Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_nghiencuu (1)
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

26/02/2024

TS. Nguyễn Xuân Khoát[1]

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh (TTX) với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng TTX. Tuy đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra một số thách thức trong thực tiễn, từ đó cần có những giải pháp phù hợp theo hướng TTX trong thời gian tới.

1. Vai trò của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, những đột phá của cách mạng 4.0 đem đến nhiều cơ hội cho tăng trưởng. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đã và đang trở nên phổ biến. Nhìn lại, tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nhiều đột phá lớn nhưng chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng. Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác, ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai [2].

Hiện nay, tăng trưởng xanh (TTX) là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá, TTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu [5].

Khái niệm “tăng trưởng xanh” được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra, như: Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) [11]; tổ chức Sáng kiến TTX của Liên hợp quốc [10]; tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) [8]... Trong đó, khái niệm được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra được sử dụng phổ biến nhất [7]: “TTX là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên, vai trò của quản lý môi trường, vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai....

Là một nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và châu Á, Việt Nam đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trên thế giới vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam. Đồng thời, nông nghiệp đang là một ngành có thế mạnh của Việt Nam với những con số ấn tượng về xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản, thực phẩm trên thị trường thế giới cho thấy Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính.

Nhận thức được tầm quan trọng của TTX tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai và cụ thể hóa TTX thông qua "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050".

Cụ thể, ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 nêu ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia về TTX đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới. Do đó, để có những góc nhìn đa chiều và tổng quát, việc nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ tốt của các quốc gia trên thế giới về xây dựng chiến lược dài hạn về TTX, sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc học hỏi, áp dụng vào tình hình đặc điểm của nền kinh tế - xã hội Việt Nam một cách linh hoạt, hiệu quả và  từ đó thực hiện tốt Chiến lược TTX ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định [1]. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia về TTX đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới. Do đó, để có những góc nhìn đa chiều và tổng quát, việc nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ tốt của các quốc gia trên thế giới về xây dựng chiến lược dài hạn về TTX, sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc học hỏi, áp dụng vào tình hình đặc điểm của nền kinh tế - xã hội Việt Nam một cách linh hoạt, hiệu quả và từ đó thực hiện tốt Chiến lược TTX ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Vì vậy, nội dung bài viết sẽ tập trung bàn về cách tiếp cận mới trong thực hiện TTX, đồng thời gợi mở, đề xuất những giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Bài báo sử dụng phương pháp phân tích, đánh giá chính sách, phương pháp phân tích, thu thập và xử lý thông tin. Việc phân tích, đánh giá tính toàn vẹn, tính thống nhất, tính khả thi và hiệu quả của chính sách nhằm điều chỉnh chính sách, giải pháp thực hiện TTX góp phần cho phù hợp với mục tiêu và thực tiễn phát triển bền vững của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

2. Kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực hiện tăng trưởng xanh

Tại Hàn Quốc, Chiến lược TTX được Hội đồng quốc vụ thông qua tháng 9/2008. Để cụ thể hóa Chiến lược, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động, bao gồm: gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoạch nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”. Luật khung về TTX cũng được chính phủ công bố thi hành vào tháng 01/2010 [11]. Hàn Quốc xây dựng công nghệ xanh bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng các-bon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các lĩnh vực như kết hợp viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng rô-bot, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ còn đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng sinh khối, xây dựng mô hình “nhà ở, trường học và công sở xanh” [5].

Trung Quốc đã đặt mục tiêu về TTX lên hàng đầu trong phát triển những năm gần đây. Trung Quốc đã đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon và đề ra mục tiêu giảm thiểu 10% phát thải khí NO và thiết lập thêm năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch. Nhằm hướng tới TTX, cắt giảm phát thải carbon, Trung Quốc đã huy động nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn tài chính công. Thông qua chương trình "1000 doanh nghiệp", Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng; hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; thành lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm. Kể từ năm 2019, dư nợ cho vay xanh của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân, từ 9,3 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 16 nghìn tỷ NDT (2,4 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2021, lớn nhất trên thế giới. Dự kiến tăng lên 22 nghìn tỷ NDT (3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cho các khoản vay xanh đã được tăng tốc từ quý IV/2020 và đạt mức cao kỷ lục 33% vào quý 4/2021, so với tỷ lệ tăng trưởng 12% của tổng dư nợ cho vay trong quý đó [12].

Tại Singapore, Chiến lược phát thải thấp theo hướng tới xanh hóa nền kinh tế đã đặt lối sống bền vững là một trong năm trụ cột của Kế hoạch xanh 2021-2030 được ban hành bởi 5 cơ quan: Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Giao thông, Bộ Thương mại và Công nghệ Singapore [5].

Mỹ là một trong những nước tiếp cận sớm để thực hiện chính sách TTX để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng, có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hóa do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hóa [9].

Tại Nam Phi, để thực hiện những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế trong Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu giảm bớt tỷ lệ các-bon trong hoạt động sản xuất, như giảm lượng phát thải 34% vào năm 2020 và 42% vào năm 2025. Trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và Bản Kế hoạch hành động, Chính phủ Nam Phi xác định 5 ưu tiên chiến lược, gồm: tăng cường các hệ thống kết hợp lập kế hoạch với triển khai thực hiện; bảo tồn hệ sinh thái quốc gia và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; thực hiện ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi đã phát triển một loạt các sáng kiến về quản trị xanh nhằm thiết lập các quy định mang tính nguyên tắc, bao gồm: yêu cầu các quỹ hưu trí phải xem xét các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị như là một phần trong quá trình xem xét đầu tư; Bộ Quy tắc hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm cho các ngành công nghiệp tại Nam Phi; quy định yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hiệu quả cũng như rủi ro xã hội và môi trường.

Vương Quốc Anh, Chiến lược dài hạn theo hướng xanh cung cấp một gói các biện pháp cho từng lĩnh vực, được gọi là "chính sách và đề xuất". Một số ví dụ về biện pháp như vậy bao gồm: mở ra cơ hội kinh doanh để sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện nhà ở và giảm hóa đơn tiền điện và sưởi ấm, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp. Đầu tiên, chiến lược phác thảo tầm nhìn cho từng lĩnh vực, xác định các cơ hội và sau đó đưa ra các mục tiêu. Việc liên kết với các kế hoạch ngành khác được nêu trong Chiến lược dài hạn theo hướng xanh [10].

Như vậy, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy TTX, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Với cách tiếp cận nào, nội dung của TTX chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

3. Tiếp cận tăng trưởng xanh của Việt Nam

Đối với Việt Nam, TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố từ bên ngoài. Việt Nam đang trên đà đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.

Năm 2012, Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đặt ra thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực thực hiện; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014), gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động TTX tại địa phương, bao gồm 8 hoạt động; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm 20 hoạt động; thực hiện xanh hóa sản xuất gồm 25 hoạt động; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững gồm 13 hoạt động.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến TTX như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới TTX.

Để đảm bảo thực thi Chiến lược quốc gia về TTX, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành như: 1) Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; 2) Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp;  3) Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược TTX của quốc gia 4) Chính sách chi ngân sách nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.

Như vậy, chính sách TTX đã được chú trọng xây dựng ở nhiều ngành, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Các kết quả khả quan đã đạt được của TTX ở Việt Nam trong thời kỳ 2011 - 2020 như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%… Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của TTX được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...

Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể cho TTX như định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên… Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” (Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021). Trong đó, đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trên cơ sở Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, khi xây dựng kế hoạch TTX cho địa phương cần bám sát theo 10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên và 8 chủ đề tổng thể. Trong đó, 10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên theo các chủ điểm kinh tế quan trọng gồm: năng lượng; công nghiệp; giao thông vận tải và dịch vụ logistics; xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý chất thải, chất lượng không khí; quản lý tài nguyên, quản lý rủi ro thiên tai; kinh tế biển xanh; y tế; du lịch. Cùng với 8 chủ đề tổng thể bao quát các nội dung như thể chế chính sách, truyền thông giáo dục, nguồn nhân lực và việc làm xanh, tài chính và đầu tư xanh, công nghệ đổi mới sáng tạo, hội nhập và hợp tác quốc tế, bình đẳng trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh.

4. Các giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh cho Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện TTX của Việt Nam còn một số hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, nhận thức của bộ, ngành và chính quyền địa phương về chiến lược TTX chưa rõ ràng; các dự án mà bộ, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương;

Thứ hai, có sự xung đột, trùng lặp nhau về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường...

