Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Đặng Xuân Thanh, Chủ nhiệm Chương trình, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của VASS cùng các thành viên trong nhóm thực hiện Đề tài thuộc Chương trình.
Về phía các đại biểu và học giả khách mời đến tham dự trực tiếp hội thảo có: Ông Wee Joonseok, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc; ông Tang Wai Loong, Tham tán Công sứ và bà Sarah Lim, Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Singapore; Bà Ruth O’Hagan, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Úc; GS. Ben Hillman, Đại học Quốc gia Úc; ông Timo Rinke, Trưởng đại diện Quỹ FES tại Việt Nam; GS.TS. Hoàng Khắc Nam, Trường Đại học KHXH &NV cùng các đại sứ, học giả, nhà nghiên cứu khác. Các học giả ham dự và phát biểu trực tuyến là TS. Susannah Patton, Viện Lowy, Úc; và GS. Sung Chull Kim, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhiệt liệt chào mừng các nhà nghiên cứu, chuyên gia và các học giả trong và người nước tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến; đồng thời cho biết, VASS đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm, trong đó có chương trình đặc biệt quan trọng và phù hợp với bối cảnh hiện tại – có tên “Nghiên cứu Cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới”. do TS. Đặng Xuân Thanh làm chủ nhiệm, nhằm phân tích cục diện toàn cầu đang thay đổi và đưa ra các phản ứng chiến lược mà Việt Nam cần áp dụng trong những năm tới.
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng việc ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2025-2029 chắc chắn sẽ đem đến những thay đổi lớn trên toàn cầu. Những biến động này sẽ tạo ra cả thử thách lẫn cơ hội, và chúng ta phải chuẩn bị tốt để vượt qua những thời khắc khó khăn này thông qua các nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc và khả năng dự báo chính sách sắc bén. Qua buổi Hội thảo này, với sự tham gia của các học giả và chuyên gia uy tín, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn khẳng định, đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những động lực thay đổi trong tương lai, và từ đó xây dựng hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới đang đến. Chính qua sự trao đổi, chia sẻ kiến thức và ý tưởng, chúng ta sẽ phần nào làm sáng tỏ con đường đi tới tương lai cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế; đồng thời hy vọng buổi hội thảo này sẽ là một sự kiện thành công và đầy ý nghĩa, mang lại những cuộc thảo luận sâu sắc, những cái nhìn thấu đáo và cuối cùng là những đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng chính sách của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Chủ nhiệm Chương trình, chủ trì Hội thảo cho biết thế giới chúng ta đang sống và trải qua thời kỳ biến động đầy khắc nghiệt; trật tự đơn cực hình thành sau chiến tranh lạnh dường như đang đi đến hồi kết thúc, nhưng một trật tự mới chưa hình thành. Tình trạng rối loạn đang lan rộng trên toàn cầu và những gì vốn quen thuộc với tất cả mọi người trong suốt 3 thập kỳ vừa qua đang dần biến mất. Hệ thống quản trị toàn cầu với các luật lê, quy tắc, các tổ chức quốc tế đang suy yếu và hệ quả là các cuộc khủng hoảng liên tiêp xảy ra, đó là: cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009; khủng hoảng khí hậu ngày càng ác liệt; khủng hoảng dịch bệnh Covid 19 và hiện nay là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, giữa Israel và các tổ chức Hamas, Herzbolla, Houthi …Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương hay rộng hơn là Ấn Độ Dương Thái Bình Dương thì kiến trúc an ninh khu vực đang suy yếu. Vấn đề quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề biển Đông đã trở thành những điểm nóng của khu vực và thế giới.
Qua Hội thảo này, TS. Đặng Xuân Thanh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn và làm rõ một số nội dung: (i) Xu thế phát triển của các vấn đề hợp tác và xung đột quốc tế đến năm 2030; (ii) Biến động của cán cân quyền lực thế giới đến năm 2030; (iii) Biến động của quan hệ giữa các cường quốc đế năm 2030; (iv) Cục diện biển Đông đến năm 2030; (v) Quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn đến năm 2030; (vi) Định hướng cho chiến lược đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 10 bài tham luận, được chia làm 3 phiên:
Phiên thứ nhất trao đổi một số vấn đề mang tính khu vực với 3 bài tham luận: (1) “Chỉ số quyền lực Châu Á và thế lưỡng cực Mỹ - Trung Quốc”; (2) “Cạnh tranh vai trò dẫn dắt Mỹ - Trung Quốc và hội nhập kinh tế khu vực ở Châu Á – Thái Bình Dương”; (3) “Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa và một số hàm ý”.
Phiên thứ hai trao đổi về các các vấn đề mang tính toàn cầu với 3 bài tham luận: (1) “Điều hướng biến động: Cách tiếp cận hệ thống phức hợp đối với những bất ổn”; (2) Triển vọng của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tác động đối vối an ninh quốc tế”; (3) “Hệ thống quản trị toàn cầu thời kỳ Trump 2.0,”.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
Các học giả nước ngoài báo cáo, thảo luận trực tuyến tại Hội thảo
Tại phiên thứ ba, các học giả, đồng thời là các chủ nhiệm của các đề tài nhánh thuộc Chương trình đã báo cáo kết quả nghiên cứu về các chủ đề: (1) Cục diện Châu Á đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21; (2) “Định vị Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các cường quốc đến năm 2030”; (3) “Chiến lược và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới”; (4) “Chiến lược và chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Trên cơ sở các tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và có những bình luận thẳng thắn tập trung vào các nội dung: Những cơ hội và thách thức của các quốc gia trong đó có khu vực Đông Bắc Á,trước sự trở lại của nhiệm kỳ Trump 2.0 với nguy cơ chính quyền Trump 2.0 rút khỏi IPEF (Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) và CPTPP (Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới); Liên minh Mỹ - Nhật Bản – Hàn Quốc liệu có ngày càng được củng cố chắc chắn trước sự biến động hỗn loạn toàn cầu; Không gian nào cho Trung Quốc là đủ và các quốc gia sẵn sàng dành bao nhiêu không gian cho Trung Quốc; Ảnh hướng của các quốc gia trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ với chính sách “Nước Mỹ trên hết”; Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ suy giảm ở châu Á – Thái Bình Dương tác động thế nào với các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam… Ngoài ra, chủ nhiệm các đề tài nhánh cũng chia sẻ và thảo luận một số kết quả nghiên cứu cùng tiến độ triển khai đề tài.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh gửi lời cảm ơn sâu sắc các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận, bình luận và chia sẻ thẳng thắn. Những ý kiến này gợi mở cho các chuyên gia, nhà khoa học những thông tin, luận điểm hữu ích và đặc biệt là cập nhật tình hình biến động của thế thế giới trong bối cảnh mới, tạo tiền đề để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, Chủ nhiệm Chương trình cũng nhấn mạnh về việc tăng cường trao đổi học thuật giữa các đề tài để kết quả nghiên cứu được lan tỏa và mang lại những kết quả tốt nhất cho các đề tài nói riêng cũng như Chương trình nói chung/.
Nguyễn Minh Hồng