Sử dụng tiếp cận xã hội học, các lý thuyết đương đại về giá trị và giá trị gia đình để xây dựng bảng hỏi nghiên cứu gồm khoảng 800 biến số đo lường cụ thể các chiều cạnh khác nhau của giá trị gia đình, triển khai khảo sát bằng phương pháp hỏi trực tiếp giữa điều tra viên và người trả lời ở tất cả các địa bàn khảo sát, với tổng số 1759 người, được chọn theo các tiêu chí đảm bảo đại diện giới tính, nông thôn/đô thị, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, và tuổi, tại 6 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế xã hội, gồm Yên Bái, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Dak Lak, thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau; với các kỹ thuật phân tích mô tả và hồi quy đa biến kết hợp với các phỏng vấn sâu nhóm cán bộ lãnh đạo, đại diện người dân, do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2017-2019, cuốn sách "Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại" phân tích bốn nhóm giá trị chính:
1) Các giá trị gia đình truyền thống;
2) Các giá trị gia đình được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật và chính sách;
3) Các giá trị cộng đồng phản ánh mối quan hệ của gia đình với quốc gia và dân tộc;
4) Các giá trị phản ánh sự chuyển đổi từ hiện đại sang hậu hiện đại.
Các giá trị này được phân tích theo năm lĩnh vực chính:
(1) Nhóm giá trị về hình thành hôn nhân và gia đình.
(2) Nhóm các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình.
(3) Nhóm các giá trị con cái của gia đình.
(4) Nhóm các giá trị phản ánh đặc điểm các mối quan hệ trong và ngoài gia đình.
(5) Nhóm các giá trị kinh tế của gia đình.
Nghiên cứu cho thấy những biểu hiện phong phú các đặc điểm giá trị gia đình nổi bật trong bối cảnh xã hội chuyển đổi ở Việt Nam, bao gồm các đặc trưng về xu hướng bảo lưu các giá trị gia đình truyền thống; xu hướng chấp nhận/ủng hộ các giá trị gia đình hiện đại/hậu hiện đại; những khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình, theo từng nhóm xã hội mang những đặc điểm khác nhau của hiện đại hoá và văn hoá, dưới những tác động phức hợp của tính đa dạng văn hoá, đa tộc người, định hướng xã hội chủ nghĩa, giá trị phương Tây của quá trình hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ, và cả những tàn dư của thời kỳ phong kiến trong lĩnh vực gia đình.
Cuốn sách gồm 529 trang, chia làm 8 Chương:
Chương 1.Khái niệm, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Chương 2. Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội
Chương 3. Giá trị về hình thành hôn nhân và gia đình
Chương 4. Giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình
Chương 5. Giá trị con cái của gia đình
Chương 6. Giá trị các mối quan hệ trong và ngoài gia đình
Chương 7. Các giá trị kinh tế của gia đình
Chương 8. Kết luận và khuyến nghị về các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại.
Tập thể tác giả:
-
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi (chủ biên)
-
Th.S. Nguyễn Hà Đông
-
TS. Trần Thị Hồng
-
Th.S. Trần Quý Long
-
TS. Trịnh Thái Quang
-
TS. Lê Ngọc Lân
-
Th.S Nguyễn Đức Tuyến
-
Th.S. Phan Huyền Dân
-
Th.S Trần Thị Thanh Loan
Cuốn sách là sản phẩm thuộc Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nhà xuất bản Khoa học xã hội in ấn và phát hành năm 2021.
Thông tin liên hệ mua sách:
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội
Điện thoại: 0243 9331743/44 0243 8252372 Email: ifgs@vass.gov.vn.
Ban Biên tập
Nguồn: Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới