Hội nghị nhằm giới thiệu những hiện tượng, tư liệu văn hóa và văn hóa dân gian mới phát hiện, thông báo những kết quả nghiên cứu mới; tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa và văn hóa dân gian trong và ngoài nước; trình bày và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, một vấn đề cần tranh luận đối với một tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường.
Ban tổ chức đã nhận được 81 báo cáo và đã có 09 báo cáo được trình bày tại Hội nghị. Nội dung các báo cáo được chia thành 05 tiểu ban: tiểu ban văn học dân gian; tiểu ban lễ hội, tín ngưỡng, phong tục; tiểu ban văn hóa làng; tiểu ban nghệ thuật dân gian; tiểu ban những vấn đề chung. Trong đó, tiểu ban lễ hội, tín ngưỡng, phong tục là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và viết báo cáo (34 báo cáo).
Nhìn chung năm nay các nhà nghiên cứu đã mở rộng lĩnh vực văn hóa học trên nhiều bình diện văn học, nghệ thuật, lễ hội, tín ngưỡng, xã hội, văn hóa làng xã… Có nhiều báo cáo nghiên cứu đi sâu một vấn đề, chủ thể cụ thể như “Bước đầu tìm hiểu lễ cấp sắc của người Dao và chức năng xã hội của nó”(Vũ Thị Diệu) đã khẳng định những đặc điểm văn hóa tộc người, nhìn nhận xã hội và cấu kết cộng đồng của người Dao thông qua một nghi lễ cấp sắc truyền thống; hay “Hát ru của người Thái ở Sốp Cộp Sơn La” (Nguyễn Thị Huế, Đặng Huy Thắng) phần nào thấu hiểu được tâm tình con người Thái gửi vào trong làn điệu người mẹ hát ru con, cuộc sống sinh hoạt và những nét đẹp tinh thần… Sau Hội nghị, các báo cáo sẽ được biên tập và xuất bản thành sách để công bố vào năm 2013.
Đỗ Thị Mai