Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • bkt - chu tich
  • 4.1 top logo - tin tuc hoi nghi hoi thao

Đối thoại VASS-ICWA lần thứ V: Việt Nam và Ấn Độ trong trật tự thế giới mới

28/09/2024

Ngày 26/9/2024, tại trụ sở số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) phối hợp với Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA) trong khuôn khổ hợp tác song phương tổ chức Đối thoại cấp cao lần thứ V với chủ đề “Việt Nam và Ấn Độ trong trật tự thế giới mới”. Đây là sự kiện trao đổi khoa học thường niên giữa VASS và ICWA được tổ chức từ năm 2017 nhằm tăng cường hiểu biết và chia sẻ quan điểm giữa học giả hai bên về các vấn đề thế giới, khu vực, các vấn đề phát triển của mỗi nước và hợp tác hai nước vì hòa bình, ổn định và phồn vinh chung.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Đối thoại

Tham dự Đối thoại lần thứ V, về phía Đại biểu Ấn Độ vinh dự được đón tiếp Ông Sandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Ông Soumen Bagchi, Đại sứ, Quyền Giám đốc ICWA; GS.TS. Prabir De, Trung tâm Ấn Độ- ASEAN, Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS), New Delhi; TS. Rahul Mishra, Đại học Jawaharla Nehru (JNU); TS. Sripathi Narayanan, Nghiên cứu viên ICWA; TS. Temjenmeren Ao, Trung tâm Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MPIDSA).

Về phía khách mời Việt Nam có ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Về phía VASS có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi; PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cùng đại diện Lãnh đạo và nhà nghiên cứu đến từ các Viện nghiên cứu khối quốc tế thuộc VASS.

Đối thoại chiến lược VASS-ICWA được khởi động từ năm 2017, là kết quả của Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Hội đồng các Vấn đề Thế giới Ấn Độ, được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi tháng 9 năm 2016. Trên cơ sở Thỏa thuận này và với mong muốn góp phần không ngừng bồi đắp và phát triển quan hệ hai nước, hai cơ quan VASS và ICWA cho đến nay đã tổ chức thành công 4 kỳ đối thoại vào những năm 2017, 2019, 2022, 2023, mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác Quốc tế phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại Đối thoại lần thứ V, ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế nhiệt liệt chào mừng các đại biểu và học giả và cho rằng việc thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, quan điểm, ý tưởng, sáng kiến giữa các đối tác bạn bè để chủ động thích ứng và hành động tập thể vì lợi ích chung trước biến động liên tục của tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước Việt Nam và Ấn Độ là hết sức cần thiết. Trong khoảng hơn thập kỷ qua, trật tự thế giới vẫn chưa định hình rõ rệt, tương quan sức mạnh giữa các nước liên tục biến động, cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các chủ thể trên quy mô toàn cầu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Sự biến đổi nhanh chóng của thế giới khiến cho việc đoán định tương lai ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, như lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, đã nói, “Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm ở hiện tại”. Do đó, Đối thoại chiến lược VASS-ICWA lần thứ 5 với chủ đề “Ấn Độ và Việt Nam trong trật tự thế giới mới” mang ý nghĩa thời sự, giúp chúng ta phần nào định vị Ấn Độ và Việt Nam đang ở đâu trong trật tự thế giới mới đang hình thành. Qua đó cùng nhau bàn thảo về những cách thức chúng ta có thể làm để góp phần định hình thế giới tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Hà hi vọng Đối thoại giữa VASS- ICWA lần thứ V sẽ giúp đánh giá thực trạng hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, phát hiện những tiềm năng, lợi thế và cơ hội mới trong môi trường của hai nước; đề ra được những sáng kiến và giải pháp mới để chúng ta có những báo cáo tư vấn sát thực hơn cho Chính phủ hai nước trong phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới. Tiếp nối những thành công của các Đối thoại trước, Đối thoại lần này sẽ thúc đẩy hợp tác học thuật chặt chẽ hơn giữa VASS- ICWA góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được những kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước, vì tương lai tương sáng của hai quốc gia, dân tộc.

