Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_thuvien (2)
  • 15.2 Hoạt động thông tin thư viện - Tạp chí

Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024

23/03/2024

Sáng 22/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo Báo cáo Tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023, cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4% so với năm 2022) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Qua phân tích số liệu về cơ cấu sách cho thấy, hầu hết các loại sách đều có biến động nhẹ, tăng giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Duy chỉ có sách thiếu niên, nhi đồng tăng mạnh cả về số lượng đầu sách và bản in. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,350 tỷ đồng (tăng 4,98%).

Cả nước có 2.011 cơ sở phát hành sách (giảm 1,91%). Toàn ngành đã phát hành trên 544.000.000 xuất bản phẩm (tăng 5,2%); doanh thu đạt khoảng 4.671 tỷ đồng (tăng 3,8%) so với năm 2022. Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu đạt 210.000 bản (giảm 29,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 14,7 triệu bản (giảm 12,43%).

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho thấy việc phát triển mạng lưới phát hành trong năm 2023 có nhiều dấu ấn tích cực. Cụ thể trong năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Đường sách thành phố Thủ Đức, vốn đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, có 12 đơn vị là các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách, doanh nghiệp văn hóa, dịch vụ tham gia với 22 gian hàng kinh doanh sách và cà phê sách, các không gian tương tác… Thành phố Thủ Đức cũng ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay trong không gian đường sách, với nhiều tác phẩm, tư liệu có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản xây dựng nền tảng riêng cho sách số, trong khi nhiều đơn vị kết hợp với Waka, Fonos... để phát hành sách điện tử, sách nói.

Công tác truyền thông quảng bá cũng là một trong những nét sáng, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của ngành.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

“Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Báo cáo, tham luận của các đại biểu đã nêu rất rõ, đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét.

Đó là tình trạng yếu kém ở một số nhà xuất bản dẫn đến vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng thấp, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải ban hành văn bản nhắc nhở, xử lý; vấn đề bất cập trong mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản; tình trạng buông lỏng quy trình xuất bản sách liên kết; nguy cơ tụt hậu về công nghệ ở một số nhà xuất bản... Những hạn chế, thách thức đều đã được nhận diện, đã được phản ánh nhiều lần, chỉ ra từ lâu, nhưng việc giải quyết, khắc phục vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

 Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra không gian mới. Trong ngành xuất bản xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới về công nghệ số, chưa từng làm xuất bản. Để kịp thời thích ứng, ngành xuất bản cần tích cực đổi mới, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, để có những công nghệ xuất sắc. Xuất bản phải hoạt động đồng thời ở hai không gian: Không gian cũ, truyền thống với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng; không gian mới sẽ giúp mở rộng thị trường và phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn, nhưng họ có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc mà không đọc, tức là hỏi trợ lý ảo... Khi có nhiều cách đọc hơn tức là không gian của xuất bản rộng hơn, không gian để sáng tạo cũng vì thế rộng hơn rất nhiều. Xuất bản phải tạo ra sản phẩm phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, cần tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động, thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, đến giới thiệu truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả, phân tích dữ liệu. Nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách. Vì thế, xuất bản cần mở rộng hợp tác, nhất là các công ty công nghệ…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng Cờ thi đua cho 9 đơn vị xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023; tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023. Trong đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội và đồng chí Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Phạm Minh Phúc được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

PV

Các tin đã đưa ngày: