Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • gs nguyen quang thuan va dai su
  • 6.2 tin tuc hop tac quoc te

Hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái Halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam”

06/07/2024

Hệ sinh thái Halal đầy đủ (gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và hỗ trợ của Nhà nước) là một quy trình khá phức tạp. Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được với thị trường tiêu dùng người Hồi giáo rộng lớn với dân số hơn 2 tỷ dân là một bài toán khó, nhất là với Halal, hệ sinh thái còn khá mới mẻ tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 5/7/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái Halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam”. Hội thảo được diễn ra nhân dịp Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi được tổ chức cùng ngày với sự có mặt của đông đảo khách quý và đại biểu đến từ các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, trường đại học và sứ quán các quốc gia trong khu vực Nam Á, Châu Á và Tây Phi.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, chủ đề nghiên cứu về Halal là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, nhằm triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, tiềm năng thị trường Halal rất rộng với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và quy mô dự báo sẽ đạt mức tối đa doanh số tiêu dùng khoảng 3 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, nhằm thực hiện thành công Đề án của Thủ tướng Chính phủ cũng như là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội đối với Việt Nam trong việc khai mở xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển ngành du lịch đối với du khách là người Hồi giáo, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và các quốc gia khác trên thế giới; đánh giá khả năng tiếp cận thị trường Halal trên bình diện toàn cầu bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizada, Đại sứ Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo

Thông qua các tham luận và trao đổi có liên quan đến Phát triển hệ sinh thái Halal ở Azerbaijan; Phát triển hệ sinh thái Halal ở một số quốc gia trong khu vực Nam Á, Tây Á và Châu Phi; Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia – một mắt xích quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái Halal tại Việt Nam; Kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái Halal ở Malaysia; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển hệ sinh thái Halal các nhà khoa học đã cố gắng làm rõ những hiểu biết chung nhất về thị trường này, cũng như những điểm nghẽn còn tồn tại đối với việc tiếp cận thị trường tiêu dùng Halal.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho biết: Láng giềng của Việt Nam là Thái Lan, đã được mệnh danh là "công xưởng gia công sản phẩm Halal". Tại quốc gia này, hệ sinh thái Halal đang phát triển rất nhanh chóng, nhất là trong ngành công nghiệp thực phẩm và du lịch. Tính đến tháng 4/2023, Thái Lan đã có 160.000 sản phẩm, 33.000 thương hiệu và 14.000 công ty được nhận chứng chỉ Halal.

PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phát biểu tham luận tại Hội thảo

Tại thị trường Australia, các sản phẩm Halal đạt mức tiêu thụ trung bình khoảng hơn 13 tỷ đô la Úc mỗi năm phục vụ cho hơn 500.000 người Hồi giáo trong nước và quốc tế. Với khẩu hiệu về tính toàn vẹn của Halal "Từ trang trại đến bàn ăn", Australia đang dẫn đầu thế giới về hệ sinh thái chế biến, sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt Halal (thịt bò và thịt cừu cung cấp cho hơn 100 quốc gia trên thế giới) do đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, khách du lịch Hồi giáo và phi Hồi giáo cũng ngày càng tăng khi lựa chọn Australia là điểm đến.

PGS.TS Đinh Công Hoàng đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành Halal khi có vị trí địa lý gần thị trường Halal, 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á. Nguyên liệu thuỷ sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều... là các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, 17 FTA "thế hệ mới", chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...), là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal thế giới.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có nhiều người Việt Nam kể cả doanh nghiệp có hiểu biết về Halal. Quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa với quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản...) và tuân theo các tiêu chuẩn Halal.

Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu vắng một hệ sinh thái Halal đầy đủ (gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và hỗ trợ của Nhà nước) để phát triển ngành Halal bền vững. Đây cũng chính là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam có thể triển khai thêm nhiều đề tài nghiên cứu có tính khả thi cao về lĩnh vực này tại Việt Nam. Qua đó có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam định hướng triển khai được các mô hình phát triển, tiếp cận thị trường tỷ dân này trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung phát biểu tổng kết Hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chỉ khoảng 20 sản phẩm Halal, chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal...

Việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp Halal cần được thiết kế dựa trên các nền tảng công nghệ cao như: Blockchain, thương mại điện tử, tự động hóa để quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối với khả năng truy xuất cao để sớm tiếp cận thị trường Halal toàn cầu.

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Với các chia sẻ về kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái Halal các chuyên gia và nhà khoa học đều đồng thuận cho rằng: Các doanh nghiệp muốn tiếp cận được thị trường Halal cần nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận Halal; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp; tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm Halal; nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal và chấp nhận/thừa nhận kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận nước ngoài... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các sự kiện quảng bá nhằm tăng cường sự hiểu biết chung về hệ sinh thái Halal để có được những bước chuẩn bị về nhận thức chung trước khi bắt tay vào triển khai các mô hình kinh tế hướng Halal trong tương lai./.

Thời Trân

 

Các tin đã đưa ngày: