Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • gs nguyen quang thuan va dai su
  • 6.2 tin tuc hop tac quoc te

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tăng cường hợp tác về khoa học xã hội với Pháp

05/06/2013

Ngày 3 tháng 6 năm 2013, tại Pari (Cộng hòa Pháp), đã diễn ra Cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội Châu Âu nghiên cứu thực địa Châu Á (ECAF) và Lễ ký kết Hiến chương thành lập “Nhóm lợi ích chung (GIP) - Hiệp hội Châu Âu nghiên cứu thực địa Châu Á” (ECAF) với sự tham dự của đại diện 28 tổ chức thành viên là các viện hàn lâm khoa học, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học thuộc Pháp và nhiều nước Châu Âu và Châu Á, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy về khoa học xã hội mà các bên cùng quan tâm, đặc biệt trên các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, tôn giáo... giữa các tổ chức thành viên của Hiệp hội.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (giữa), Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Giăng Mari Đăngdơ (Jean Marie Denzer), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn khắc và Văn học Viện Nghiên cứu Pháp; bà Hêlen Oalaxơ (Helen Wallace), Viện Hàn lâm khoa học Anh Ký kết Hiến chương GIP-ECAF

 

Đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tham dự Cuộc họp Đại hội đồng ECAF và Lễ ký kết Hiến chương do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm làm Trưởng đoàn.

Tham dự Cuộc họp Đại hội đồng ECAF và Lễ ký kết Hiến chương còn có ông Frăngxixơcút Vêrơlen (Franciscus Verellen),Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Pháp; ông Giăng Mari Đăngdơ (Jean Marie Denzer), Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn khắc và Văn học Viện Nghiên cứu Pháp (Président de l’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres - Institut de Frannce); bà Hêlen Oalaxơ (Helen Wallace), Giám đốc đối ngoại Viện Hàn lâm khoa học Anh cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học khoa học xã hội có tên tuổi của Pháp, một số nước và lãnh thổ thuộc Châu Âu và Châu Á khác như Anh, Đức, Italia, Balan, Estonia, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Hồng Kông…Đại diện lãnh đạo một số đại sứ quán, lãnh sự một số nước trong khu vực Châu Âu và Châu Á,  ông Đinh Toàn Thắng, Công sứ, Phó Đại sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng tham dự và chứng kiến Lễ ký kết.

Nhân dịp này, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và GS.TS. Dơni Pơlơchiê (Denis Pelletier), Hiệu trưởng Trường Cao học thực hành (École pratique des hautes études - EPHE) cũng ký văn bản Thỏa thuận Hợp tác giữa VASS và EPHE.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS.TS. Denis Pelletier, Hiệu trưởng Trường Cao học thực hành ký văn bản Thỏa thuận Hợp tác giữa VASS và EPHE

 

Theo bản Hiến chương GIP - ECAF, các bên về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận trong việc cung cấp cách tiếp cận về thực địa và khuôn khổ thể chế ở Châu Á vì lợi ích của các cán bộ chuyên môn và kỹ thuật, nghiên cứu sinh và sinh viên của các thành viên; phát triển những chương trình chung về nghiên cứu những môn học về nghiên cứu Châu Á được quản lý bởi các thành viên; tối ưu hóa việc sử dụng các trung tâm nghiên cứu hiện có bằng cách thiết lập mạng lưới, chia sẻ tài liệu học tập và chi phí và tài liệu khác; thúc đẩy đối thoại và hợp tác Âu - Á giữa các cộng đồng nghiên cứu của hai khu vực…

Theo Thỏa thuận hợp tác khoa học giữa VASS và trường EPHE, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác các nghiên cứu và giảng dạy trên nguyên tắc bình đẳng song phương và cùng có lợi trên các lĩnh vực nghiên văn hóa, Hán Nôm, khảo cổ... Hai bên nhất trí sẽ phát triển một chương trình hợp tác chung với các nội dung: trao đổi các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, các ấn phẩm khoa học, tổ chức Hội thảo và các dự án nghiên cứu. Giai đoạn đầu sẽ tập trung ưu tiên: nghiên cứu tôn giáo, tập trung khai thác mở rộng về nghiên cứu chữ khắc cổ và xuất bản ấn phẩm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu các tương tác giữa môi trường và xã hội và các hiệu ứng của sự chuyển hóa của chúng thông qua nghiên cứu các câu hỏi về thủy lực học (vùng châu thổ sông Mê Kông) và tâm lý học (tâm lý học tập tính và của sự phát triển). Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ ký kết thêm một thỏa thuận chung cho những chuyên ngành mới có kết quả tốt trong tất cả các hình thức hợp tác khoa học.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp về mục đích chuyến đi thăm làm việc và ý nghĩa các tài liệu đã ký kết, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho biết, việc tham gia Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của ECAF, và đặc biệt là ký kết Hiến chương thành lập Nhóm lợi ích chung (GIP) – ECAF là văn bản rất quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hợp tác nghiên cứu thực địa về Châu Á của hiệp hội ECAF.

Đại biểu các đoàn Âu - Á tham dự Cuộc họp Đại hội đồng ECAF và Lễ ký kết Hiến chương GIP - ECAF chụp ảnh lưu niệm

 

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ECAF trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và truyền thống với Viện Viễn Đông bác cổ (Ecole française d’Extrême-Orient – EFEO), là nòng cốt - điều phối viên của tổ chức này đồng thời có nhiều ảnh hưởng quan trọng đối với các sử gia Việt Nam thế kỷ 20. Việt Nam có “vai trò quan trọng và là thành viên tích cực” trong việc thực hiện các dự án và triển khai các hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam cũng như ở các nước Châu Á khác, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu lịch sử, đào tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, các vấn đề xã hội khác mà các bên cùng quan tâm.

 

Lê Hà – Lưu Ánh Tuyết

Các tin đã đưa ngày: