Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_thuvien (2)
  • 15.2 Hoạt động thông tin thư viện - Tạp chí

Hội thảo khoa học quốc tế “Kho tư liệu ảnh EFEO lưu trữ tại thư viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”

26/11/2021

Chiều ngày 25/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (KHXH) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Kho tư liệu ảnh EFEO lưu trữ tại thư viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”. Hội thảo diễn ra theo hai hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với hai điểm cầu tại Hà Nội (Việt Nam) và Paris (Pháp).

PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía điểm cầu Pháp có GS. Christophe Marquet, Giám đốc EFEO; TS. Isabelle Poujoi, chuyên gia phụ trách kho ảnh tại EFEO, Paris. Về phía điểm cầu Hà Nội có Ông Philippe Le Failler, Trưởng đại diện EFEO tại Hà Nội; Ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí xưa và nay; ThS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Hội Thư viện các trường Cao đẳng và Đại học; TS. Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học. Về phía Viện Thông tin KHXH có PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng; PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng; GS.TS. Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng cùng các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm.

Ngày 15/12/1898, toàn quyền Đông Dương – Paul Doumer đã ký Nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương. Cho đến ngày 26/2/1901, Tổng thống Pháp Esmile Loubet đã ký sắc lệnh chính thức công nhận việc thành lập EFEO, kể từ đây cơ quan này trở thành thiết chế của nhà nước Pháp. Việc thành lập EFEO mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền thuộc địa qua việc nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử, địa lý nhân văn, ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật kiến trúc xứ Đông Dương... góp phần bổ sung hệ thống tri thức về Ấn Độ, Trung Hoa. Bên cạnh đó, EFEO còn mang trên mình trọng trách bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu về kho ảnh ở nhiều khía cạnh: lưu trữ, bảo quản, số hóa, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu; đồng thời hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế đối với các hoạt động trên với các đối tác để chia sẻ và lan tỏa tri thức, di sản mà thế hệ trước đã để lại.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Lê Hải Đăng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến; đồng thời nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn đối với sự hình thành và phát triển EFEO trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Phó Giáo sư Lê Hải Đăng cho biết thêm, đối với Việt Nam, EFEO không chỉ để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị học thuật về khảo cổ, dân tộc học, sử học, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc mà còn góp phần cho ra đời nhiều nhà khoa học người bản xứ có tầm cỡ, lưu danh sử sách, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của khoa học xã hội Việt Nam như hiện nay.

Phó Viện trưởng Lê Hải Đăng khẳng định, sự phong phú và đa dạng của Cơ sở dữ liệu ảnh EFEO đã, đang và sẽ trở thành những di sản quý cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn sau này trong việc nghiên cứu những trầm tích di sản văn hóa dân tộc và là cứ liệu có tính thuyết phục mạnh mẽ nhất trong trùng tu, phục dựng lại các công trình văn hóa, lịch sử đã bị hủy hoại bởi chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Giáo sư Christophe Marquet đã nhấn mạnh đến mối quan tâm đặc biệt của EFEO là luôn hướng tới hoạt động bảo quản và lưu trữ kho ảnh giữa hai cơ quan. Đặc biệt là sự hợp tác giữa Viện Thông tin và EFEO có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của cả hai kho ảnh, từ đó hai bên đã bắt đầu thực hiện một dự án đầy triển vọng về Số hóa và đưa lên nền tảng trực tuyến toàn bộ phông ảnh. Kết quả là sẽ ra đời website cung cấp toàn bộ các hình ảnh được số hóa từ hai phông ảnh ở Paris và Hà Nội để phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như các độc giả quan tâm.

Các chuyên gia nghiên cứu tư liệu ảnh tại Thư viện KHXH

Thư viện KHXH do Viện Thông tin KHXH quản lý hiện lưu giữ nhiều tài liệu cổ do EFEO bàn giao lại vào năm 1957. Đặc biệt là Kho ảnh với gần 60.000 bức, một trong những Kho tư liệu quí hiếm vào loại bậc nhất ở Đông Nam Á về Đông Phương học. Kho ảnh là kết quả của quá trình sưu tầm, nghiên cứu của nhiều thế hệ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử ... đóng góp cho EFEO trước đây và Viện Thông tin sau này. Kho ảnh được chia thành 20 chủ đề lớn như: ảnh di tích lich sử Việt Nam (chụp các đình, chùa, đền, miếu, điện, nhà thờ, cung điện, thàng trì, lăng mộ), ảnh dân tộc (chụp các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, trên cao nguyên miền Trung hay ngư dân ven biển), ảnh sinh hoạt văn hóa (chụp các lễ hội tôn giáo, tục thờ cúng, lên đồng, hát bóng...). Đặc biệt, các bức ảnh chụp các di chỉ, hiện vật Khảo cổ học, các quá trình khai quật, khu vực khai quật tại một số vùng miền ở Việt Nam (hơn 3000 ảnh), ảnh chụp các di tích Văn hóa, di chỉ hiện vật nghệ thuật Chăm, các tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (hơn 2000 ảnh). Đây là những tư liệu lịch sử có giá trị đối với công tác nghiên cứu hiện nay.

Những bức ảnh hơn 100 năm tuổi, những bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử, lưu giữ truyền thống, văn hóa các dân tộc... tất cả đã tạo nên giá trị lịch sử, giá trị nghiên cứu vô giá cho kho ảnh của Viện Thông tin KHXH.

Hội thảo nhận được 07 tham luận, của các học giả Pháp và Việt Nam trình bày theo 02 nội dung chính: (1) Những vấn đề Khoa học xã hội và Nhân văn qua các tư liệu ảnh trong Kho tư liệu ảnh EFEO; (2) Kho tư liệu ảnh EFEO – bảo quản và khai thác giá trị tư liệu. Các báo cáo nêu bật được những đóng góp to lớn của kho tư liệu ảnh EFEO tại Thư viện KHXH không chỉ phục vụ hữu ích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mà còn là cơ sở khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu phục dựng, đặc biệt là phục dụng 3D đối với các công trình văn hóa- lịch sử, khảo cổ, tôn giáo, các khu di tích trong tương lai.

Từ những đóng góp lớn về kho ảnh, các nhà nghiên cứu sẽ phải đặt ra những định hướng về tổ chức bảo quản, lưu trữ và quảng bá khối tư liệu ảnh chung. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được Viện Thông tin giới thiệu về trang web kho tư liệu ảnh phối hợp thực hiện với EFEO Paris. Đây là nguồn tài nguyên thông tin trực tuyến lưu trữ toàn bộ kho dữ liệu số Ảnh EFEO phục vụ cho công tác tra cứu qua mạng Internet rất có ý nghĩa ứng dụng trong bối cảnh hiện nay.

Một góc trưng bày Kho tư liệu ảnh tại Thư viện KHXH

Hội thảo cũng đã khẳng định tính đặc thù và giá trị đặc biệt của kho ảnh tại Thư viện Khoa học xã hội so với các Kho tư liệu ảnh khác tại các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam và Pháp; đánh giá công tác quản lý, bảo quản, khai thác kho ảnh trong lịch sử và hiện tại. Qua đó góp phần gợi mở những định hướng gìn giữ và khai thác giá trị của kho ảnh cũng như tăng cường phối hợp với các nhà xuất bản, bảo tàng, các đơn vị phát hành nhằm quảng báo sâu rộng kho ảnh; phục vụ cho các hoạt động khoa học, văn hóa trong nước và quốc tế.

Tin: Nguyễn Thu Trang; Ảnh: Viện Thông tin KHXH

Các tin đã đưa ngày: