Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Ming Tan, Giám đốc Điều hành, Viện Công nghệ vì Cộng đồng, Singapore; Ông Keith Detros, Trưởng phụ trách Chương trình, TFGI; Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ Xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại, Grab Việt Nam cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Về phía Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng có TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách; TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng và các cán bộ nghiên cứu của Viện.
Những năm gầy đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain, chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30%. Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu Việt Nam đạt tỉ trọng kinh tế số trong GDP là 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, sự phát triển của các công nghệ mới đã làm thay đổi nhanh và mạnh cách mà các doanh nghiệp vận hành từ sản xuất, tiêu thụ đến dịch vụ. Người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế số. Sự thuận lợi của thương mại điện tử, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và những nền tảng công nghệ giải trí đã làm cho cuộc sống của người tiêu dùng trở nên phong phú và thuận tiện hơn. Những hình thức làm việc từ xa, làm việc trên nền tảng số đã mở ra cơ hội cho người lao động và cả nhà tuyển dụng. Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, công nghệ cũng đã đặt ra những thách thức lớn như gia tăng khoảng cách số, rủi ro về bảo mật thông tin về quyền riêng tư … Do vậy, tất cả các bên liên quan đều phải thay đổi điều chỉnh phù hợp nhằm thúc đẩy và tham gia hiệu quả nhất vào nền kinh tế số, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Qua Hội thảo này, mong muốn các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ thẳng thắn những kiến thức, kinh nghiệm và các giải pháp giúp xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam một cách bao trùm và toàn diện.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Ming Tan, Giám đốc Điều hành TFGI cho biết, TFGI ra đời xuất phát từ việc chứng kiến sự phát triển của nền kinh tế số Đông Nam Á cũng như những tác động của kinh tế số đến xã hội; đồng thời khẳng định công nghệ không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp có ý nghĩa vào phát triển bền vững. Theo ước tính mới nhất của Google, Temasek và Bain vừa công bố đầu tháng 11/2024, tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16%, tương đương với khoảng 36 tỷ đô la Mỹ về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2024. Trong đó, lĩnh vực gọi xe công nghệ và giao đồ ăn ước tính tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào thị trường cạnh tranh và sự phát triển nhu cầu của lựa chọn xe điện. Theo Bà Ming Tan, tác động của lĩnh vực công nghệ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn ở văn hóa, xã hội và chính trị. Bởi vậy, xã hội có thể phải định hình quỹ đạo đổi mới công nghệ. Chính con người quyết định nguồn lực tài chính sẽ đi về đâu, cách quản lý và điều chỉnh công nghệ, và dịch vụ nào sẽ được sử dụng. Qua Hội thảo này, bà Ming Tan hy vọng sẽ đánh dấu mối quan hệ giữa hai cơ quan ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, mang lại hiệu quả cao không chỉ với IRSD mà còn với Viện Hàn lâm. Qua sự kiện này, bà Ming Tan mong muốn sẽ truyền cảm hứng cho các hoạt động nghiên cứu, hợp tác tiếp theo trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 2 báo cáo tham luận: “Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng” do Ông Keith Detros, Trưởng phụ trách Chương trình, TFGI trình bày. Báo cáo cho biết, công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á khi kinh tế số chiếm hơn 10% trong tổng cơ cấu GDP tại 4 quốc gia trên 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong đó nền kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 14,26% tổng GDP, cao nhất trong 6 quốc gia, tiếp đến là Malaysia với 14%.
Ông Keith cho biết, trong số các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số tham gia khảo sát ở Việt Nam thì có 54% doanh nghiệp mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, nhưng mức độ triển khai và mức độ thực sự hành động còn thấp; đồng thời báo cáo cũng chỉ ra những thử thách và rủi ro đi kèm trong phát triển kinh tế số. Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng. Hiện nay các doanh nghiệp kinh tế số đang đầu tư cho mục đích thương mại, trong đó có lĩnh vực AI, thế nhưng AI không chỉ phục vụ cho khối doanh nghiệp thương mại mà còn cho dịch vụ công, chẳng hạn như có những trao đổi hiện nay liên quan đến AI. Bởi vậy chúng ta cần phải làm thế nào để hướng tới hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công của chính phủ cũng như công tác dịch vụ xã hội, hướng tới công nghệ vì xã hội và tạo lập một xã hội số tự tin.
Trong bài báo cáo “Lý luận và thực tiễn nền kinh tế Gig – Trường hợp xe công nghệ ở Việt Nam”, do TS. Phạm Thị Thu Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển Bền vững Vùng, IRSD trình bày. Báo cáo khẳng định, Kinh tế Gig là một mô hình kinh tế còn rất mới mẻ và vẫn đang thay đổi tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc kinh tế Gig xuất hiện và phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới cho thấy kinh tế Gig là một xu thể tất yếu, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Kinh tế Gig bao gồm rất nhiều loại công việc ở trình độ khác nhau, chẳng hạn lau dọn, các công việc giống hành chính văn phòng hay những việc làm online ngắn hạn, công việc lái xe và giao hàng; cho tới những công việc chuyên nghiệp và đòi hỏi trình độ cao và kỹ năng sáng tạo như hoạt động nghệ thuật, tư vấn, CNTT, lập trình…Trong đó, tại Việt Nam lái xe công nghệ là một trong những công việc phổ biến nhất được biết đến của kinh tế Gig.
TS. Phạm Thị Thu Phương cho rằng, có 3 yếu tố chính quyết định tham gia làm đối tác lái xe công nghệ của người lao động ở Việt Nam: thu nhập, chủ động/linh hoạt về thời gian và yếu tố về phát triển bền vững. Bên cạnh mặt lợi ích thì cũng có những rủi ro, hạn chế đối với lao động lái xe công nghệ được chỉ ra như: bệnh tật, tai nạn giao thông, thu nhập có xu hướng giảm, không có bảo hiểm xã hội, không được tham gia các tổ chức xã hội…Bởi vậy, trong quá trình khảo sát, các tài xế lái xe công nghệ đều mong muốn được tham gia đóng bảo hiểm xã hội và tham gia với thời gian linh hoạt, được tham gia các tổ chức xã hội và được đào tạo kiến thức pháp luật và văn hóa ứng xử cho lái xe… từ đó mang lại cảm giác yên tâm và sự phát biển bền vững, ổn định cho bản thân và gia đình.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi với góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu doanh nghiệp và những người làm chính sách, trong đó tập trung vào một số nội dung: (i) Có hay không mối quan hệ lao động từ các loại hình việc làm trong nền kinh tế Gig; (ii) Giải pháp phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới; (iii) Mức độ cạnh tranh về công việc giữa con người và máy móc (robot) và liệu một số lĩnh vực máy móc có hoàn toàn thay thế con người…
Kết thúc Hội thảo, TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách IRSD ghi nhận những đóng góp tích cực từ các đại biểu tham dự, qua đó gợi mở những hướng nghiên cứu tiếp theo về nền kinh tế Gig ở Việt Nam và tính hiệu quả của nó trong nền kinh tế số.
Nguyễn Minh Hồng