Truyện thơ Nôm Tày là một trong những thể loại văn học thành văn tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày vùng đông bắc tổ quốc. Nguồn di văn này chiếm số lượng văn bản khá phong phú, nội dung truyện thơ phản ánh muôn mặt đời sống văn hoá, xã hội của đồng bào dân tộc Tày trong lịch sử. Do đó mà truyện thơ Nôm Tày đã thu hút được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Chính vì vậy, nhóm đề tài lựa chọn ba tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân, Đính Quân, Lưu Tương để đi sâu nghiên cứu. Đây là ba trong số nhiều tác phẩm truyện thơ phản ánh đậm nét đời sống văn hoá, phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật … của đồng bào dân tộc Tày trong quá khứ. Tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, rất quen thuộc trong mọi tầng lớp nhân dân lao động của đồng bào dân tộc Tày, được các nho sĩ người Tày sao chép thành nhiều dị bản khác nhau và được lưu truyền cho đến ngày nay. Để đi sâu tìm hiểu nghiên cứu văn bản và giá trị nội dung thơ Nôm Tày qua 3 tác phẩm Lưu Đài – Hán Xuân, Lưu Tương, Đính Quân, nhóm tác giả đề tài đã tiến hành khảo cứu đặc điểm hệ thống văn bản truyện thơ được viết bằng chữ Nôm của dân tộc Tày hiện đang lưu trữ tại kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm, khái quát giá trị nội dung của từng tác phẩm. Đi sâu nghiên cứu văn bản và giá trị nội dung ba tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân, Lưu Tương, Đính Quân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyện thơ Nôm Tày trong đời sống xã hội hiện nay.
Nội dung của đề tài chia làm 3 chương chính:
Chương 1: Tình hình nghiên cứu văn bản truyện thơ Nôm Tày. Trong chương này, nhóm tác giả tổng quan tình hình nghiên cứu văn bản ba truyện thơ Nôm Tày đã được công bố. Trong 3 tác phẩm mà nhóm tác giả chọn nghiên cứu thì tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân có 9 công trình giới thiệu, biên dịch và có 6 công trình là bài nghiên cứu theo tính vấn đề của tác phẩm. Tác phẩm Đính Quân có 5 công trình sưu tầm, giới thiệu, biên dịch, có 03 công trình nghiên cứu giá trị tác phẩm theo tính vấn đề. So với 2 tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân, Đính Quân thì tác phẩm Lưu Tương chưa được quan tâm nhiều, chỉ có 2 công trình sưu tầm, giới thiệu, biên dịch, 1 công trình nghiên cứu giá trị tác phẩm. Nhóm tác giả cho rằng, những công trình đã công bố hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, phiên dịch, chú thích truyện thơ mà chưa có công trình đi sâu nghiên cứu văn bản và giá trị nội dung ba truyện thơ trên cơ sở văn bản được biết bằng chữ Nôm Tày. Do vậy, đề tài này sẽ góp phần giải mã và truyền tải những thông điệp lịch sử có giá trị từ trong quá khứ, nhằm phát huy, ứng dụng sáng tạo có hiệu quả trong đời sống văn hoá xã hội đương đại.
Chương 2: Đặc điểm văn bản truyện thơ Nôm Tày lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tại chương này, nhóm tác giả đi sâu tìm hiểu đặc điểm hệ thống văn bản truyện thơ Nôm Tày lưu truyền trong dân gian; Đặc điểm hệ thống văn bản truyện thơ Nôm Tày lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Đặc điểm văn bản truyện thơ Nôm Tày trùng với Nôm Kinh (Việt); Đặc điểm văn bản truyện thơ Nôm Tày Lưu Đài – Hán Xuân, Lưu Tương, Đính Quân.
Chương 3. Giá trị nội dung truyện thơ Nôm Tày: Lưu Đài - Hán Xuân, Lưu Tương, Đính Quân. Trên cơ sở đi sâu tìm hiểu đặc điểm hệ thống văn bản truyện thơ Nôm Tày lưu truyền trong dân gian tại kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm tại Chương 2, vì vậy trong chương 3, nhóm tác gỉa tìm ra được đặc điểm chung về truyện thơ Nôm Tày và đi sâu tìm hiểu giá trị nội dung 3 tác phẩm Lau Đài – Hán Xuân, Lưu Tương, Đính Quân.
Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần bảo tồn và phát huy giá trị thể loại truyện thơ Nôm Tày trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, góp phần nghiên cứu về đời sống văn hoá truyền thống của sắc tộc Tày trong lịch sử. Qua đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, văn hiến của dân tộc cho nhân dân.
Nguyễn Thùy Trang