Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • gs nguyen quang thuan va dai su
  • 6.2 tin tuc hop tac quoc te

Hội thảo kỷ nguyên đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng cường hiểu biết chung về chính sách văn hóa

05/07/2023

Ngày 4/7/2023 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Hội đồng nghiên cứu quốc gia về Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn Hàn Quốc (NRC) tổ chức Hội thảo về chủ đề: Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng cường hiểu biết chung về chính sách văn hóa. Hội thảo diễn ra trên cả hai hình thức: Trực tiếp tại thủ đô Seoul Hàn Quốc và trực tuyến Webinar thông qua nền tảng Zoom.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch VASS phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch VASS nêu rõ: Trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và có hiệu quả, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực gồm chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, trên các tầm quan hệ song phương và đa phương. Cho đến nay, quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ “song trùng lợi ích” (overlapping) sang một mức cao hơn, đó là “lợi ích đan xen” (interwining); cộng với việc các khuôn khổ, thể chế hợp tác song phương, đa phương liên tục được củng cố, lòng tin ngày càng sâu sắc, quan hệ nhân dân ngày càng sâu đậm, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong giao lưu học thuật, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn vì vậy Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để hai bên có cơ hội tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau trong nghiên cứu cũng như có cơ hội gợi mở thêm nhiều hướng hợp tác mới, góp phần làm bền chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Giáo sư Kim Seong Beom (NRC) phát biểu tham luận tại Hội thảo

Theo đó, với những tham luận bàn luận sâu vào các vấn đề như: Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa biển Việt Nam – Hàn Quốc; Văn hóa cư dân biển đảo Việt Nam – Hàn Quốc: Góc nhìn từ thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân đảo Lý Sơn, Ảnh hưởng của Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp thanh niên Việt Nam; Sự hình thành và phát triển của làn sóng Hàn Quốc (Hallyu); Phương hướng hợp tác ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc; Giáo dục lịch sử Đông Á tại Hàn Quốc; Trao đổi văn hóa  Việt Nam – Hàn Quốc nhìn từ góc độ lịch sử… các nhà khoa học hai bên đã có cơ  hội được hiểu biết sâu hơn về nhiều mảng màu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc theo chiều dài lịch đại cả trong quá khứ và hiện tại, những tiếp biến về văn hóa, sự tác động và ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa đương đại, ảnh hưởng của CMCN.4.0 đến đời sống, tư tưởng, quan điểm và thực hành văn hóa cũng được các đại biểu thảo luận sâu nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong sự tương tác và giao lưu văn hóa.

TS. Phí Vĩnh Tường (VASS) phát biểu tham luận tại Hội thảo

Đánh giá về tiềm năng hợp tác, các đại biểu đều cho rằng: Mối quan hệ, giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng sôi động, là cơ sở để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và địa phương. Theo tài liệu thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 230.000 người gồm lao động, người kết hôn di trú, thực tập sinh và nghiên cứu sinh, người thăm thân. Cộng đồng người Hàn Quốc cũng có tới 200.000 người làm ăn và sinh sống ở Việt Nam. Hơn 60 tỉnh thành địa phương của Việt Nam đã ký 76 văn bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương tương ứng của Hàn Quốc.

Những dữ liệu trên đã góp phần khẳng định, trạng thái đan xen lợi ích giữa hai nước về mặt văn hóa - kinh tế - xã hội  đã trở nên ngày càng sâu sắc ở cả cấp độ nhà nước, doanh nghiệp, và con người. Sự hợp tác thành công giữa hai nước giai đoạn hiện tại đã đem lại một vị thế mới cho cả hai nước trên diễn đàn khu vực và thế giới, giúp củng cố vị thế của từng nước trong tổng thể quan hệ đối ngoại của mình cũng như trong nhóm các nước tầm trung đang chung tay duy trì sức sống của chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế đương đại. 

Toàn cảnh Hội thảo tại Hàn Quốc 

Bên cạnh đó, tiềm năng hợp tác song phương, toàn diện và việc nhận thức đầy đủ về các chính sách văn hóa sẽ góp phần hỗ trợ rất lớn trong việc hai bên tiếp tục khai thác, tìm kiếm thêm các cơ hội trao đổi trực tiếp thông qua các diễn đàn học thuật, hợp tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo…bổ sung giá trị nền tảng và bền vững cho nền kinh tế từ góc độ nguồn nhân lực/lao động, chuỗi giá trị/chuỗi cung ứng cũng như việc chuyển giao công nghệ, cân bằng thương mại, hướng tới phát triển bền vững chung của cả hai quốc gia.

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày: