Phát biểu khai mạc, Phó Viện trưởng phụ trách IRSD, TS. Lê Văn Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh quốc phòng tại các khu vực biên giới đất liền, trong bối cảnh những thay đổi địa chính trị phức tạp và tác động của toàn cầu hóa. Tiến sỹ Hùng nhấn mạnh, việc đảm bảo an ninh vùng biên không chỉ là nhiệm vụ quốc gia mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho các tỉnh biên giới.
Trong phát biểu đề dẫn, TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng IRSD, Chủ nhiệm đề tài đã nhấn mạnh: Biên giới đất liền luôn là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm đặc biệt do nó gắn chặt với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc. Bất chấp xu thế chung là hòa bình và phát triển, nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang diễn ra những mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí xung đột vũ trang liên quan đến biên giới đất liền. Do vậy, việc tăng cường quản lý biên giới, kiểm soát bất đồng và giải quyết các tranh chấp được các tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm, thúc đẩy tạo môi trường hòa bình cho phát triển. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các hoạt động ngoại giao đa dạng, cả đa phương và song phương, đặc biệt là coi trọng mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng, hướng đến vừa đạt được sự phát triển nhanh và bền vững, vừa đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia.
Hội thảo chia thành 2 phiên. Phiên 1: “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý biên giới đất liền”, gồm các bài trình bày: (1) “Một số kế hoạch, chính sách của Thái Lan về quản lý an ninh biên giới quốc gia: Trường hợp khu vực biên giới phía Nam”. TS. Nguyễn Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; (2) “Vấn đề người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú và tìm việc làm bất hợp pháp tại Trung Quốc”. TS. Nguyễn Diệu Hương- Học viện KHXH và TS. Hà Thị Hồng Vân, Viện Kinh tế Việt Nam; (3) “Quản lý biên giới đất liền – Kinh nghiệm Ba Lan và bài học cho Việt Nam”. Ths. Bùi Việt Cường và Ths. Trần Thị Thu Huyền, IRSD. Phiên 2: “Xung đột và giải quyết xung đột biên giới đất liền: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, gồm các bài trình bày: (1) “Xung đột biên giới đất liền giữa Ấn Độ và Trung Quốc: Bài học cho Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao Việt Nam; (2) “Các điểm nóng xung đột và giải quyết xung đột ở vùng biên giới đất liền ở các nước trên thế giới – kinh nghiệm của các nước và bài học rút ra cho Việt Nam”. TS. Nguyễn Thị Huyền, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ về chính sách và kế hoạch quản lý an ninh biên giới của Thái Lan, đặc biệt là trường hợp khu vực biên giới phía Nam, TS. Nguyễn Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết những thách thức mà Thái Lan gặp phải trong việc kiểm soát biên giới và các biện pháp mà nước này đã thực hiện nhằm đảm bảo an ninh, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế vùng biên.
Tại Hội thảo, đại biểu Bùi Việt Cường và Trần Thị Thu Huyền, IRSD, đã trình bày tham luận về chủ đề “Quản lý biên giới đất liền: Kinh nghiệm Ba Lan và bài học cho Việt Nam”. Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ Ba Lan, một quốc gia có vị trí chiến lược ở châu Âu và là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng như khối Schengen.
Theo các diễn giả, Ba Lan chính thức gia nhập khối Schengen vào năm 2007, điều này dẫn đến việc dỡ bỏ các rào cản đường biên giới với các quốc gia EU, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do trong khu vực. Tuy nhiên, để kiểm soát biên giới với các quốc gia ngoài EU, Ba Lan đã áp dụng các quy định đồng bộ, bao gồm việc thực hiện visa Schengen và tăng cường hợp tác đa phương với các quốc gia trong khối. Đặc biệt, hợp tác tư pháp trong chống tội phạm và trao đổi thông tin đã giúp Ba Lan duy trì an ninh biên giới hiệu quả hơn.
Một trong những thách thức lớn của Ba Lan sau khi gia nhập EU là dòng người nhập cư tăng mạnh, chủ yếu vì lý do kinh tế. Việc quản lý dòng người nhập cư trở thành một ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng tị nạn lên tới đỉnh điểm vào năm 2015, chính quyền Ba Lan đã thực hiện các biện pháp chủ động để đối phó với tình hình, đó là: Bảo vệ an ninh nội địa và quản lý dòng nhập cư nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và tội phạm xuyên biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho những người không đáp ứng đủ các quy định liên quan; tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản, đặc biệt là phẩm giá con người, và tạo điều kiện tiếp cận bảo vệ quốc tế cho những người có nhu cầu.
Từ những kinh nghiệm của Ba Lan, các diễn giả đã rút ra những bài học quan trọng cho Việt Nam trong công tác quản lý biên giới đất liền. Các diễn giả cho rằng, việc đặt ra các ưu tiên trong từng giai đoạn có vai trò quyết định trong việc quản lý biên giới một cách hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để giải quyết các vấn đề an ninh và di cư xuyên biên giới; xây dựng cơ chế Quản lý Biên giới Tích hợp có thể là một giải pháp hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa việc quản lý đa lĩnh vực ở biên giới và tôn trọng các quyền con người. Từ những đề xuất và kinh nghiệm trên sẽ đóng góp tích cực cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách và chiến lược phát triển, bảo vệ an ninh vùng biên giới trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả tập trung thảo luận về các mô hình quản lý biên giới hiệu quả của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, và Myanmar. Những kinh nghiệm từ các quốc gia này đã chỉ ra rằng, việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng là yếu tố then chốt trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của vùng biên giới. Các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời vận dụng linh hoạt vào thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng ở khu vực biên giới đất liền, nhằm góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Đồng thời làm rõ những kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc quản lý biên giới đất liền, phân tích một số điểm nóng về an ninh liên quan đến biên giới đất liền và rút ra một số bài học cho Việt Nam. Các trao đổi, thảo luận cho thấy một số vấn đề nổi bật: Thứ nhất, vấn đề quản lý biên giới trên đất liền đòi hỏi sự góp sức, phối hợp của các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới nhằm giải quyết các thách thức chung cũng như tạo không khí hữu nghị, hòa bình, thịnh vượng ở các đường biên giới chung; Thứ hai, các quốc gia cần quan tâm đến sự phát triển cân bằng, thu hẹp khoảng cách phát triển ở các vùng biên giới, nơi chủ yếu là các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số. Sự phát triển thịnh vượng ở vùng biên giới sẽ giúp giữ dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước láng giềng, từ đó góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; Thứ ba, các quốc gia cần tăng cường sự tự chủ, nâng cao sức mạnh kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng chủ động với mọi tình huống xảy ra.
Phát biểu tổng kết, PGS.TS. Nguyễn An Hà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, Hội thảo “Kinh nghiệm của các nước về đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam” là rất quan trọng, các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích và thiết thực. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu, chắt lọc, để đưa vào báo cáo nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.
PV.