Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_nghiencuu (1)
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu, chỉnh lý, bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích, di vật địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ, năm 2022”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

18/08/2023

Chiều ngày 17/8/2023, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu, chỉnh lý, bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích, di vật địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ, năm 2022”, Thuộc Dự án trọng điểm cấp Bộ: Nghiên cứu, chỉnh lý, bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, di tích, di vật địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ. Đề tài do PGS.TS. Bùi Văn Liên làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Dự án trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, chỉnh lý, bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, di tích, di vật địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủlà một trong những dự án quan trọng do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo Viện Khảo cổ học thực hiện, nằm trong khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, được tiến hành khai quật và xử lý di dời di tích, di vật từ năm 2012 đến 2014, tiếp sau đó là những nhiệm vụ hướng tới mục tiêu nghiên cứu, chỉnh lý, phân loại chi tiết và lập hồ sơ khoa học đánh giá giá trị. Dự án được tiến hành từ năm 2020, đến nay đã được 3 năm, các kết quả đạt được đã đưa ra những bằng chứng mới, giúp cho việc tìm hiểu và củng cố bằng chứng về Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, theo khuyến cáo của UNESCO, và đó cũng là để thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của Nhà nước. Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã có những đóng góp mới và trực tiếp cho việc nhận định các giá trị của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Đó là: khẳng định sự tồn tại của thành Đại La được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9, trong đó nổi bật nhất, quy mô nhất là dưới thời Tiết độ sứ Cao Biền. Bằng chứng rõ ràng là việc phát hiện, nghiên cứu về di tích móng thành Đại La ở phía Nam. Khẳng định rõ hơn sự tồn tại của một trục trung tâm kiến trúc thời Lý, kéo dài xuống đến phía nam, đến phạm vi kiến trúc tâm linh, cũng có thể đến bức tường thành bằng gỗ, với các vật liệu xây dựng đặc trưng của thời Đại La. Khẳng định nghi lễ và sự phát triển của tư tưởng thông qua phát hiện di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, đó có thể là loại hình di tích tâm linh đầu tiên trước khi đàn tế Nam Giao được xây dựng năm 1154, dưới thời vua Lý Anh Tông. Di tích đó cũng có thể là dạng đèn Quảng Chiếu có thể xoay được như mô tả của bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi khắc năm 1121. Đặc biệt hơn, thông qua nghiên cứu, chỉnh lý về địa tầng, đã khẳng định khu vực trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần Lê không vượt quá được khu vực khai quật, ở khoảng vị trí hố G03 trở lên phía Bắc.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào các việc chính như sau: (1): Chỉnh lý, nghiên cứu, phân loại và lập hồ sơ khoa học hệ thống các di tích từ thời Trần (thế kỷ 13-14); (2): Chỉnh lý, nghiên cứu, phân loại chi tiết, lập hồ sơ khoa học, đánh giá giá trị di vật vật liệu xây dựng thời Lý ( thế kỷ 11-13): 190 két hiện vật gạch, 975 két hiện vật ngói; (3): Chỉnh lý, nghiên cứu, phân loại chi tiết, lập hồ sơ khoa học, đánh giá giá trị di vật đồ dùng sinh hoạt thời Lý (thế kỷ 11-13): 409 két hiện vật đồ gốm sứ, 83 két hiện vật đồ sành; (4): Bảo quản, Chỉnh lý, nghiên cứu, phân loại chi tiết, lập hồ sơ khoa học, đánh giá giá trị  di tồn xương động vật, nhuyễn thể, kim loại và đồ gỗ từ hố G08 đến hố G11 với khoảng 77 hộp lớn đơn vị mẫu; (5): Khảo sát, điều tra, nghiên cứu so sánh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh; (6): Tọa đàm: Nghiên cứu so sánh, phương pháp phân loại, nghiên cứu di tích và di vật thời Lý; (7): Xây dựng hồ sơ khoa học, bản ảnh và bản vẽ và báo cáo kết quả nhiệm vụ năm 2022; (8): Bảo quản thường xuyên các di tích và di vật hiện đang lưu trữ trong nhà kho bảo quản (di tích móng cột, đồ nhuyễn thể, đồ gỗ, đồ kim loại; di tồn xương động vật). Bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực kho tạm.

