Công giáo sau mấy trăm năm hình thành và phát triển tại Việt Nam đã định hình ra những nét văn hoá riêng của mình. Tuy nhiên khi cách mạng và chiến tranh nổ ra đã làm đảo lộn các không gian văn hoá Công giáo. Cuộc di cư năm 1954-1955 xuất phát từ lý do chính trị và tôn giáo đã tạo ra một sự thay đổi lớn về mặt nhân khẩu tôn giáo ở hai miền Nam và Bắc. Cuộc di cư đã để lại một hệ quả lâu dài về mặt chính trị làm kéo dài tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước. Phần lớn những người di cư vào Nam là người Công giáo. Họ mang theo cả tâm lý lối sống và các thái độ chính trị vào miền Nam. Tại đó, họ tập hợp và định cư phần lớn ở Sài Gòn và những vùng phụ cận. Dù vậy tại miền Bắc vẫn còn những người Công giáo không di cư mà ở lại chung sống với chế độ mới theo một cách thức và lựa chon riêng của mình. Người Công giáo di cư có thể nói là một sự kiện chính trị lớn liên quan cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản mà người Công giáo Việt Nam cũng là một nạn nhân của các âm mưu lợi dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị.
Sự cải tạo xã hội ở miền Bắc 1954-1975 đã làm gia tăng các không gian văn hoá thế tục và có ảnh hưởng đến tư duy sinh hoạt văn hoá của một số người Công giáo. Dù vậy người Công giáo cơ bản vẫn bảo lưu được những sinh hoạt văn hoá truyền thống của mình. Thời kỳ này ở miền Bắc xuất hiện các xu hướng thích ứng hội nhập của người Công giáo với đời sống văn hoá mới. Đồng thời vẫn có những người bảo thủ với những yếu tố này. Phần lớn con em người Công giáo được đi học trong các trường học của Nhà nước thay vì nhà thờ. Với xu hướng co cụm và khép kín, đa số người Công giáo miền Bắc vẫn sinh hoạt tôn giáo và văn hoá thuần tuý trong các không gian tôn giáo của mình.
Tại miền Nam có sự giao lưu và hội nhập nên người Công giáo sống trong một bối cảnh đa văn hoá. Ngoài những kết cấu có tính chất làng xã như ngoài Bắc để duy trì sinh hoạt tôn giáo họ cũng khá nhanh nhạy và hội nhập với bối cảnh mới. Điểm nối bật trong các hoạt động văn hoá của người Công giáo miền Nam là trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Ngoài ra các luồng tư tưởng văn hoá mới cũng đã được cập nhật như vấn đề dân chủ, thờ cúng tổ tiên, hôn nhân khác đạo…Nhìn chung trong một môi trường đã văn hoá, người Công giáo cũng đã khéo léo thích ứng để chọn lựa những yếu tố thích hợp cho mình bên cạnh việc bảo lưu các giá trị truyền thống của Công giáo.
Ở khía cạnh xã hội vị thế của người Công giáo miền Bắc liên quan nhiều đến sự hội nhập của họ với thể chế chính trị. Ở miền Nam thì vị thế có được từ những ưu đãi của chế độ thời kỳ đầu và những thích ứng của người Công giáo ở những giai đoạn sau. Thời kỳ này, người Công giáo miền Bắc hầu như rất ít có những hoạt động xã hội. Trong khi đó thì ở miền Nam đây là thời kỷ nở rộ các hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện xã hội của người Công giáo. Điều này cho thấy người Công giáo đã có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực này. Các đóng góp của người Công giáo trên lĩnh vực văn hoá, xã hội đã cho thấy tôn giáo này ở trong quá khứ đã từng là một nguồn lực vật chất và tinh thần đáng kể.
Đề tài ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 4 chương: Chương 1: Tình hình công giáo Miền Bắc và Miền Nam giai đoạn 1954-1975; Chương 2: Đời sống tôn giáo của người công giáo Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Chương 3: Người công giáo Việt Nam với một số vấn đề chính trị giai đoạn 1954-1975; Chương 4: Người công giáo Việt Nam với văn hóa, xã hội giai đoạn 1954-1975.
