Đề tài “Tự sự học hậu kinh điển trong xu hướng nghiên cứu liên ngành: Lý thuyết và thực tiễn (giai đoạn 1)” cung cấp cho người đọc một bức tranh tổng quan về xu hướng tự sự học hậu kinh điển mà ở đó tiếp cận liên ngành rất rõ ràng và nổi bật trên thế giới, từ đó có những xem xét, khảo sát và đánh giá về một số xu hướng liên ngành ở Việt Nam.
Đề tài chia làm 2 phần nội dung chính:
Phần 1. Những vấn đề lý thuyết. Phần này đề tài đề cập đến giới thiệu lý thuyết phương Tây hiện đại, cụ thể là các nhánh của tự sự học hậu kinh điển, bao gồm sự học tu từ, tự sự học đa phương tiện, tự sự học nhân học văn hoá, tự sự học phê bình sinh thái và tự sự học xã hội học. Phần này, cách tiếp cận nghiên cứu vấn đề chủ yếu là xử lý các tài liệu lý thuyết của nước ngoài, bao gồm: đọc, dịch, phân tích, tổng hợp và nghiên cứu và tiến đến đối thoại để tìm ra một hướng tiếp cận phù hợp với quan điểm chung về hướng nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành ở Việt Nam hiện nay. Đề tài chỉ ra khả năng kết hợp/hợp nhất giữa tự sự học hậu và các lĩnh vực/các ngành nghiên cứu. Từng mục nội dung nhỏ ở phần này, đề tài phân tích và diễn dải những tri thức mới nhất trên cơ sở dịch thuật những tư liệu nước ngoài, tổng hợp, nghiên cứu và đưa ra những diễn giải đích đáng nhất về tưng khuynh hướng tự sự học hậu kinh điển, đặc điểm nổi bật, quá trình phát triển và phương pháp tiếp cận cụ thể đối với mỗi khuynh hướng.
Phần 2. Văn học Việt Nam từ những cách tiếp cận của tự sự học hậu kinh điển (nghiên cứu trường hợp). Trên cơ sở phần lý thuyết mà đề tài đã trình bày ở phần 1. Phần 2 đề tài theo sát cách thức và phương pháp tiếp cận đã được lý giải và làm sáng rõ ở phần lý thuyết thực tiễn nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở phần này đề tài đặt mục tiêu làm nổi bật nghiên cứu liên ngành, những nghiên cứu ứng dụng cho thấy tính hiệu quả của lý thuyết và chứng minh sự đa dạng phức tạp và đầy sinh động của từng văn bản tác phẩm nghệ thuật, hướng đến những cách đọc khác nhau của nghiên cứu liên ngành với độ đậm nhạt khác nhau tuỳ thuộc vào chính văn bản tự sự và độc giả sẽ nhận ra văn học bây giờ đã được nghiên cứu theo những cách thức hoàn toàn khác.
Hội đồng đánh giá, về mặt khoa học: đề tài cung cấp một bức tranh tổng quan về xu hướng tự sự học hậu kinh điển theo cách tiếp cận liên ngành rất rõ ràng và nổi bật trên thế giới, từ đó có những xem xét, khảo sát, đánh giá về một số xu hướng liên ngành ở Việt Nam. Về mặt thực tiễn: đề tài có khả năng ứng dụng trong thực tiễn nghiên cứu văn học cũng như các lĩnh vực liên quan khác. Là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị trong nghiên cứu và giảng dạy. Đề tài được xuất bản thành sách sau khi chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng nghiệm thu.
Nguyễn Thùy Trang