Kết quả chỉnh lý đã đóng góp các giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cho công cuộc nghiên cứu lịch sử Thăng Long, lịch sử Việt Nam. Cụ thể như sau: Về phương diện kiến trúc thời Trần, nhiệm vụ đã tập trung nhận diện các đặc điểm của kiến trúc thời Trần với 1 mặt bằng nền móng kiến trúc và các hiện tượng khảo cổ học quan trọng khác qua đó đã nhận thấy được những đóng góp nhất định của di tích kiến trúc thời Trần vào tổng thể chung của di tích kiến trúc có cùng thời kỳ tại khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu nói riêng và trên địa bàn các di tích thời Trần nói chung. Đối với hệ thống các di vật của thời Lý, gồm đồ dùng sinh hoạt (gốm sứ, sành, ...) và vật liệu xây dựng kiến trúc (gạch, ngói, di vật đá,..), quá trình chỉnh lý, nghiên cứu đã xác lập được những đặc trưng riêng biệt của di vật giai đoạn này trong diễn trình lịch sử qua các thời kỳ lịch sử. Qua việc phân tách các nội dung nghiên cứu đã giúp cho việc đánh giá giá trị các loại hình di vật được cụ thể.

Tổng quan chung, trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một phức hợp các công trình kiến trúc thời Lý đã được phát hiện và nghiên cứu, với tổng thể có khoảng 72 công trình, gồm nhiều loại hình khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, các công trình được xây dựng trên tổng thể quy hoạch rất khoa học, bài bản, công trình được xây dựng kiên cố, trang trí cầu kỳ, tinh mỹ với sự đa dạng của các loại hình vật liệu trang trí và lợp mái kiến trúc đã được nghiên cứu tại 18 Hoàng Diệu. Nằm trong tổng thể chung này, là bộ phận hữu cơ của Cấm thành Thăng Long, các kết quả nghiên cứu, chỉnh lý, phân loại chi tiết và lập hồ sơ khoa học cho các loại hình vật liệu xây dựng kiến trúc thời Lý tại 36 Điện Biên Phủ đã có những đóng góp vào kết quả nghiên cứu chung của vật liệu xây dựng công trình kiến trúc thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long, từ đó làm cơ sở tư liệu để so sánh với vật liệu xây dựng thế kỷ 11-13 tại các địa phương khác.

Việc chỉnh lý, nghiên cứu, phân loại chi tiết các di vật xương và đồ nhuyễn thể đã cung cấp thêm các tư liệu mới về việc khai thác, sử dụng các loài động vật trong bữa ăn hàng ngày ở Hoàng thành Thăng Long. Đề tài cũng đã tiến hành khảo sát, điều tra, so sánh. Kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu so sánh với các địa phương đã bước đầu đưa ra được những nhận định rõ hơn, khách quan hơn, những vấn đề về di vật như loại hình, kiểu dáng, nguồn gốc xuất sứ được nhận định có căn cứ cụ thể. Cùng với các nội dung khoa học, công tác bảo tồn, bảo quản các di tích và di vật tại nhà kho tạm luôn được đảm bảo, anh ninh an toàn khu vực nhà kho được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong đó đáng chú ý nhất là công tác bảo quản phòng ngừa, tránh xuống cấp đối với các di vật có chất liệu đặc biệt: kim loại, đồ gỗ,.. được đảm bảo.

Từ kết quả thực hiện Nhiệm vụ, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị một số vấn đề sau: (i) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho phép Viện Khảo cổ học tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chỉnh lý, bảo quản di tích. Đây là công việc tiếp theo để thực hiện và hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ và nội dung khoa học.  Tiếp tục hướng dẫn, thẩm định, phối hợp với Viện Khảo cổ học trong công tác nghiệm thu sản phẩm, thẩm định và phê duyệt Nhiệm vụ theo tiến độ chung của Dự án. Khối lượng công việc các nội dung khoa học của nhiệm vụ các năm nói riêng và của tổng thể Dự án nói chung là rất lớn, nhất là việc phân loại, chỉnh lý và nghiên cứu, nghiên cứu so sánh,...  (ii) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kiến nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí cho Nhiệm vụ theo từng năm trên cơ sở Thuyết minh và Dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên tổng kinh phí của Dự án đã được phê duyệt; (iii) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học để chuẩn bị các điều kiện cho việc tiếp nhận các di tích, di vật, hồ sơ tư liệu khoa học,... sau khi Dự án kết thúc phục vụ cho việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và di vật tại địa điểm 36 Điện Biên Phủ, thuộc Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long...

Các kết quả nghiên cứu của đề tài rất hũu ích, có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

PV.

Các tin đã đưa ngày: