Áp lực về gia tang chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch với đảo Phú Quý
Báo cáo với đoàn công tác, ông Tạ Minh Nhựt - Phó Bí thư huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách đất liền khoảng 56 hải lý (120 km) về hướng Đông Nam. Diện tích tự nhiên 17 km2, với dân số khoảng 30.000 người. Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông Nam, huyện đảo Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ với nhiều bãi tắm đẹp. Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ trong ngày, mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý.
UBND huyện chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc triển khai và hướng dẫn cụ thể cho các phòng, ban, ngành và UBND các xã thực hiện, đạt được những kết quả đáng ghi nhận Theo Tiêu chí số 17 về Môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 03 xã đều đã đạt Chuẩn nông thôn mới; tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, các tiêu chí liên quan đến quản lý chất thải rắn được đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, nổ lực “chung sức, chung lòng” thực hiện nhằm đạt kết quả cao. Ở các xã có thành lập các tổ thu gom để thu gom rác đối với các hộ dân không nằm trên các tuyến đường chính, không có xe thu gom rác của Ban quản lý công trình công cộng đi ngang qua. Đối với rác thải là bao bì, chai nhựa từ các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý riêng.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển là vấn đề ô nhiễm môi trường, mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái khu vực huyện đảo Phú Quý. Theo ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quý, ước tính mỗi ngày khối lượng rác thải phát sinh khoảng 30-40 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác được BQL Công trình Công cộng thu gom và vận chuyển về Nhà máy để tiếp nhận và xử lý khoảng 25 tấn/ngày rác thải sinh hoạt của huyện, còn một lượng rác thải chưa được thu gom hết (bao gồm cả rác thải đại dương), một phần nào đó cũng chấm dứt được tình trạng ô nhiễm môi trường. Hoạt động của Nhà máy được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát. Đến nay số lượng rác đều được Nhà máy xử lý theo công nghệ đốt.
UBND huyện có trang bị cho Ban quản lý Công trình công cộng 03 ô tô ép rác chuyên dùng (03 ô tô lớn loại 05 tấn) thực hiện thu gom vận chuyển bao gồm 03 tài xế và 20 Người lao động thu gom chất thải rắn đi theo xe. Hiện nay toàn bộ chất thải rắn trên địa bàn bao gồm chất thải rắn ven biển và trong cộng đồng dân cư đã được Ban Quản lý Công trình công cộng thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định.
Theo khảo sát thực tế về công tác quản lý chất thải sinh hoạt tại đảo Phú Quý cho thấy, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn. Lượng du khách tăng quá nhanh trong thời gian gần đây đặt ra không ít thách thức cho đảo Phú Quý (Bình Thuận), nhất là hạ tầng về điện, nước và xử lý rác thải... Từ năm 2021, tại đảo Phú Quý có Nhà máy xử lý và tái chế Đa Lộc Phú Quý với công suất 70 tấn rác/ngày giải quyết 100% lượng rác thải phát sinh hàng ngày tại địa phương. Nhưng với sự phát triển của du lịch, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trên địa bàn khá lớn. Nỗi lo tác động đến môi trường do rác thải là vấn đề nhức nhối ở đảo Phú Quý từ lâu nay.
Xây dựng mô hình phân loại rác dựa vào cộng đồng phù hợp với huyện đảo Phú Quý
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động, Viện Địa lý nhân văn phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và UBND huyện Phú Quý tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến các mô hình về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa cho người dân huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Hội nghị - Tập huấn về phân loại rác tại nguồn, hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa có đại diện các Phòng/ban, cơ quan huyện Phú Quý; đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải sinh hoạt; các cơ quan, đơn vị, trường học; cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã; trưởng khu dân cư và người dân; các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông qua Hội nghị đã giới thiệu tổng quan các văn bản quy định, kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn; chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng, mô hình giảm thiểu rác thải nhựa; cách thức triển khai, xây dựng mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại một số đảo...
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Đáp (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi rác thải sinh hoạt) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại (chậm nhất từ ngày 01/01/2025): chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Do vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại rác là nội dung rất quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả quy định của Luật BVMT.
Để góp phần nâng cao công tác phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 16/4/2024 về Kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các giải pháp trong công tác quản lý cũng như tổ chức thực hiện.
Chia sẻ về các kinh nghiệm, giải pháp phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại các đỏa, PGS.TS. Kiều Thị Kính (Đại học Đà Nẵng) cho biết, ô nhiễm trắng đã trở thành khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài học của Cù Lao Chàm thực sự đang trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khi thực hiện “nói không với rác thải nhựa”, nhất là các huyện đảo đang làm theo như: Cô Tô, Phú Quý hay Lý Sơn.
Chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm giảm rác nhựa ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), PGS.TS. Kiều Thị Kính cho biết, Cù Lao Chàm là địa bàn du lịch đang được du khách yêu thích, đồng thời lại nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên việc bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường không chỉ phát triển du lịch mà còn gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Trong sinh hoạt hàng ngày, các chi hội tự quản; các tổ chức chính trị xây dựng mô hình “Ngôi nhà 0 đồng”, chủ yếu là thu gom rác thải từ chai, lọ có thể tái chế được để tận dụng làm kệ, trồng cây, hoa, rau xanh và gây quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn. Đặc biệt, hội phụ nữ của xã hoạt động rất tích cực với các buổi sinh hoạt chuyên đề “Nói không với túi ny lon và các sản phẩm nhựa dùng một lần”, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn cách làm phân compost cho hội viên… Chương trình này được lồng ghép trong các buổi tập huấn làm du lịch cộng đồng nên chị em rất tích cực tham gia. Còn với các tiểu thương, hiện 100% hộ kinh doanh trên địa bàn xã Tân Hiệp đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh buôn bán bằng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Với khách du lịch, những người trước đây mang rác thải từ đất liền ra đảo, nhất là rác thải nhựa thì nay đã thay đổi. Nhờ công tác tuyên truyền vận động và các hình thức đổi túi thân thiện môi trường ngay tại cảng đón du khách ra đảo nên trong 4 năm trở lại đây lượng rác thải nhựa do du khách mang ra Cù Lao Chàm gần như bằng 0. Thông qua 2 cuộc vận động: “Giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ny lon” năm 2009 và “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” năm 2018, đến nay rác thải nhựa gần như vắng bóng tại Cù Lao Chàm”.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quý cho biết, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình hay, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng tại địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo đúng quy định. Đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 14/5/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phú Quý; Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 08/12/2023 của UBND huyện về việc triển khai thí điểm mô hình hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắc tại nguồn theo Chương trình Nông thôn mới tiêu chí 17.
Theo đó, huyện Phú Quý có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp du lịch và du khách chung tay, tích cực và quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa gắn với vận động du khách không mang rác thải nhựa lên đảo. Ngoài ra 100% ca nô đưa rước khách ra đảo Hòn Tranh và các đảo lẻ sẽ không sử dụng chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần; vận động du khách tuyệt đối không vứt rác xuống biển, không mang rác thải nhựa lên đảo Hòn Tranh.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn toàn huyện đảo, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện xây dựng video clip tuyên truyền du khách đến đảo Phú Quý không mang theo chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi nhựa sự dụng một lần, không vứt rác xuống biển và phối hợp với các chủ tàu để phát video clip trên các chuyến tàu Phan Thiết - Phú Quý. Phòng Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Cảng Phú Quý triển khai lắp đặt 2 pa nô tấm lớn đặt 2 đầu cảng Phan Thiết và cảng Phú Quý nội dung “Phú Quý - Điểm đến không mang theo đồ nhựa”.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân huyện Phú Quý cũng đã giới thiệu các sáng kiến, mô hình giảm thiểu ráctại nhựa. Theo đó, từ năm 2020, huyện đã triển khai có 03 mô hình về giảm thiểu rác thải nhựa, cụ thể như sau: Mô hình nhóm thu gom nhựa tái chế (ve chai) dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Phú Quý; Mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường THPT Ngô Quyền; Mô hình khu dân cư thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động, của nhiệm vụ, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Địa lý nhân văn và Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển, trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.
Chia sẻ tại hoạt động, chị Nguyễn Thị Thơm - Bí thư Huyện Đoàn Phú Quý cho biết, huyện đảo Phú Quý là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển là vấn đề ô nhiễm môi trường, mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Do vậy, nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào chương trình bảo vệ môi trường chung của đảo, mỗi đoàn viên, thanh niên đảo Phú Quý hoàn toàn hưởng ứng, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho du khách quyết tâm thực hiện tốt chương trình “không mang rác thải nhựa lên đảo.”
Cũng tại Lễ ra quân, các lực lượng đã tiến hành trồng 500 cây dương xanh nhằm giữ gìn màu xanh cho huyện đảo Phú Quý. Các đơn vị, lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên đã tổ chức làm sạch 250m bờ kè biển thuộc khu vực Lạch Xanh (thuộc thôn Phú Long, xã Long Hải), qua đó thu gom, vận chuyển các loại rác như bao nilon, chai lọ, mãnh lưới, cành cây, gỗ mục… đặc biệt là đã tổ chức thu gom dầu vón cục bám dính trên mặt bê tông của kè và rác thải.
TS. Nguyễn Đình Đáp, TS. Nguyễn Xuân Khoát
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam