Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_thuvien (2)
  • 15.2 Hoạt động thông tin thư viện - Tạp chí

Hội thảo trao đổi nghiệp vụ công tác thư viện năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

27/06/2017

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện tiến tới xây dựng mô hình thư viện hiện đại; nhằm đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ trong triển khai các dự án đầu tư về xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, ngân hàng dữ liệu, số hóa tài liệu cho hệ thống thư viện trong giai đoạn 2015-2018, ngày 21/6/2017, tại Cát Bà, Hải Phòng, Viện Hàn lâm tổ chức hội thảo trao đổi nghiệp vụ công tác thư viện năm 2017 với mục tiêu nâng cao sự thống nhất, kết nối và đồng bộ trong nhận thức và triển khai các hoạt động nghiệp vụ thư viện thuộc hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Thủy Lan, Phó Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn Thanh niên cùng các cán bộ phụ trách thư viện thuộc Viện Hàn lâm, các cán bộ chuyên trách trong các ban chức năng Viện Hàn lâm và các báo cáo viên thuộc Công ty tư vấn hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công tác hiện đại hóa thư viện.

<br>PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc tại Hội thảo   Chủ trì Hội thảo (từ trái sang phải): PGS.TS. Vũ Hùng Cường;<br> PGS.TS. Bùi Nhật Quang và  TS. Nguyễn Thủy Lan

Cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển mạnh mẽ và có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia. Theo đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin – thư viện đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của thư viện trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm gần đây, Viện Hàn lâm đã triển khai đầu tư bài bản một số dự án lớn để tăng cường năng lực cho các thư viện của Viện Hàn lâm nhằm xây dựng hệ thống thư viện thống nhất theo hướng hiện đại với mô hình thư viện trung tâm – thư viện thành viên. Trong đó, Thư viện Khoa học xã hội (Thư viện KHXH) thuộc Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Thông tin KHXH) là trung tâm, các thư viện chuyên ngành khác là thành viên. Đây là kênh quan trọng không chỉ phục vụ hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo của Viện Hàn lâm và cả nước mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và hội nhập quốc tế.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định: Năm 2017 là năm bản lề trong kế hoạch triển khai Dự án “Xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và ngân hàng dữ liệu toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” do Viện Thông tin KHXH là chủ đầu tư, theo kế hoạch, tất cả các dự án đều kết thúc vào năm 2018. Do vậy, để đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm trở thành thư viện hiện đại, có tính liên thông, đồng bộ giữa Thư viện KHXH và các thư viện thành viên, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm của Hội thảo cần hướng tới là trao đổi nghiệp vụ công tác thư viện và tập trung thảo luận các nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Các thư viện thuộc Viện Hàn lâm cần tập trung đẩy mạnh công tác số hóa toàn bộ nguồn tài nguyên thông tin và đổi mới phương thức hoạt động, chuẩn hóa các khâu nghiệp vụ và nâng cao hiệu quả thông tin theo mô hình thư viện trung tâm; nguồn lực thông tin cần được qui tụ, chia sẻ trong toàn hệ thống thư viện Viện Hàn lâm trên nền tảng hạ tầng kĩ thuật CNTT và các thiết bị hiện đại nhằm xây dựng thành công thư viện điện tử tích hợp và thư viện số trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai: Cần chú trọng lưu trữ nguồn tài liệu nội sinh của Viện Hàn lâm để đưa vào Thư viện KHXH cũng như các thư viện chuyên ngành.