Nhìn lại lịch sử Công giáo Việt Nam giai đoạn 1954-1975 cho thấy người Công giáo Việt Nam đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn để thực hiện những huấn quyền của giáo hôi trong một bối cảnh nhiều xáo trộn và khác biệt về chính trị giữa hai miền Nam và Bắc. Trong hoàn cảnh nào họ cũng phải chọn lựa giữa việc thực hành theo các quan điểm của Giáo hội và một bên là phong trào giải phóng dân tộc. Thực tế cho thấy, dù trong hoàn cảnh khác nhau vẫn có nhóm những người Công giáo thoát ra khỏi khung nhận thức chung của Giáo hội để thích ứng hội nhập với các phong trào của dân tộc. Luận điểm cho những hành động này tuy chưa hệ thống thành những quan điểm về mặt thần học nhưng những người này tin rằng điều mà họ làm không sai lạc với đức tin Công giáo. Với họ đức tin và lòng yêu nước, hay ít nhất là thể hiện tình cảm với dân tộc có thể dung hợp mà không cần phân tách thành những lựa chọn. Ở đa số những người còn lại, với thái độ trung tín với Giáo hội, nhưng lựa chọn của họ đã làm cho hành trình gắn bó đồng hành với dân tộc dường như chậm lại.
Cục diện người Công giáo của hai miền Nam và Bắc đều buộc họ phải bày tỏ lập trường chính trị và xác lập lối sống. Những kinh nghiệm và bài học từ hoạt động và sống đạo của người Công giáo thời kỳ này cho thấy sống đúng tinh thần Phúc Âm ở một hoàn cảnh mới, thâm chí là xáo trộn đòi hỏi một sự trưởng thành và vượt lên cả về mặt đức tin và thần học. Ở miền Bắc dù không tiếp cận sớm và đầy đủ với các canh tân của Công đồng Vatican II nhưng chính thực tiễn sinh động và những trải nghiệm của một số chức sắc và giáo dân đã làm cho họ gắn kết và đồng hành được trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Tại miền Nam, khi người Công giáo đắc thế về quyền lợi chính trị và kinh tế đã bị rơi vào khủng hoảng sau khi bị mất những đặc quyền đó. Cũng từ đó mà nhiều trí thức gồm cả chức sắc và giáo dân đã đặt lại vấn đề hội nhập văn hoá và tìm ra một phương cách sống đạo, ứng xử chính trị sao cho đúng với tinh thần Phúc Âm. Đúng thời điểm này thì Công đồng Vatcican II họp và đã ảnh hưởng đến cục diện Công giáo miền Nam, làm cho nhiều người đã có thêm trợ lực và xác quyết cho những lựa chon tôn giáo và trần thế của mình. Rõ ràng Phúc Âm Công giáo không cần phải có một hoàn cảnh tốt đẹp mới bộc lộ và thể hiện mà người Công giáo cần phải thể hiện tinh thần này dù ở bất cứ môi trường và hoàn cảnh nào. Giai đoạn 1954-1975 dù đầy xáo trộn và biến động ở hai miền, nhưng có lẽ những sự kiện này đã làm cho không ít người Công giáo hai miền trưởng thành về mặt đức tin.
Ngoài yếu tố chính trị, người Công giáo hai miền Nam và Bắc cũng sống trong các khung cảnh văn hoá khác nhau. Nếu như miền Bắc vì điều kiện chiến tranh và cải tạo xã hội các không gian sinh hoạt văn hoá của Công giáo bị ảnh hưởng thì ở miền Nam các không gian văn hoá của người Công giáo được mở rộng và phát triển. Phần lớn các nhà thờ ở miền Nam được xây dựng trong thời kỳ này để phục vụ sinh hoạt cho người Công giáo. Sự giao thoa, xung đột giữa các không gian tôn giáo và thế tục đã làm cho màu sắc tôn giáo với chính trị bộc lộ rõ nét hay mờ nhạt. Trong bối đó người Công giáo luôn phải đặt ra vấn đề sống đạo như thế nào cho hợp với bối cảnh. Về mặt đức tin, đã phần người Công giáo có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa và sự cứu rỗi. Ở miền Bắc điều này càng rõ hơn qua các nghi lễ chậm cải tiến và sự sùng đạo sâu sắc của nhiều giáo dân. Ở miền Nam vẫn thực hành rầm rộ nhưng đức tin Công giáo cũng phải đối diện với hàng loạt các vấn đề văn hoá xã hội khác. Các khuôn mẫu thực hành tôn và tổ chức cộng đồng của người Công giáo miền Nam vẫn duy trì phần lớn theo như miền Bắc. Còn ở miền Bắc, các cộng động Công giáo khá khép kín và co cụm hơn vì những lý do tôn giáo và lịch sử để lại...
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.