Ông Soumen Bagchi, Q. Giám đốc ICWA phát biểu tại Đối thoại

Phát biểu tại Đối thoại, ông Soumen Bagchi, Quyền Giám đốc ICWA trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu nhiệt thành từ phía VASS và đánh giá cao những học học giả, các nhà nghiên cứu từ phía Việt Nam. Q.Giám Đốc ICWA cho rằng, trước bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay thì sự hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam là những điểm sáng mà các nước láng giềng luôn hướng tới. Do đó, qua Đối thoại này mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực.

Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại Đối thoại

Tiếp lời Ông Soumen Bagchi, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ông Sandeep Arya cho biết sự hợp tác giữa ICWA với Việt Nam bắt nguồn từ hội nghị Asian Relations Coference vào năm 1947, trong đó thông điệp của Chủ tịch Hố Chí Minh đã được đọc trước hội nghị. Và tiếp nối truyền thống đó, vào ngày 1/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có bài phát biểu tại ICWA trong đó nêu ra những quan điểm sâu sắc về mối quan hệ song phương. Hiện nay, hợp tác giữa hai nước đã bước vào giai đoạn mới.

Cả hai bên đều đồng ý rằng hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng vì thế trong một năm qua đã có rất nhiều nỗ lực của cả hai phái trong nâng cao hợp tác về kinh tế. Để đạt được mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỉ đô và đầu tư từ Ấn Độ vào VN là 2 tỉ đô, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều. Cần có sự tham gia của các tập đoàn lớn của cả hai bên và sự hỗ trợ của công nghệ cũng như nỗ lực lớn hơn từ chính phủ. Cả Ấn Độ và VN đều đạt mức trăng trưởng 7%, hơn gấp đôi mức trung bình của TG là khoảng 3%. Chính vì lẽ đó, chúng ta có nhiều tiềm năng hợp tác với nhau nhanh hơn, hiệu quả hơn phần còn lại của thế giới. Cả VN và Ấn Độ đều đang đặt ra những dấu mốc quan trọng cần đạt được năm 2045 và 2047. Điều cần làm là tìm hiểu, đánh giá kỹ những đường hướng phát triển của cả hai trong 20 năm nữa để từ đó đưa ra kế hoạch hợp tác hiệu quả.

 Qua Đối thoại lần thứ V này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam hy vọng đây là dịp để các học giả Việt Nam tìm hiểu nhiều hơn về những gì đang diễn ra ở Ấn Độ và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam trong thời gian 5-10 năm tới, đồng thời các học giả Ấn Độ cũng cần tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam bởi vị thế ngày càng lớn của quốc gia này tại khu vực và trên thế giới. Việc hiểu biết sâu sắc hơn sẽ giúp tạo ra cơ hội hợp tác hiệu quả. Sau buổi Đối thoại, Ông hy vọng phía Ấn Độ sẽ nhận được những nội dung quan trọng để từ đó có thêm thông tin cho việc xây dựng kế hoạch nhằm đóng góp vào sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Đối thoại chụp ảnh lưu niệm

Đối thoại lần thứ V chia làm 04 phiên thảo luận với 8 báo cáo được trình bày từ các học giả đến từ Việt Nam và Ấn Độ (Ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; TS. Rahul Mishra, JNU; TS. Phạm Anh Tuấn, VASS; TS. Temjenmeren Ao, MPIDSA; TS. Phan Cao Nhật Anh, VAS; GS.TS. Prabir De, RIS, TS. Lê Thị Hằng Nga, VASS và TS. Sripathi Narayanan, ICWA)