Thứ ba: Thư viện KHXH cần phát huy đúng vai trò, định hướng để dẫn dắt phát triển, là đầu mối kết nối của thư viện trung tâm trong hệ thống các thư viện chuyên ngành; xây dựng và phát triển Thư viện KHXH thành một trung tâm thông tin có hạ tầng trang thiết bị hiện đại ứng dụng công nghệ cao trong mọi hoạt động có tính kết nối cao về hạ tầng kĩ thuật và nghiệp vụ với các viện chuyên ngành; trở thành đầu mối tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ đáp ứng yêu cầu trình độ, kĩ năng, đáp ứng nhu cầu thực dùng thông tin chất lượng cao…

Thứ tư: Các thư viện chuyên ngành cần chủ động xây dựng đề án, đề xuất tiếp tục nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm quản lý thư viện hiện đại, tiên tiến, đồng bộ với Thư viện KHXH; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu thư mục, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn văn của các dạng tài liệu…

Thứ năm: Viện Thông tin KHXH cần tích cực liên tục rà soát, giám sát thúc đẩy tiến độ, chất lượng sản phẩm của từng gói nhiệm vụ; các đơn vị trực thuộc cần phối hợp chặt chẽ với Viện Thông tin KHXH trong đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiến độ dự án.

Thứ sáu: Viện Thông tin KHXH tiếp tục chủ động, tổng hợp nhu cầu đầu tư của các thư viện thành viên; xây dựng dự án tăng cường năng lực nhằm đảm bảo tính thống nhất mục tiêu phát triển thư viện trong toàn Viện Hàn lâm giai đoạn tiếp theo.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường trình bày báo cáo tại Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 12 tham luận được chia làm 02 phiên thảo luận. Đại diện lãnh đạo Viện Thông tin KHXH, Viện trưởng - PGS.TS. Vũ Hùng Cường trình bày báo cáo về hoạt động của hệ thống thư viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Hướng tới mô hình thư viện hiện đại và hội nhập. Báo cáo đã đánh giá những thành công và hạn chế của công tác thông tin – thư viện của Viện Hàn lâm trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề xuất phương hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin – thư viện tại Viện Hàn lâm trong thời gian tới. 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Bên cạnh đó, các diễn giả đến từ các công ty phối hợp thực hiện dự án (D&L, IDT Việt Nam, TNHH Nam Hoàng, IGroup) và các cán bộ phụ trách công tác thư viện của Viện Thông tin KHXH và Viện KHXH vùng Nam Bộ đã trình bày những nội dung chính: Một số vấn đề trong công tác triển khai hệ thống thư viện điện tử tại Viện Hàn lâm; Kết nối mạng lưới thư viện toàn cầu OCLC và khả năng ứng dụng vào Viện Hàn lâm; Hiện trạng CSDL tại Viện Hàn lâm; Giải pháp số hóa tổng thể phục vụ lưu trữ, tìm kiếm chia sẻ nguồn tài nguyên tại Viện Thông tin KHXH và các viện thành viên; Xu thế của nguồn tin điện tử đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và vấn đề đăng bài tạp chí quốc tế; Quản lý hệ thống đơn đặt và các nhà cung cấp trong phần mềm quản trị thư viện tích hợp – Kinh nghiệm của Viện Thông tin KHXH; Công tác biên mục tại các thư viện thuộc Viện Hàn lâm: Thực trạng và định hướng phát triển; Công tác ứng dụng công nghệ mã vạch tại Thư viện KHXH: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra; Công tác bảo quản và khai thác tài liệu tại Thư viện KHXH vùng Nam Bộ; Mượn liên thư viện – Kinh nghiệm và đề xuất cho hệ thống Viện Hàn lâm; Vấn đề bảo quản, khai thác các nguồn tài liệu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự tập trung vào các vấn đề (công tác bổ sung ngoại văn; truy cập cơ sở dữ liệu của nước ngoài; triển khai công tác tập huấn; bổ sung các tài liệu nội sinh; thiết bị số hóa của các tài liệu thư viện; cần phối hợp với các thư viện trong việc rà soát tài liệu photo, số hóa cũng như phối hợp với chuyên gia của các đơn vị để hiệu đính…).

Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thư viện hướng tới triển khai đồng bộ, hiệu quả các dự án tăng cường năng lực cho hệ thống thư viện hiện nay. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng hệ thống thư viện hiện đại nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ nghiên cứu và đào tạo của Viện Hàn lâm cũng như độc giả trong nước và quốc tế trong bối cảnh hội nhâp.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: