Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Trần Thanh Huyền chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần 150 đại biểu là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn Côn Đảo, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc UBND huyện:, Ban Quản lý Công trình công cộng, Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, Hội du lịch huyện Côn Đảo, đại diện cán bộ các Khu dân cư, tổ dân cư.
Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Côn Đảo
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Trần Thanh Huyền cho biết, ngày 27/5/2024, UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2024. Theo đó, Quy định áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh và chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
Nhằm triển khai thực hiện các quy định của UBND tỉnh về quản lý chất thải và triển khai Đề án Kinh tế tuần hoàn huyện Côn Đảo, hôm nay, UBND huyện Côn Đảo phối hợp Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo - Tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Côn Đảo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Trần Thanh Huyền hoanh nghênh và cảm ơn Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan đã lựa chọn Côn Đảo là địa bàn nghiên cứu, đồng thời tổ chức các hoạt động tăng cường năng lực về quản lý chất thải, từ đó thông tin đến cán bộ và nhân dân huyện Côn Đảo các quy định và chính sách mới về quản lý chất thải rắn. Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền nhấn mạnh "với sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và nhà khoa học, huyện Côn Đảo sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững".
Trước đó, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Đề án đã đặt ra các chỉ tiêu rất cao về tỷ lệ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giảm rác thải nhựa cùng túi ni lông khó phân hủy.
Phát biểu tại tập huấn, TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, chương trình tập huấn với mục tiêu giới thiệu các quy định, kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn; quy đinh quản lý chất thải rắn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng; cách thức triển khai, xây dựng mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại một số đảo. Thông qua các hoạt động này, cũng sẽ giúp cán bộ và nhân dân địa phương trong việc triển khai Đề án kinh tế tuần hoàn thông qua các giải pháp về phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo nguyên tắc khép kín.
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn được xác định là một trong những thực hành hiệu quả để giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, góp phần cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện. Việc triển khai thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn tại Côn Đảo góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, giúp người dân từng bước hình thành thói quen phân loại rác, từ đó giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, rác thải sau phân loại sẽ trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế, hướng tới hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Mỗi cá nhân, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương, người dân, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại rác thải sinh hoạt.
Phân loại rác tại nguồn là bước đầu tiên hướng đến kinh tế tuần hoàn
Cũng trong khuôn khổ nhiệm vụ Bảo vệ môi trường năm 2024, đoàn công tác của Viện Địa lý nhân văn đã có buổi làm việc với UBND huyện Côn Đảo và các phòng/ban đơn vị có liên quan về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Côn Đảo. Đồng thời thị sát, khảo sát những mô hình tái chế chất thải theo Đề án kinh tế tuần hoàn đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Trần Thanh Huyền, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Tuy nhiên, đây là Đề án đầu tiên trong cả nước, đặt ra cho lãnh đạo địa phương phải đối mặt với những thách thức phát sinh vì mô hình Kinh tế tuần hoàn có nhiều nội dung mới mẻ, một số cơ chế, chính sách hiện tại chưa quy định và chưa được địa phương nào trong cả nước thực hiện.
Trong đó mục tiêu tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần là một trong những mục tiêu quan trọng, lâu dài. Theo đề án đến 2030, 50% chất thải rắn sinh hoạt và 100% rác thải hữu cơ tại Côn Đảo được thu gom, xử lý theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cơ sở vật chất hạ tầng của huyện hiện chưa đảm bảo. Lượng rác thải tồn đọng chưa được xử lý, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hoàn thành, phương tiện thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt đã cũ và thiếu về số lượng. Các mô hình xử lý rác thải hữu cơ và rác thải tái chế hiện vẫn là mô hình nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tái chế rác thải mà đề án đặt ra.
Theo Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo phát sinh 24-27 tấn rác, cùng với hàng chục ngàn tấn rác tồn đọng từ nhiều năm trước tại khu vực Bãi Nhát chưa được xử lý khiến rác thải Côn Đảo trở thành vấn đề cấp bách. Địa phương đang tập trung tháo gỡ.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo, song song với nhiệm vụ xử lý dứt điểm lượng rác thải đang tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Mục tiêu của dự án là xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện Côn Đảo, tái chế một số sản phẩm có ích nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường thuận lợi về xử lý chất thải sinh hoạt để thu hút đầu tư khác tại địa phương. Dự kiến công suất xử lý giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và đến năm 2045 là 66,23 tấn/ngày.
Qua điều tra, khảo sát thực tế và làm việc với các phòng ban của huyện Côn Đảo, đoàn công tác kiến nghị, đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Côn Đảo hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Đề án kinh tế tuần hoàn triển khai có hiệu quả, sát với thực tế, trước mắt cần tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, cần có hành lang pháp lý, quy định, chính sách rõ ràng và tiêu chí cụ thể trong việc xác định các dự án, mô hình tuần hoàn.
Do đó, Côn Đảo phải xây dựng kế hoạch quản lý rác thải sinh hoạt và cải thiện cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Cụ thể, Côn Đảo cần duy trì việc dọn vệ sinh, xử lý triệt để rác thải tồn đọng, cũng như sớm vận hành nhà máy xử lý chất thải. Về lâu dài, rác thải phải được phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý triệt để.
TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam