ ra các vấn đề quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững cần phải đảm bảo một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ mục tiêu của tăng trưởng xanh hướng đến đảm bảo mục tiêu quan trọng là netzero. Trên cơ sở cam kết của Chỉnh Phủ tại Hội nghị CORP 26 đến năm 2050 Việt Nam sẽ phấn đấu giảm phác thải bằng 0 (Net zero). Bên cạnh đó với khía cạnh phát triển bền vững đòi hỏi phải phát triển trên cả 3 khía cạnh song trùng đồng thời về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu xanh và bền vững trên đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư cần bám vào và thực hiện để đảm bảo định hướng mục tiêu chung của vùng và từng địa phương.
Thứ hai, Trên cơ sở mục tiêu trên, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững cần đảm bảo đồng thời các nhân tố sau: (1) Thể chế Xanh và bền vững; (2) Cơ sở Hạ tầng Xanh và bền vững; (3) Nguồn nhân lực Xanh và bền vững; (4) Nguồn lưc tài chính Xanh và bền vững; (5) Nguồn lưc công nghệ Xanh và bền vững.
Hội thảo diễn ra với 7 báo cáo trình bày (trong đó có 3 bài của chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và một số ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý thực tiễn. Các ý kiến đã góp phần làm rõ hơn những vấn đề chung và cơ bản, thực tiễn, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
PV