Phiên 1 “Ấn Độ trong trật tự thế giới mới và cơ hội thúc đẩy hợp tác Ấn Độ - Việt Nam” qua đó thấy được cả hai quốc gia cùng nhìn nhận về vai trò của Ấn Độ trong trật tự thế giới mới và những cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Các bài tham luận của nguyên Đại sứ Tôn Sinh Thành và TS. Rahul Mishra đã chỉ rõ những thách thức do tác động của đại dịch Covid 19, của tình trạng bất  ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị. Các bình luận cũng đã góp phần làm rõ thêm các yếu tố này, và ở đây cũng có những cách thức để Việt Nam và Ấn Độ cùng phát triển và hợp tác trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Trong phiên 2 các chuyên gia đã thảo luận về vị trí của Việt Nam trong trật tư thế giới mới và những cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài những tham luận của TS Phạm Anh Tuấn và TS. Temjenmere Ao và các bình luận của các nhà khoa học đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của Việt Nam đồng thời nên rõ các lĩnh vực mà Việt nam có thể cùng Ấn Độ thúc đẩy sự hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực chiến lược quan trọng khác.

Quang cảnh Đối thoại lần thứ V giữa VASS và ICWA

Phiên 3 với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, thương mại và đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, qua phần trình bày của các học giả và những bình luận đã mở ra những ý kiến về triển vọng về quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

 

Các diễn giả trình bày báo cáo

Ở phiên 4 “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực du lịch, giáo dục, giao lưu văn hóa và nhân dân”, các tham luận và các bình đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn về tiềm năng về giao lưu nhân dân trong củng cố mối quan hệ giữa Việt nam và Ấn Độ. Đề cập đến vấn đề tang cường hợp tác giáo dục giữa hai nước, TS. Lê Thị Hằng Nga cho rằng hợp tác giáo dục Việt Nam - Ấn Độ được thúc đẩy từ sớm nhưng chưa khai thác tối ưu tiềm năng, do đó cần tăng cường hợp tác giáo dục theo hướng trao học bổng cho sinh viên đến học tập ở đất nước của nhau và mở các trường liên kết.

Phát biểu trong phiên Bế mạc, Ông Soumen Bagchi, Đại sứ, Quyền Giám đốc ICWA khẳng định, các phiên làm việc tại Đối thoại lần thứ V đã được các đại biểu hai bên đã trao đổi thẳng thắn và rất tích cực với nhiều thông tin ý nghĩa. Trong đó, Đối thoại đã đề cập tới tất cả các vấn đề phát triển từ quá khứ đến hiện tại dưới góc độ cơ chế hợp tác, cách thức thiết lập mối quan hệ ở các lĩnh vực thương mại đầu tư, an ninh và quốc phòng, văn hóa, giáo dục và du lịch…đây là cơ sở để 2 nước thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa bên, góp phần đưa hai nước nâng cao vị thế của mình trong khu vực và thế giới.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định, Đối thoại lần thứ V được tổ chức tại Viện Hàn lâm đã thành công tốt đẹp. Việc phát triển một hành lang hợp tác nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học của Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng vững chắc để tăng cường các quan hệ song phương trong ở các lĩnh vực khác nhau và xây dựng một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn; đồng thời hy vọng các đối thoại chiến lược giữa VASS và ICWA trong những năm tới sẽ không chỉ dừng ở việc trao đổi học thuật mà còn có thể mở rộng ra các sáng kiến hợp tác mang sáng kiến thực tiễn hơn nữa. Chẳng hạn như các dự án nghiên cứu chung, các chương trình trao đổi học giả, các hội thảo chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế, thương mại đầu tư, an ninh quốc phòng, cũng như văn hóa giáo dục. Đây sẽ là những cầu nối quan trọng để chúng ta có thể khai thác tối ưu các tiềm năng của mỗi bên và đóng góp vào sự thịnh vượng của hai quốc gia cũng như sự phát triển của khu vực.

Sau khi kết thúc Đối thoại, Đoàn đại biểu cấp cao ICWA do ông Soumen Bagchi, Q.Giám đốc ICWA làm trưởng đoàn đã có buổi chào xã giao với PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và lãnh đạo một số đơn vị khối quốc tế của VASS. Tại buổi tiếp, hai bên tập trung trao đổi một số định hướng hợp tác khoa học cũng như thảo luận về chủ đề dự kiến của Đối thoại lần thứ VI trong thời gian tới./.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp đoàn công tác của ICWA

Nguyễn Minh Hồng 

 

 

Các tin đã đưa ngày: