Hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của hơn 500 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lữ hành đến từ các địa phương trong cả nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.
Hội thảo đặc biệt vinh dự được đón tiếp sự hiện diện của của các vị khách quý: Ông Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam; Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thên Huế; Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam; Bà Phạm Tú Cầu, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền Trung; Ông Cheon Se Hwan - Trưởng phòng hành chính VPĐD Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại VN; Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng; Ông Parker Singh, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng; Ông Danny Chi Ho Tse, Tổng Giám đốc vận hành khách sạn Wyndham Danang Golden Bay.
Về phía Viện KHXH vùng Trung Bộ và đơn vị đồng tổ chức Hội thảo có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng; Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HHDL Đà Nẵng.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, ngành du lịch tại 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á, với khoảng 20 - 25 triệu lượt khách du lịch/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Các địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch của 3 tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Đồng thời, ông Hà Văn Siêu cảm ơn và chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan báo chí, các đơn vị, các doanh nghiệp du lịch thuộc địa bàn tỉnh và trên cả nước đã phối hợp tổ chức và đến tham dự hội thảo khoa học ý nghĩa và thiết thực này.
Tại Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Q. Viện trưởng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhấn mạnh: Phát triển du lịch văn hóa cần xuất phát từ vốn di sản văn hóa. Phát triển du lịch dựa vào nền tảng di sản văn hóa cần tạo được sự khác biệt, tạo được các giá trị, thông điệp và câu chuyện cho di sản gắn liền với văn hóa của vùng đất. Ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế dù có sự khác biệt khá xa về trữ lượng nhưng nhìn chung, mỗi một địa phương đều sở hữu tài nguyên di sản lễ hội khá phong phú và đa dạng, mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Để phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa thì 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cần phát huy thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên văn hóa của mỗi địa phương. Đồng thời cần tăng cường sự liên kết vùng để hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng. Bên cạnh đó, để khai thác bền vững các sản phẩm du lịch văn hóa cần phải quan tâm đến chủ thể sáng tạo và thực hành di sản cũng như tất cả mọi đối tượng tham gia vào hoạt động khai thác, phát huy lễ hội trong phát triển du lịch đều phải được hưởng lợi.
TS. Lê Xuân Thông, Viện KHXH vùng Trung Bộ nhận định: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đang sở hữu rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, mang tính đặc trưng của các địa phương, là mảnh đất màu mỡ để du lịch phát triển. Tuy nhiên trên thực tế du lịch của 3 địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa lễ hội chưa được nhận diện và phát huy đúng mức; công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội còn nhiều bất cập; di sản văn hóa lễ hội còn đóng vai trò quá mờ nhạt trong ngành du lịch của mỗi địa phương;… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy giá trị sự kiện, lễ hội trong phát triển du lịch. Do đó, TS. Lê Xuân Thông cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng du lịch của ba địa phương thì cần xác định lễ hội hạt nhân; chú trọng khai thác du lịch đường thủy, đường sông và đường biển; từ đó xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, các sự kiện, các lễ hội giúp kết nối 3 địa phương.
Bên cạnh đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng chia sẻ: 3 địa phương của vùng cũng cần chú trọng đến sự gắn kết với nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa khác nhưng cùng chung sắc thái văn hóa truyền thống để tạo nên chuỗi lễ hội, sự kiện. Đồng thời, cũng cần có sự đồng bộ xuyên suốt giữa các địa phương để gia tăng nguồn nhân lực, tạo nên những sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các doanh nghiệp lữ hành đánh giá lại hoạt động sự kiện, lễ hội và tìm kiếm giải pháp phát huy các giá trị sự kiện, lễ hội trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch của khu vực miền Trung nói chung và ba địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế nói riêng. Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện “Ngày hội Du lịch Đà Nẵng 2023”.
Thông qua Hội thảo các vấn đề về thực trạng nguồn lực lễ hội và vai trò của lễ hội sự kiện đối với ba địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế trong thời gian qua; các chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị tổ chức sự kiện lễ hội; vai trò của cơ sở hạ tầng dịch vụ trong việc tổ chức sự kiện lễ hội và Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc khai thác các giá trị sự kiện, lễ hội trong phát triển du lịch đã được trao đổi và bàn luận. Các kết quả trao đổi, bàn luận tại Hội thảo sẽ góp phần định hướng và đề xuất các giải pháp khả thi để phát huy giá trị chuỗi các sự kiện, lễ hội trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch của khu vực miền Trung nói chung và ba địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế nói riêng trong bối cảnh mới.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, thân thiện và cởi mở. Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp đã dành thời gian viết bài, tham dự và thảo luận tại Hội thảo góp phần quan trọng cho sự thành công của Hội thảo. Cảm ơn các cơ quan báo chí đến tham dự và đưa tin về Hội thảo.
PV.