Đề tài thực hiện triển khai văn bia nghiên cứu theo hướng Bi kí học văn hoá, có nghĩa là kết hợp giữa phân ngành bi kí học với các khía cạnh khác nhau của văn hoá học và sử học, nhằm hướng đến việc phác thảo một diện mạo tổng quan của văn hoá bi ký ở Việt Nam. Sự kết hợp giữa bi kí học và văn hoá học đem đến cách nhìn đa chiều.
Nội dung nghiên cứu của đề tài chia thành 10 chương.
Chương 1. Các loại hình văn bia. Chương này, đề tài nghiên cứu về các loại hình văn bia theo tiêu chí văn vật. Các tiêu chí được sử dụng để phân loại gồm tiêu chí về hình thể, chức năng và văn tự được khắc trên các loại hình văn bia để phân loại. Vì vậy, đề tài đã nghiên cứu từng loại hình cụ thể: (1) Bia thạch khối; (2) Mai nha; (3) Bia hai mặt; (4) Bia tứ trụ; (5) Bia trụ lục lăng; (6) Bia trụ tròn; (7) Kinh tràng (bát lăng bi); (8) Bia hộp; (9) Thiên đài trụ; (10) Taọ tượng bi; (11) Bia bài vị.
Chương 2. Mĩ thuật trang trí văn bia qua các thời kỳ. Trên cơ sở nghiên cứu 10 loại hình cụ thể tại chương 1, do vậy chương 2 đề tài đi sâu tìm hiểu về mỹ thuật, hình thức chế tác văn bia qua các thời kỳ và giới thiệu một số khái niệm cơ bản về hình thức chế tạo tác văn bia, trình bày một số đặc điểm nghệ thuật với tư cách là một tiêu chí để xác định niên đại học, đồng thời trình bày một số motif, đồ án, hình tượng cơ bản được sử dụng phổ biến trong văn bia.
Chương 3. Từ mỏ đá đến thợ phường. Trong chương này, đề tài cho chúng ta thấy từ những người thợ chạm khắc đá với niềm say mê yêu nghề mà đã góp phần biến những thớ đã vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật bằng đá, những trang sử đá có giá trị. Từ đó, đề tài làm rõ được đá khắc bia là loại đá gì? Vật liệu được khai thác từ đâu? Bia do phường thợ nào chạm khắc? Cơ sở điêu khắc thuộc cung đình hay dân gian? Kỹ thuật chế tác, quy trình tạo dựng ra sao..?
Chương 4. Nghệ thuật thư pháp trên văn bia. Chương này, đề tài đi sâu nghiên cứu thư pháp chữ Hán ở Việt Nam được ghi chép trên các văn bia ở các giai đoạn: (1) Giai đoạn Bắc thuộc; (2) Giai đoạn triều Đinh – Tiền Lê; (3) Giai đoạn triều Lý; (4) Giai đoạn triều Lê; (5) Giai đoạn triều Lê Sơ; (6) Giai đoạn thế kỷ XVI-XVIII; và (7) Giai đoạn triều Nguyễn.
Chương 5. Văn bia và văn hoá gia tộc. Đề tài nhận thấy văn bia gia tộc có rất nhiều giá trị, không chỉ có giá trị đối với dòng họ sở hữu tấm bia đó, mà khi đặt những tấm bia đó gần nhau đề nghiên cứu thì còn thấy được rất nhiều giá trị về: văn hoá, lịch sử, di sản, khảo cổ, đạo đức, giáo dục…Do vậy, chương này đề tài đi sau nghiên cứu về bia gia tộc bao gồm các chủ đề chính: Bia nhà thờ họ, bia gia phả, bia hậu tộc, bia tộc ước, bia khoa bảng dòng họ.
Chương 6. Văn bia ghi chép về cơ cấu làng xã cổ truyền. Chương này đề tài nghiên cứu về các loại hình văn bia theo tiêu chí nội dung. Đó là các văn bia ghi chép về các hoạt động quản lý cộng đồng trong cuộc sống làng xã. Chương này, đề tài triển khai nghiên cứu theo các vấn đề: cơ cấy của thiết chế dân cư nhìn từ quan hệ gia đình – họ tộc, và cơ cấu của thiết chế quản lý làng xã gồn bộ máy chức dịch, với các tổ chức mang tính dân sự như quan viên hương lão, hội đồng tộc biểu, hội đồng kỳ mục, hội kỳ anh, hội tư văn, hội tư võ, các phường hội…
Chương 7. Văn bia ghi chép về tín ngưỡng dân dân. Trong chương này, đề tài nghiên cứu về các nội dugn văn bia ghi chép về sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng dân gian như: cung tiến và văn hoá cung tiến; hưng công hội chủ; cung đình với việc cung tiến xây dựng đình chùa, gửi giỗ, văn hoá bầu Hậu và các loại hình via Hậu.
Chương 8. Văn bia trong các loại hình cơ sở tôn giáo. Trong chương này, đề tài nghiên cứu và khảo sát các loại hình văn bia theo các cơ sở thờ tự. Bao gồm các nhóm chính: bia Nho giáo; bia Phật giáo; bia Đạo giáo; bia Thiên Chúa giáo; văn bia liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền; bia liên quan đến tín ngưỡng người Hoa…Tuy nhiên, có những bia tuy đặt tại cơ sở thờ tự của tôn giáo này nhưng nội dung lại phản ánh về một tôn giáo khác, hoặc bia thuộc tôn giáo này lại do người theo tôn giáo khác soạn thuật, hoặc bia có sự dịch chuyển không gian dựng đặt vì nhiều nguyên nhân khác nhau…Do vậy, sự phân chia bia trong chương này dựa trên cơ sở thờ tự chỉ mang tính chất tương đối.
Chương 9. Văn bia và các loại hình ruộng đất từ góc nhìn văn hoá và lịch sử. Chương này đề tài nghiên cứu các loại hình văn bia liên quan đến một loại văn hoá truyền thống của người Việt, đó là ruộng đất. Các nội dung chính nghiên cứu của chương này là: Khái thuyết về các loại hình ruộng đất; Vương thổ; Công điền; Quốc khố điền; Chước đao điền; Thái ấp; Điền trang; Thang mộc ấp; Tự điền; Tịch điền; Ruộng sơn lăng; Ruộng tam bảo; Ruộng hậu; Học điền.
Chương 10. Văn bia ghi chép về văn hoá kiến trúc, cảnh quan. Văn hoá bia và văn hoá kiến trúc, cảnh quan là loại văn bia ghi về những kiến trúc công trình xây dựng, cải tạo của con người và ghi về phong cảnh. Vì vậy, đề tài tập trung nghiên cứu các loại hình: Bia cung điện; Bia thành trì; Bia chợ; Bia cầu; Bia đò; Bia mốc giới; Bia giếng; Bia vườn; Bia thuỷ lợi, kia kênh đào, đào hồ thả cá; Bia đê điều, bia lấn biển, ngăn mặn, khai hoang; Bia thắng cảnh, phong cảnh.
Hội đồng đánh giá cao đây là đề tài nghiên cứu vừa mang tính lý thuyết và mang tính thực tiễn. Đề tài có thể xuất bản thành sách giáo trình, phục vụ cho công tác giảng dạy sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, lịch sử, văn hoá… ở cấp đại học và sau đại học.
Nguyễn Thùy Trang