Thứ ba, nguồn lực thực hiện TTX chủ yếu đến từ nguồn đầu tư công, sự tham gia của các thành phần ngoài ngân sách còn hạn chế. Nguồn tài chính phục vụ cho TTX ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính nhà nước, mà chưa phát huy được nguồn tài chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, khó khăn về nguồn vốn và nguồn lực đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang mô hình TTX của các địa phương. Dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức. Không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang TTX, tăng trưởng bền vững. Đó là những khó khăn đang đặt ra đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và với các địa phương.

Do vậy, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và TTX, cập nhật Chiến lược TTX cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về TTX, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Quan điểm của Đại hội XIII là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ những căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, việc thực hiện chiến lược TTX là cần thiết, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc khác nhau, phát huy năng lực, nâng cao tính bình đẳng về khả năng tiếp cận cơ hội và thụ hưởng thành quả của sự phát triển đối với mỗi người dân.

Trong đó, hoàn thiện thể chế là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu cần được thực hiện ngay. Để làm được điều này, cần xây dựng khung pháp lý và chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn tiêu chí xanh cho các chương trình, dự án sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời, tích hợp các mục tiêu TTX vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình TTX. TTX phải là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, các Bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện khung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp TTX để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu.

Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược và mức độ xanh hóa của nền kinh tế.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng

Cần nhận thức rõ, tiếp cận với TTX không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Từ nâng cao nhận thức về lợi ích của TTX, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho TTX. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động TTX, gắn kết chỉ tiêu TTX trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành.

Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong TTX bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.

Do đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện TTX, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Tuyên truyền sâu rộng để nhân dân tham gia sâu hơn trong nền kinh tế xanh, các chuỗi của TTX, trước hết là với lối sống xanh, tiêu dùng xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới cho thấy, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân [1]. Theo đó, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình mục tiêu cho biến đổi khí hậu và giai đoạn 2016-2020 ước tính phân bổ khoảng 15.800 tỷ đồng, trong đó 30% cho TTX. Có thể nói, nguồn lực công đang bị phân tán cho rất nhiều mục tiêu ưu tiên khác nhau nên phần dành cho TTX hiện rất hạn hẹp [2].

Trong khi đó, nguồn đầu tư tư nhân cho TTX mang tính quyết định, đảm bảo thành công TTX bao gồm: các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình. Tổng vốn đầu tư cho mục tiêu này hiện đạt gần 2,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng. Trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách, vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam, bởi trên 40% GDP được đóng góp từ khu vực tư nhân [1].

Để thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho TTX và bền vững tại Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông. Mục đích của khoản tín dụng này là hỗ trợ mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, tạo ra những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh thông qua việc nâng cao hiệu quả nền tảng ngân hàng công nghệ số và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của phân khúc này [1]. Để huy động được đầu tư tư nhân, chính sách của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì các chính sách ngắn hạn để tạo sự tin tưởng của khối tư nhân.

5. Kết luận

TTX là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nền kinh tế ngày càng trở nên dễ bị tổn thương… do đó TTX là con đường tất yếu để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Để đạt được những mục tiêu cho TTX, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế; truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hiện; phát triển nguồn nhân lực... Trong đó, hoàn thiện thể chế là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu cần được thực hiện ngay.

Việt Nam cũng cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và quản trị. Qua đó, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. 

Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho TTX.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2016), Báo cáo tổng quan:  Việt Nam 2035 hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

3. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2019), Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số 7/2019.

4. Thu Hường (2021), Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân.,Tạp chí Con số và Sự kiện, số 11/2021.

5. Thảo Nguyên (2021), Tăng trưởng xanh - Chìa khóa của phát triển bền vững, Tạp chí Tuyên giáo, số 10/2021.

6. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2019), Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số tháng 7/2019.

7. Viên Thế Giang (2017), Tài chính cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam - Khuôn khổ chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ. Tập 20, số 2/2017

8. OECD (2011), Towards Green Growth.

9. Phạm Thị Bích Thảo (2020), Một số vấn đề về kinh tế xanh tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính. Kỳ 1, tháng 9.

10. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication.

11. UNESCAP (2012), Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific, Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities, Bangkok: UNESCAP.

12. UNICEF, UNDP (2022), Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

13. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

14. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

 

 

Các tin đã đưa ngày: