1. Định hướng nghiên cứu
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và kế hoạch 5 năm 2011- 2015 được Đại hội XI của Đảng thông qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải những vấn đề có tầm chiến lược, căn bản mà giai đoạn trước đã đặt ra nhưng giải quyết chưa thấu đáo; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2020; tham gia chuẩn bị các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, các hướng nghiên cứu cần thể hiện được tầm nhìn dài hạn – đến năm 2050, nhằm trả lời câu hỏi: Việt Nam phải làm gì và làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững?
Mục tiêu phát triển dài hạn của nước ta đòi hỏi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải tập trung nghiên cứu, luận giải một cách kịp thời, khoa học và phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội Việt Nam để có những bước đi tạo nền tảng ban đầu cần thiết ngay trong giai đoạn 2011 – 2020.
Với cách tiếp cận trên, định hướng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 là:
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn và hội nhập quốc tế dưới tác động của toàn cầu hoá.
Thứ hai, cụ thể hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011 – 2020; tham gia tổng kết thực tiễn 25 và 30 năm đổi mới và xây dựng cơ sở khoa học cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá – xã hội – môi trường, trong đó đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa các trụ cột của phát triển bền vững, giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, …
2. Những nhiệm vụ nghiên cứu
Nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và quản lý đất nước, phát triển tiềm lực khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phổ biến tri thức khoa học xã hội và nhân văn cho nhân dân, trong giai đoạn đến năm 2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, luận giải những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
2.1. Đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề quốc tế: bản chất, đặc điểm và xu thế biến đổi của thế giới đương đại; những dự báo khoa học về sự điều chỉnh, thay đổi chiến lược, chính sách phát triển của các nước, nhất là các nước lớn có ảnh hưởng đến cục diện chính trị và trật tự kinh tế thế giới, có tác động mạnh đến lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng, đối ngoại… của Việt Nam.
2.2. Nghiên cứu với tư duy đổi mới những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định có căn cứ khoa học vững chắc (chú ý liên hệ, so sánh với các lý thuyết phát triển mới) những nguyên lý còn giữ nguyên giá trị cần được bảo vệ, kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo trong bối cảnh mới của thời đại và đất nước.
2.3. Tiếp tục nghiên cứu toàn diện, có hệ thống và sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ quan điểm của Người về mục tiêu đích thực, bản chất nhân đạo và nhân văn của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những kiến giải sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh về giai cấp và dân tộc, về dân chủ và pháp quyền, về đảng cầm quyền, về phương thức kết hợp giữa sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội, về vai trò soi đường của văn hóa trong phát triển…
2.4. Nghiên cứu các trào lưu tư tưởng tiến bộ của nhân loại nhằm tìm ra những yếu tố hợp lý trong các lý thuyết phát triển đương đại của thế giới.
2.5. Tổng kết thực tiễn 30, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam.
2.6. Nghiên cứu, luận giải khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong các Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2.7. Nghiên cứu những vấn đề mới của sự phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
2.8. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; về tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đặt trong bối cảnh thế giới hiện nay.
2.9. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về Đảng cầm quyền.
2.10. Nghiên cứu những vấn đề mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; về xã hội dân sự; về thực hiện dân chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội…
2.11. Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, về xây dựng chuẩn mực văn hóa.
2.12. Nghiên cứu những định hướng về phát triển, quản lý giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển đất nước giai đoạn 2011 – 2020.
2.13. Nghiên cứu các vấn đề về mô hình, cơ cấu và biến đổi xã hội, thể chế phát triển và quản lý xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2011 – 2020.
2.14. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
2.15. Nghiên cứu cơ bản, toàn diện về con người và phát triển con người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển nguồn nhân lực.
2.16. Nghiên cứu các vấn đề mới về quốc phòng, an ninh.
2.17. Nghiên cứu những vấn đề về phát triển bền vững vùng, liên kết vùng.
2.18. Nghiên cứu các vấn đề trọng điểm về sử học, khảo cổ học, dân tộc học học, văn học, ngôn ngữ, tôn giáo, nghiên cứu lý thuyết và triển khai biên soạn Bách khoa thư Việt Nam…
2.19. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một số công trình trọng điểm quốc gia tiêu biểu cho tinh hoa của khoa học xã hội Việt Nam.
Nguồn: Chiến lược phát triển Viện Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020