Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Friedrich Naumann Stiftung für die Freiheit Vietnam (Viện FNF Việt Nam, Đức), sáng ngày 30/9/2024, tại Hội trường 606, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Thông tin) và Viện FNF Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về chủ đề “Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo diễn ra đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm và một số cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin chia sẻ: Người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đang làm việc tại các khu công nghiệp là một trong những đối tượng quan trọng nhất của các chính sách an sinh xã hội. Các chính sách này có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo các phúc lợi xã hội, trợ giúp kịp thời cho người lao động ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm trình bày các kết quả nghiên cứu về thực trạng an ninh công việc, vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua nghiên cứu trường hợp tại Cần Thơ và Kiên Giang, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu hướng tới việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp nói trên.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được lắng nghe các tham luận: Một số lý luận cơ bản về an ninh công việc, an sinh xã hội, vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc và khái quát về địa bàn nghiên cứu (Ths, Ngô Mai Diên, Viện Thông tin trình bày); Thực trạng an ninh công việc và các yếu tác động đến an ninh công việc của lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (kết quả khảo sát một số doanh nghiệp tại khu công nghiệp Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ và khu công nghiệp Thạnh Lộc, tỉnh Kiên Giang) (NCS. Trần Thị Thanh Tuyến, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trình bày); Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (kết quả khảo sát một số doanh nghiệp tại 02 khu công nghiệp; Trà Nóc, Cần Thơ và Thạnh Lộc, Kiên Giang) (TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng trình bày); Tình hình an sinh xã hội, an ninh công việc của lao động nữ tại các doanh nghiệp khu chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ (Bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ trình bày); Một số giải pháp nhằm đảm bảo an ninh công việc, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và nâng cao vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin trình bày).
Trao đổi về vai trò của an sinh xã hội, dưới quan điểm tiếp cận an ninh công việc gắn với việc đảm bảo cho người lao động có được việc làm trong những điều kiện được đảm bảo, có được thu nhập ổn định và làm việc trong sự hài hòa của các mối quan hệ lao động, Bà Ngô Mai Diên, Viện Thông tin cho biết: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, khi tính di động trong thị trường lao động có tính toàn cầu ngày càng cao, an ninh công việc được coi là chỉ báo, là thước đo của tính ổn định xã hội và niềm tin của người lao động. Nếu tình trạng an ninh công việc ở mức độ thấp sẽ dẫn đến những bất ổn về mặt xã hội do tâm lý lo âu, thiếu niềm tin, hiện tượng di dân…Do vậy, bản thân người lao động và Chính phủ đều có mong muốn có một hệ thống an sinh xã hội bền vững trên cơ sở môi trường an ninh công việc được đảm bảo cả ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp. Việc triển khai các biện pháp như tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và sự vào cuộc có hiệu quả của các tổ chức, chính trị xã hội, ban/ngành địa phương có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo nên hệ thống an sinh xã hội bền vững. Bởi lẽ, khi các chính sách/hoạt động an sinh xã hội đảm bảo độ tích cực (xã hội dân chủ, tuân thủ pháp luật, giàu lòng tương thân tương ái, đồng thuận xã hội cao trong mọi hoạt động) thì an ninh công việc cụ thể là bản thân người lao động và thị trường lao động sẽ luôn đạt được sự phát triển ổn định và ngược lại.
Trao đổi sâu về thực trạng an ninh công việc của lao động nữ tại 2 khu công nghiệp là Trà Nóc, Cần Thơ và Thạnh Lộc, Kiên Giang và các yếu tố tác động, Bà Trần Thị Thanh Tuyến thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: An ninh công việc của lao động nữ tại 02 khu công nghiệp này đang được đánh giá ở mức 4/4 (nghĩa là đang ở mức tốt), có 4/7 yếu tố tác động đến an ninh công việc đó là: sự hài lòng với đồng nghiệp, mức thu nhập, cơ hội phát triển và chế độ làm việc/thời gian nghỉ ngơi. Đây là những kết quả thực chứng rất hữu ích có thể giúp các nghiên cứu về an ninh công việc của lao động nữ, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chính quyền các địa phương có thể tham khảo để đưa ra các giải pháp về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo an ninh công việc (nhất là đối với lao động là nữ) đang làm việc trực tiếp hoặc không trực tiếp tại các các doanh nghiệp/địa phương trong các khu công nghiệp khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ về vai trò của tổ chức công đoàn trong đảm bảo an ninh công việc và an sinh xã hội cho lao động nữ trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở thành phố Cần Thơ, Bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ cho biết: Thành phố Cần Thơ hiện có 06 khu công nghiệp đang hoạt động, với 172 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như: Chế biến thủy sản xuất khẩu, may mặc, lương thực, thực phẩm, cơ khí, phân bón… với khoảng 42.631 lao động. Thời gian qua, Công đoàn Thành phố và Công đoàn các khu Chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề nghiên cứu, tham gia hoàn thiện các chính sách, pháp luận có liên quan trực tiếp đến công đoàn viên, nhất là lao động nữ nhằm kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, chỉ đạo công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện hợp đồng và các hoạt động liên quan khác nhằm kịp thời khen thưởng, bảo vệ người lao động, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ hơn với người lao động thông qua việc thực thi tốt các chính sách liên quan…
Để góp phần đảm bảo hơn an ninh công việc nhất là đối với lao động nữ tại các khu công nghiệp tại Cần Thơ, Bà Lê Thị Sương Mai nhận định: Trong bối cảnh phát triển với nhiều biến động lớn như hiện nay, cần có sự thay đổi chính sách nhằm đảm bảo an ninh công việc ở các khu công nghiệp. Qua đó giúp nhận diện cơ hội và thách thức, xây dựng các quan điểm mới về an ninh việc làm, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp với xu thế việc làm mới cũng như các thách thức đi kèm; Cần đảm bảo tính ổn định và linh hoạt trong các cơ hội việc làm cho người lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để kiến tạo việc làm bền vững; Điều chỉnh chính sách thị trường lao động, thực thi việc tuân thủ pháp luật và áp dụng trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp; Đổi mới trong hệ thống tổ chức công đoàn; Phát huy vai trò tích cực và chủ động trong bản thân người lao động và gia đình; Có sự tham gia đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, các tổ chức hữu quan để đảm bảo an ninh việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ…
Ghi nhận các kết quả đạt được của Hội thảo, tại phiên bế mạc, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng, Viện Thông tin và Bà Vanessa Steinmetz, Giám đốc Viện FNF Việt Nam đã đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại Hội thảo và khẳng định: Mặc dù nghiên cứu được triển khai thực hiện trong thời gian rất ngắn, tuy nhiên các kết quả thu được sau hơn 2 tháng triển khai đã gợi mở được nhiều hướng tiếp cận mới có thể tiếp tục mở rộng trong tương lai; các kết quả này sẽ không chỉ dừng ở Kỷ yếu hội thảo và Báo cáo nghiên cứu cuối cùng mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo tính bền vững của an ninh công việc đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Hội thảo còn cho thấy tầm quan trọng của công tác truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng… giúp các nhà quản lý các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội; đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ nói riêng và người lao động nói chung ở các khu công nghiệp khác và là tiền đề quan trọng để Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện FNF Việt Nam có thêm nhiều cơ hội hợp tác mới hướng tới 03 trụ cột: Tự do thương mại; Dân chủ và Trao quyền cho phụ nữ./.
Thời Trân