Nội dung:
Dưới đây là toàn văn Bài phát biểu của Bà Katherine Muller-Marin, Đại diện UNESCO tại Việt Nam tại Hội thảo quốc tế: “Khoa học xã hội và UNESCO với sứ mệnh phát triển bền vững”.
Tôi rất vui mừng được mời tham dự sự kiện quan trọng này. Đây là thời điểm quan trọng bởi UNESCO Việt Nam hiện đang chuẩn bị Tài liệu Chương trình Quốc gia trong đó phác thảo chiến lược và các chương trình của chúng tôi trong năm năm tới.
Tài liệu chương trình này nêu rõ các hoạt động trong năm lĩnh vực hợp tác cụ thể đang được hoạch định trong một nỗ lực chung giữa UNESCO và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Trước khi tôi đến đất nước các bạn, UNESCO tại Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Văn hóa và một phần trong lĩnh vực Giáo dục. Hiện tại, các hoạt động thuộc hai lĩnh vực này đang được triển khai rất mạnh mẽ và có một số chương trình quan trọng đang trong quá trình thực hiện.
Trong năm qua, tôi đã nỗ lực khởi động lĩnh vực Khoa học tự nhiên, lĩnh vực Truyền thông và Thông tin cũng như Chương trình HIV/AIDS.
Tôi vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong nỗ lực khởi động lĩnh Khoa học xã hội và Nhân văn, và có một điểm chắc chắn là tôi chỉ có thể làm điều này thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Vì vậy, tôi xin chúc mừng các bạn vì đã tạo ra cơ hội này để thu nhận những thông tin có giá trị và tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan. Tôi rất vui mừng nhận thấy gia đình UNESCO của chúng ta đang cùng nhau làm việc một cách hiệu quả.
Lĩnh vực Khoa học xã hội hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Đại hội Đảng lần thứ XI quyết định cam kết xây dựng một xã hội học tập trong tiến trình công nghiệp hoá ngày một mạnh mẽ của đất nước.
Có rất nhiều biến đổi xã hội cần thiết để đáp ứng những nhu cầu mới đang nổi lên của một đất nước Việt Nam với mức thu nhập trung bình đồng thời đáp ứng những thách thức nảy sinh do sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghiên cứu biến đổi xã hội đề cập đến những hình thức khác nhau mà áp lực toàn cầu hóa tác động đến cộng đồng địa phương và xã hội quốc gia kèm theo những kinh nghiệm lịch sử đa dạng, các mô hình kinh tế và xã hội, các tổ chức chính trị và văn hóa.
Nhiệm vụ của UNESCO trong lĩnh vực khoa học xã hội là "kiến thức, tiêu chuẩn và hợp tác trí tuệ tiên tiến nhằm tạo điều kiện biến đổi xã hội theo hướng thuận lợi cho các giá trị phổ quát về công lý, tự do và phẩm giá con người".
Hướng tới mục tiêu này, UNESCO đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa và tín ngưỡng liên quan như thế nào đến phát triển và làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ di sản trên quan điểm toàn cầu hóa.
Tôi cũng muốn đề cao vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương trước các tác động của thảm họa thiên nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chương trình và Ngân sách đề xuất của UNESCO cho giai đoạn 2012 - 2013, được gọi là 36C5 bởi sẽ được đưa ra thảo luận, xem xét trong cuộc họp lần thứ 36 của Đại Hội đồng UNESCO, trong số các vấn đề đưa ra thảo luận có một số hoạt động sau thuộc Chương trình Trọng điểm III về Khoa học xã hội và Nhân văn: phòng chống HIV /AIDS liên quan đến phân biệt đối xử, tiến hành phân tích các vấn đề liên quan đến giới của các hình thức biến đổi xã hội và thách thức đạo đức nhằm hỗ trợ thiết kế các chính sách mục tiêu phù hợp; vai trò của thanh niên như là đối tác trong phát triển cộng đồng và quốc gia, hòa bình và phi bạo động thông qua thúc đẩy một môi trường chính sách dựa trên quyền và trao quyền mục tiêu nhằm chuyển đổi thành công sang giai đoạn trưởng thành và tham gia xây dựng xã hội. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một số ví dụ.
Trong tài liệu này, có thể nêu thêm một ví dụ khác là "Nội dung chính của hành động 3" trong đó đề cập đến việc hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc ứng phó với biến đổi xã hội bằng cách xây dựng và tăng cường hệ thống nghiên cứu quốc gia đồng thời thúc đẩy các mạng lưới kiến thức khoa học xã hội và năng lực nghiên cứu.
Tài liệu Chương trình Quốc gia của chúng tôi cho giai đoạn 2012 và 2016 sẽ được xây dựng dựa trên bản ghi nhớ hợp tác, ký kết giữa Tổng Giám đốc UNESCO và Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, chúng tôi đặt mục tiêu triển khai những hành động sau:
1. Hỗ trợ việc hình thành và thúc đẩy Chương trình Quản lý Biến đổi xã hội (MOST) nhằm củng cố và tăng cường nghiên cứu khoa học xã hội và xây dựng chính sách dựa trên những căn cứ xác thực cũng như tăng cường hỗ trợ các mạng lưới mới nhằm xúc tiến giáo dục và các chương trình giáo dục trong lĩnh vực khoa học xã hội.
2. Xúc tiến các phương pháp tiếp cận thích hợp về văn hóa nhằm hỗ trợ cho việc bảo vệ những người di dân tự nguyện và không tự nguyện.
3. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở các trung tâm đô thị có truyền thống lịch sử lâu đời.
4. Phát triển các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia vào đời sống dân sự và chính trị.
5. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về đạo đức trong khoa học và công nghệ thông qua việc tham gia vào các Chương trình về đạo đức khoa học và công nghệ (EST) của UNESCO.
Nhân cơ hội này, tôi đề nghị Viện Khoa học xã hội Việt Nam cộng tác với chúng tôi trong việc soạn thảo một phần của tài liệu liên quan đến lĩnh vực này và giúp chúng tôi chuẩn bị đề xuất dự án nhằm tìm kiếm ngân sách bổ sung cho các hoạt động mà chúng ta có thể hợp tác triển khai.
Một lần nữa, cảm ơn các bạn vì đã cho tôi cơ hội tham dự sự kiện này. Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.