Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_thuvien (2)
  • 15.2 Hoạt động thông tin thư viện - Tạp chí

Hội thảo “Tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021”

24/11/2022

Chiều ngày 23/11/2022, tại trụ sở số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo “Tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, đông đủ đại biểu là các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn các tạp chí; đại diện Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm; Ban Tổ chức - Cán bộ, Ban Kế hoạch - Tài chính Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và PGS.TS. Nguyễn Tài Đông đồng chủ trì hội thảo

Viện Hàn lâm có tổng số 42 đơn vị thuộc và trực thuộc (Theo Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ), trong đó có 05 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; 37 đơn vị sự nghiệp công lập được phân chia thành 33 đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, 01 đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), 01 đơn vị thuộc lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Học viện Khoa học xã hội); 02 đơn vị thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông (Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam).

Trong 42 đơn vị được quy định tại Nghị định 99 nêu trên, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm. Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có 32 tạp chí chuyên ngành, đa ngành, là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói chuyên ngành về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn do các viện nghiên cứu trực thuộc quản lý.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu tham dự hội thảo. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cho biết, thời gian qua, các tạp chí của Viện Hàn lâm đã thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích và các quy định hiện hành của Luật Báo chí, Luật xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực báo chí, xuất bản. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm được công bố trên 33 tạp chí chuyên ngành, đa ngành đã tạo được danh tiếng, được cộng đồng khoa học thừa nhận và đánh giá cao, góp phần quảng bá hình ảnh của Viện Hàn lâm tới các nhà nghiên cứu và bạn đọc trên thế giới. Các bài viết của Tạp chí đã góp phần việc xây dựng, hoạch định và thực hiện những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tạp chí vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, nhiều tạp chí chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập, cũng như các tiêu chuẩn về chất lượng so với các tạp chí quốc tế. Tình trạng để tồn kho số lượng lớn tạp chí nhưng không được điều chỉnh vẫn còn tồn tại, chưa đảm bảo việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Viện Hàn lâm cần khẩn trương xây dựng phương án, lộ trình tổ chức sắp xếp lại các tạp chí trực thuộc, hoàn thành mục tiêu sắp xếp, kiện toàn, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tạp chí theo hướng thu gọn đầu mối, giảm số lượng tạp chí in, chuyển dần sang hình thức tạp chí điện tử đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Chủ tịch mong muốn, các đại biểu tham dự hội thảo tích cực thảo luận, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các tạp chí trong giai đoạn 2019-2021 và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tạp chí cũng như gợi mở các phương án tổ chức sắp xếp lại các tạp chí trong thời gian tới.

ThS. Ngô Tiến Phát trình bày báo cáo tại hội thảo

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ThS. Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban, Ban Tổ chức – Cán bộ cho biết, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, Viện Hàn lâm có 34 tạp chí trực thuộc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động, trong đó: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan ngôn luận, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Hàn lâm; 33 tạp chí chuyên ngành và đa ngành là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của các đơn vị, là diễn đàn khoa học của ngành, của bạn đọc quan tâm đến những tiến bộ và các kết quả trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả trong và ngoài nước.

Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Viện Hàn lâm còn 33 tạp chí (giảm 01 Tạp chí so với giai đoạn trước năm 20219, do sáp nhập 02 tạp chí của Viện Kinh tế Việt Nam thành 01 tạp chí trực thuộc Viện). Cùng với đó, Viện Hàn lâm đã thực hiện Đề án thí điểm vị trí việc làm, chức danh chuyên môn tại Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới và Tạp chí Xã hội học với việc chuyển đổi mô hình Phòng Biên tập trị sự sang mô hình vị trí việc làm chức danh chuyên môn Thư ký tòa soạn, nhằm mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đến nay các tạp chí chuyên ngành, đa ngành của các tổ chức khoa  học và công nghệ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Hàn lâm cơ bản sắp  xếp và chuyển đổi mô hình Phòng biên tập trị sự sang vị trí việc làm chức danh chuyên môn Thư ký tòa soạn, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từng bước thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

ThS. Ngô Tiến Phát cũng phân tích, chỉ ra, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, công tác tạp chí ở các đơn vị còn bộc lộ một số hạn chế như: (i) Đa số các tạp chí đều có nguồn bài viết khá phong phú nhưng những  bài viết có giá trị khoa học và thực tiễn còn hạn chế, chất lượng không đồng đều, chưa đảm bảo về nội dung và thể thức trình bày, kết cấu chưa cân đối giữa các bài lý luận, học thuật và thực nghiệm. Đặc biệt, chất lượng các bài viết tiếng Anh còn bộc lộ khá nhiều hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc đặt hàng chuyên gia các bài viết. (ii) Danh mục các ngành và liên ngành được tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước còn ở mức thấp, chỉ số trích dẫn của các tạp chí chưa cao. (iii) Các tạp chí được xuất bản chủ yếu được dùng để trao đổi, biếu tặng các  cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế; việc đẩy mạnh phát hành, tăng doanh thu còn ở mức thấp. Lượng phát thấp, để tồn kho số lượng lớn. (iv) Đội ngũ lãnh đạo tạp chí và viên chức, người lao động làm việc trong các tạp chí  hầu hết chưa được đào tạo về nghiệp vụ báo chí; lãnh đạo các tạp chí chủ yếu do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng kiêm nhiệm; số lượng nhân sự có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ báo chí, chứng chỉ quản lý nhà nước về báo chí còn thấp, chủ yếu là viên chức giữ chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên làm công tác tạp chí, số lượng viên chức được đào tạo bài bản về báo chí rất hiếm hoi. (v) Đối với 13 tạp chí có xuất bản phiên bản tiếng Anh, đội ngũ cộng tác viên biên dịch và biên tập thiếu cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn gặp khá nhiều khó khăn,  chất lượng các bài viết tiếng Anh còn hạn chế….

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các tạp chí trong giai đoạn 2019-2021 và thảo luận, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tạp chí cũng như gợi mở các phương án tổ chức sắp xếp lại các tạp chí trong thời gian tới. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đề nghị (1) Ban Tổ chức – Cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm theo hướng thu gọn đầu mối, giảm số lượng tạp chí in, chuyển dần sang hình thức tạp chí điện tử đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. (2) Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các tạp chí; tập trung đầu tư ngân sách để xây dựng một số tạp chí chủ lực có thế mạnh, tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. (3) Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm phù hợp với các quy định của pháp luật, hướng dẫn thống nhất các đơn vị trong tổ chức và triển khai các hoạt động của tạp chí. (4) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản cho viên chức làm công tác tạp chí. Xây dựng đội ngũ viên chức quản lý, biên tập viên, biên dịch viên, người lao động có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển tạp chí trong tình hình mới. (5) Rà soát lại số kỳ xuất bản cũng như số lượng in mỗi kỳ của các tạp chí cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh tình trạng để tồn kho số lượng lớn các tạp chí. (6) Rà soát, thực hiện thủ tục cấp đổi lại giấy phép hoạt động báo chí theo quy định tại Luật Báo chí…

 

 

PV.

 

Các tin đã đưa ngày: