Trong giai đoạn trước năm 1990, hoạt động hợp tác khoa học của Viện Hàn lâm chủ yếu là với Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhiều cán bộ khoa học của Viện đã nhờ đó được trang bị kiến thức chuyên môn một cách cơ bản, có hệ thống, tiếp thu được các phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu của một nền khoa học tiên tiến ở thời điểm bấy giờ. Nhiều cán bộ của Viện Hàn lâm đã đạt học vị phó tiến sĩ, tiến sĩ khoa học tại các cơ sở đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu, nhiều công trình chung đã được xuất bản với các cơ quan khoa học quốc tế.
Sau năm 1990, việc tiếp cận với tài liệu khoa học và các nhà khoa học phương Tây cũng như các phương pháp nghiên cứu hiện đại về khoa học xã hội, thông qua các chương trình hợp tác, trao đổi, hội thảo khoa học, của Viện Hàn lâm bắt đầu được mở rộng; sự hiểu biết về các vấn đề mới như phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, phát triển bền vững... được nâng cao và nhờ đó, tri thức và phương pháp luận của đội ngũ các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã trở nên phong phú và đa dạng hơn, có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngay từ những năm đầu của quá trình Đổi mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ và quỹ tư nhân cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo cán bộ và tư vấn chính sách, như WB, UNDP, ADB, CIDA, SIDA, JICA, KOIKA, DANIDA, SDC, CNRS, FORD, IDRC, KAS, TOYOTA... Việc khai thác tài trợ và tổ chức xây dựng, thực hiện các dự án hợp tác quốc tế đã mang lại những kết quả thiết thực.
Thông qua các chương trình hợp tác về trao đổi thông tin và xuất bản phẩm, về tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế và các chuyến công tác của các cán bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng như của các nhà khoa học nước ngoài đến với Viện, Viện đã giới thiệu được những thành tựu khoa học xã hội, những vấn đề cơ bản và cấp bách của quá trình đổi mới ở Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tri thức mới, kinh nghiệm tốt góp phần vào việc giảI đáp những vấn đề nảy sinh trong công cuộc đổi mới của nước ta. Qua đó, góp phần vào việc mở rộng quan hệ quốc tế và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế lớn, hội tụ được những nhà khoa học và hoạt động chính trị nổi tiếng khắp năm châu, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, và chủ trương tăng cường hội nhập khoa học quốc tế, trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã triển khai đàm phán và ký kết mới cũng như đã gia hạn các thỏa thuận hợp tác khoa học với các đối tác như: Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Campuchia, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ, Viện Hàn lâm khoa học Hungary, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, Tổ chức đại học Pháp ngữ, Đại học Ruen, Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, Cơ quan trao đổi học thuật Đức, Hội đồng Khoa học xã hội Hàn Quốc, Viện Môi trường Hàn Quốc, Đại học Yonse Hàn Quốc, Viện Hàn lâm Sinica, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Úc, Đại học RMIT, Hội đồng Khoa học xã hội Ấn Độ, Hội đồng Quan hệ thế giới Ấn Độ, Hội đồng Khoa học xã hội Mỹ...
Phục vụ mục tiêu tổng quát của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế, các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm sẽ được nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn nữa, khẳng định vai trò là công cụ đắc lực thúc đẩy phát triển Viện Hàn lâm khoa học xã hội nói riêng và khoa học xã hội của cả nước nói chung.